Hội nghị NATO “hụt hơi” trước các xung đột tại châu Âu và Trung Đông

Thu Hoài/VOV1 |

Diễn ra hôm qua tại thủ đô Brussels (Bỉ), hội nghị ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã phải gác lại một loạt vấn đề nóng từ tăng cường viện trợ cho Ukraine trong xung đột đến tiến trình gia nhập khối của Thụy Điển.

Trong bối cảnh liên tiếp các cuộc xung đột xảy ra tại châu Âu và Trung Đông, NATO đang cho thấy sự bế tắc trong việc đưa ra quyết định.

Hội nghị NATO “hụt hơi” trước các xung đột tại châu Âu và Trung Đông - Ảnh 1.

Xung đột Gaza phủ bóng đen lên Hội nghị NATO. Ảnh: EPA.

Nhìn vào chương trình nghị sự, cuộc họp lẽ ra phải là “một bữa tiệc mừng công” khi được lên kế hoạch để kỷ niệm việc Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương. Nhưng cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary đều chưa phê chuẩn hồ sơ của Thụy Điển dù trước đó đã “bật đèn xanh”. Cuộc xung đột kéo dài tại Ukraine cộng với căng thẳng leo thang ở Trung Đông và sự gia tăng bạo lực ở bán đảo Balkan cũng phủ bóng hội nghị. Một số bộ trưởng đã bày tỏ sự không hài lòng khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục trì hoãn việc thông qua tư cách thành viên của Thụy Điển.

Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna nhấn mạnh: “Chúng tôi rất thất vọng vì Thụy Điển cho đến nay vẫn chưa thể trở thành thành viên NATO. Sức mạnh của liên minh chúng ta nằm ở sự đoàn kết của các đồng minh. 29 quốc gia đã phê chuẩn tư cách ứng cử viên của Thụy Điển, hai quốc gia vẫn chưa làm điều đó. Chúng tôi hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary sẽ nhanh chóng phê chuẩn tư cách thành viên Thụy Điển. Sức mạnh và độ tin cậy của NATO đang bị đe dọa và chúng ta không thể lãng phí thêm một ngày nào nữa.”

Trên thực tế, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu xem xét hồ sơ của Thụy Điển vào giữa tháng 11 vừa qua. Tuy nhiên, Ủy ban đối ngoại của nước này đã đưa ra một yêu cầu mới, đó là Thụy Điển phải có một lộ trình bằng văn bản cho cuộc chiến chống khủng bố. Phần Lan, quốc gia gia nhập Liên minh châu Âu từ tháng 3 vừa qua, đã bày tỏ sự ngạc nhiên và thất vọng. Theo nước này, Thụy Điển đã giữ lời hứa ở Madrid vào năm 2022 khi dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ và hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngay ngày hôm qua đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan.

Một vấn đề gây chia rẽ khác là cuộc xung đột tại Ukraine. Dù tất cả các nước đều nhất trí phải duy trì ủng hộ Ukraine, song việc cả Quốc hội Mỹ và Liên minh châu Âu đều đang trì hoãn thông qua gói viện trợ bổ sung cho quốc gia Đông Âu có nguy cơ phá vỡ khối đoàn kết mà liên minh quân sự vẫn cố gắng cho thấy đến nay.

Tổng thư ký NATO Stoltenberg đã có phát biểu trấn an Ukraine và khẳng định sự vững chắc của liên minh quân sự: “Chúng ta sẽ tìm cách tăng cường hơn nữa khả năng phòng thủ tập thể, tăng cường hỗ trợ cho Ukraine và làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác của chúng ta. Chúng ta cũng sẽ thảo luận về việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập NATO tại Washington vào năm tới. Các đồng minh vẫn kiên định ủng hộ Ukraine, và chúng tôi quyết tâm đưa Ukraine đến gần hơn với NATO.”

Cũng tại cuộc họp, NATO đã tìm cách tránh leo thang căng thẳng với Nga trong bối cảnh Phần Lan trong tuần này đã quyết định đóng tất cả các cửa khẩu với Nga để ngăn người nhập cư trái phép. Dù chỉ trích Nga tìm cách gây áp lực lên các nước láng giềng, song NATO cũng khẳng định, Phần Lan không yêu cầu sự giúp đỡ từ NATO. Việc quản lý biên giới là trách nhiệm của các quốc gia với sự giúp đỡ của Cơ quan biên giới châu Âu Frontex. Nga trước đó đã bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Phần Lan, cho rằng quốc gia láng giềng đang theo chân các đồng minh phương Tây áp dụng lập trường chống Nga. Nước này đồng thời cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại