Hội nghị G-20 vắng 2 nhân vật chính: Giấc mơ đẹp về "tương lai xanh" và câu hỏi khó nhất

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Trong hai ngày 30-31/10, tại Roma (Italia) đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G-20. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên trong hai năm qua của lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không đến hội nghị và chỉ tham gia hội nghị theo hình thức trực tuyến.

Các biện pháp an ninh nghiêm ngặt đã được áp dụng. Hơn năm nghìn cảnh sát và binh sĩ cùng nhiều máy bay trực thăng đã được triển khai.

Các chủ đề chính của hội nghị là cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, phục hồi kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, cuộc khủng hoảng năng lượng, tình hình Afghanistan. Những người tham gia hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung về các vấn đề trên.

Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

Chống đại dịch COVID-19 là một trong những vấn đề trọng tâm được thảo luận tại hội nghị. Những người tham gia hội nghị khẳng định quyết tâm vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra trong các lĩnh vực, đặc biệt về y tế và kinh tế. Tuyên bố chung cảnh báo rằng, sự xuất hiện các biến chủng mới của COVID-19, sự chênh lệch giữa các nước trong việc tiêm chủng là những nguy cơ cản trở sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo G-20 đã cam kết nỗ lực hướng tới việc tiếp cận phổ cập, bình đẳng và kịp thời với các loại vắc xin ngừa COVID-19 hiệu quả, chất lượng, giá cả phải chăng và an toàn. Hội nghị đã đưa ra mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022.

Để đạt được mục tiêu này, hội nghị cam kết tăng cường cung cấp vắc xin, các sản phẩm y tế thiết yếu và cung cấp tài chính cho các nước đang phát triển. Những người tham gia hội nghị đưa ra kế hoạch giảm thời gian phát triển vắc xin mới từ 300 xuống 100 ngày. Tuy nhiên, làm thế nào để đạt được mục tiêu này thì vẫn chưa rõ ràng.

VẤN ĐỀ KINH TẾ VÀ KHỦNG HOẢNG NĂNG LƯỢNG

Các vấn đề kinh tế và khủng hoảng năng lượng đã được xem xét trong diễn đàn G-20. Các nước thành viên G-20 đã thảo luận các biện pháp nhằm phục hồi các nền kinh tế đang bị suy yếu sau đại dịch COVID-19. 

Để góp phần vào tiến trình này, những người tham gia hội nghị ủng hộ sáng kiến ​​của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhằm đưa ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu đối với các tập đoàn đa quốc gia là 15%, giúp các quốc gia G-20 xây dựng một hệ thống thuế quốc tế ổn định và công bằng hơn.

Các nhà lãnh đạo G-20 nêu rõ những thách thức to lớn trên cấp độ toàn cầu, đặc biệt trong việc gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nền kinh tế của họ và thế giới. Các nước G-20 cam kết sẽ cùng nhau giải quyết những vấn đề này khi nền kinh tế được phục hồi và duy trì sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của đầu tư cơ sở hạ tầng có chất lượng trong việc phục hồi sau đại dịch. 

Tầm quan trọng của các chính sách nhằm tạo ra một nền kinh tế kỹ thuật số đã được công nhận. Kế hoạch hành động chống tham nhũng giai đoạn 2022-2024 cũng đã được thông qua.

Hội nghị G-20 vắng 2 nhân vật chính: Giấc mơ đẹp về tương lai xanh và câu hỏi khó nhất - Ảnh 1.

Các nhà lãnh đạo G-20 cam kết cùng với Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) bảo đảm an ninh năng lượng thông qua đối thoại giữa các nhà sản xuất và người sử dụng năng lượng nhằm tăng cường hiệu quả, tính minh bạch và ổn định của thị trường. Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các dòng năng lượng không bị gián đoạn từ các nguồn cung cấp khác nhau. Ngoài ra, hội nghị cũng nhấn mạnh vai trò của số hóa trong việc cải thiện an ninh năng lượng và khả năng phục hồi thị trường.

Các nhà lãnh đạo G-20 thỏa thuận nối lại các chuyến du lịch quốc tế một cách có trật tự và an toàn, phù hợp với quy định của các tổ chức quốc tế như OECD, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO).

Những người tham gia hội nghị nêu rõ tầm quan trọng của các chính sách công để tạo ra một nền kinh tế kỹ thuật số mở và công bằng, cam kết thúc đẩy các công nghệ mới cho phép các doanh nghiệp và doanh nhân phát triển, đồng thời bảo vệ quyền của người tiêu dùng, giải quyết các mối quan tâm về bảo mật các dữ liệu cá nhân và sở hữu trí tuệ.

mục tiêu trung hòa carbon toàn cầu

Các nhà lãnh đạo G-20 để ra mục tiêu đưa mức phát thải khí nhà kính bằng không trên toàn cầu hay còn gọi là trung hòa carbon vào giữa thế kỷ 21.

Các nước G-20 kêu gọi hành động để hạn chế sự gia tăng của tình trạng ấm lên trên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, xây dựng các kế hoạch quốc gia về phục hồi và khả năng chống chịu để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, tăng cường nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học và thực hiện các biện pháp để giảm việc sử dụng than.

Các chi tiết cụ thể được bàn thảo tại Hội nghị biến đổi khí hậu COP-26 tại Glasgow kéo dài từ 31/10-12/11/2021.

Afghanistan - vấn đề nóng tại hội nghị G-20

Vấn đề Afghanistan là một trong những chủ đề nóng được đưa ra thảo luận tại hội nghị. 

Các nhà lãnh đạo G-20 tái cam kết viện trợ nhân đạo trực tiếp cho người dân Afghanistan thông qua các tổ chức quốc tế độc lập và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người, bao gồm phụ nữ, trẻ em gái và dân tộc thiểu số. 

Hội nghị khẳng định nhu cầu cấp thiết hiện nay là tiếp tục tăng cường các nỗ lực chống khủng bố, đặc biệt là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), đảm bảo an toàn cho công dân nước ngoài và người Afghanistan có nguyện vọng rời khỏi Afghanistan.

Nhân dịp này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng đã công bố một gói viện trợ bổ sung trị giá 1,2 tỷ USD cho Afghanistan nhằm tránh một cuộc khủng hoảng nhân đạo, góp phần giải quyết một số khó khăn trước mắt về xã hội và kinh tế. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố Berlin chưa sẵn sàng công nhận chính quyền Taliban, nhưng vẫn cam kết viện trợ cho Afghanistan 600 triệu USD.

Hội nghị G-20 vắng 2 nhân vật chính: Giấc mơ đẹp về tương lai xanh và câu hỏi khó nhất - Ảnh 2.

Trong khi đó, Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani đã kêu gọi các nhà lãnh đạo G-20 có quan điểm thống nhất và cách tiếp cận thực tế đối với vấn đề Afghanistan, đưa ra một lộ trình về trách nhiệm và nghĩa vụ của chính phủ lâm thời Afghanistan, đồng thời nêu rõ, cộng đồng quốc tế có trách nhiệm to lớn đối với Afghanistan, đặc biệt trong việc cứu trợ khẩn cấp và viện trợ nhân đạo.

Việc công nhận chính quyền mới ở Afghanistan là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Taliban, vì có được sự công nhận của quốc tế thì Kabul mới có thể tiếp cận các thể chế quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và được hỗ trợ tài chính thông qua viện trợ phát triển (ODA). Năm 2020, số viện trợ này phần lớn từ các nước G-20 chiếm khoảng 43% tổng sản phẩm quốc nội của Afghanistan.

Các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ tuyên bố sẽ chỉ công nhận Taliban, nếu chính quyền Kabul đáp ứng một số điều kiện, trong đó có việc tôn trọng các giá trị dân chủ và nhân quyền. Một số nhà phân tích chính trị cho rằng, việc tìm lý do để kéo dài không công nhận chính quyền Taliban là nhằm che giấu sự thất bại của phương Tây trong vấn đề Afghanistan.

Hội nghị G-20 vắng 2 nhân vật chính: Giấc mơ đẹp về tương lai xanh và câu hỏi khó nhất - Ảnh 3.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự phiên họp của hội nghị thượng đỉnh G-20 theo hình thức trực tuyến từ thủ đô Bắc Kinh, ngày 30/10/2021 (Ảnh: Xinhua/Li Xueren)

Đồng thuận về mục tiêu, bất đồng về biện pháp

Hội nghị đưa ra mục tiêu đến năm 2050 xây dựng nền kinh tế không carbon và chống lại sự nóng lên toàn cầu. Mặc dù sự nóng lên toàn cầu là một trong những chủ đề chính của hội nghị, nhưng chương trình nghị sự "xanh" của các nước G-20 đã gây ra chia rẽ ngay trước thềm hội nghị. Không phải tất cả các nước đều ủng hộ việc từ bỏ than và dầu mỏ để sản xuất điện.

Các thành viên G-20 tiếp tục bất đồng về thời điểm thế giới có thể cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống 0 và trung hòa với carbon. Trong khi châu Âu đặt mục tiêu đến năm 2050, Nga và Trung Quốc 2060, thì Ấn Độ, với tư cách là một nước đang phát triển có lượng khí thải cực lớn lại hoàn toàn không thực hiện các nghĩa vụ như vậy. Điều quan trọng là các nước G-20 phải tính đến các đặc điểm và nhu cầu của các nước khi thảo luận cách thức đạt được mục tiêu khí hậu chung.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nước tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch lớn nhất và là nguồn phát thải khí nhà kính chính trên thế giới, Tổng thống Nga V. Putin, nước cung cấp nguyên liệu thô quan trọng nhất cho Trung Quốc và có vị trí hết sức quan trọng trên thị trường khí đốt châu Âu, nơi đang phải gồng mình đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có, đã không đến thượng đỉnh G-20 ở Rome và COP-26 ở Glasgow.

Các bất đồng về chính trị đã khiến thế giới không thể cùng nhau lên tiếng như một mặt trận thống nhất chống lại biến đổi khí hậu hơn bao giờ hết. Không chỉ phương Tây bất đồng với Trung Quốc và Nga, mà ngay nội bộ các nước phương Tây cũng đang chia rẽ. Các quốc gia, trong đó có Australia, đã từ chối ký cam kết mới không sử dụng than trong các nhà máy điện và giảm phát thải khí mê-tan.

Hội nghị G-20 vắng 2 nhân vật chính: Giấc mơ đẹp về tương lai xanh và câu hỏi khó nhất - Ảnh 4.

Ngay cả với Mỹ, Tổng thống Joe Biden không dễ gì vượt qua được những di sản của người tiền nhiệm Donald Trump trong việc rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2020 và giành được sự ủng hộ của các đồng minh cũng như những tập đoàn điện lực đang sử dụng than đá và dầu mỏ ở Mỹ. Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, ông Biden được các nước G-7 ủng hộ, nhưng trong G-20 và COP-26 tình hình không phải vậy.

Có rất nhiều vấn đề phức tạp phải giải quyết. Đến nay vẫn chưa có một phép màu công nghệ, một bước đột phá về khoa học kỹ thuật có thể giúp đạt được các mục tiêu về trung hòa carbon trên toàn cầu vào giữa thế kỷ này.

Và cuối cùng là nguồn tài chính. Chi phí để điện khí hóa toàn bộ thế giới cần vài nghìn tỷ USD mỗi năm. Theo tính toán sơ bộ của IEA, để đạt được mục tiêu do G-20 đề ra, trong tám năm tới thế giới sẽ cần ít nhất 4 nghìn tỷ USD và 70% trong số đó sẽ phải dành cho các nước đang phát triển. Ai sẽ chi tiền cho một tương lai xanh này?

Những nước giàu có thể chi tiền để thay thế các nhà máy phát điện chạy bằng năng lượng hóa thạch, nhưng những nước nghèo đang phát triển không thể làm được việc đó. Họ không có khả năng tài chính và quan tâm đến một tương lai xanh cho hậu thế khi đang phải vật lộn với đói nghèo. Để có một tương lai xanh chung cho toàn bộ hành tinh, các nước giàu cần mở rộng hầu bao. 

Năm 2009, tại Hội nghị biến đổi khí hậu COP-15 tại Copenhagen, Đan Mạch, các nước giàu đã hứa chi 100 tỷ USD cho các nước nghèo mỗi năm, nhưng chưa bao giờ số tiền này được thực hiện đầy đủ.

không đạt được kết quả mong muốn

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, hội nghị thượng đỉnh G-20 đã không hiện thực hóa được hy vọng của ông. 

Hội nghị G-20 vắng 2 nhân vật chính: Giấc mơ đẹp về tương lai xanh và câu hỏi khó nhất - Ảnh 5.

"Mặc dù tôi hoan nghênh cam kết của G-20 đối với các giải pháp toàn cầu, nhưng tôi rời Rome với những hy vọng chưa thành. Các thành viên tham dự hội nghị G-20, đã đạt được thỏa thuận hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, nhưng để đạt được mục tiêu này cần có các biện pháp quan trọng và hiệu quả từ toàn bộ cộng đồng thế giới," ông Guterres nói.

Tiberio Graziani, Chủ tịch Viện Phân tích về Tầm nhìn & Xu hướng Toàn cầu (Vision & Global Trends) nói, mặc dù được kỳ vọng cao, nhưng hội nghị thượng đỉnh G-20 không mang lại kết quả đáng kể, trước hết về hồ sơ khí hậu. Ông nói, cuộc họp này như thường lệ, đã cho người tham gia cơ hội được đi trên một "sàn diễn thời trang đẹp", chứ không có gì hơn.

Theo ông T. Graziani, kết quả của hội nghị thượng đỉnh còn bị ảnh hưởng bởi việc Tổng thống Nga V. Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đại diện cho hai nền kinh tế lớn vắng mặt tại Rome, cũng như tham vọng của một số người tham gia muốn trở thành nhân vật chính, chẳng hạn như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R. Erdogan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại