G20 đạt thỏa thuận lịch sử về thuế

Cao Lực |

Đề xuất của G20 có thể mang lại thêm 150 tỉ USD/năm cho doanh thu thuế toàn cầu, đồng thời chuyển quyền đánh thuế hơn 100 tỉ USD lợi nhuận sang nhiều quốc gia khác nhau

Hội nghị chuyên đề cấp cao về thuế của G20 diễn ra tại TP Venice - Ý vào cuối tuần qua Ảnh: REUTERS

Hội nghị chuyên đề cấp cao về thuế của G20 diễn ra tại TP Venice - Ý vào cuối tuần qua Ảnh: REUTERS

Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 10-7 đã ủng hộ đề xuất áp thuế toàn cầu tối thiểu 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia. Trong khuôn khổ của các quy định mới, những doanh nghiệp toàn cầu quy mô lớn, kể cả Amazon và Facebook, sẽ phải đóng thuế tại các quốc gia mà sản phẩm và dịch vụ của họ được bán, ngay cả khi họ không hiện diện vật lý ở đó.

Nếu được triển khai, theo báo The New York Times, kế hoạch này có thể trở thành công cuộc cải cách hệ thống thuế toàn cầu đáng chú ý nhất trong nhiều thập kỷ; giúp tái định hình kinh tế thế giới, thay đổi cách thức chọn địa điểm hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia, cũng như cơ quan đánh thuế họ và chính sách thu hút đầu tư của các nước.

Hướng tiếp cận này đánh dấu sự đảo ngược của các chính sách kinh tế vốn dùng thuế thấp để thu hút đầu tư nước ngoài. "Sau nhiều năm thảo luận, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận lịch sử về cơ cấu thuế toàn cầu ổn định và công bằng hơn" - các bộ trưởng tài chính G20 khẳng định sau phiên họp 2 ngày ở TP Venice - Ý.

Thỏa thuận trên đạt được theo sau tuyên bố chung hôm 1-7 với chữ ký của 130 quốc gia ủng hộ khung khái niệm đã được thảo luận trong suốt thập kỷ qua tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, trụ sở Paris - Pháp). Theo OECD, đề xuất trên có thể mang lại thêm 150 tỉ USD/năm cho doanh thu thuế toàn cầu, đồng thời chuyển quyền đánh thuế hơn 100 tỉ USD lợi nhuận sang nhiều quốc gia khác nhau.

Tuy nhiên, một vài chi tiết quan trọng của đề xuất vẫn cần được giải quyết trước hạn chót tháng 10-2021, khi các nhà lãnh đạo G20 hội đàm tại TP Rome - Ý. Hiện tại, vẫn còn một vài quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu (EU) không tán thành đề xuất trên giữa lúc xuất hiện sự phản đối gia tăng từ các doanh nghiệp, cũng như từ các nước đánh thuế thấp như Ireland, Hungary và Estonia…, vì những nỗi lo liên quan lần lượt đến thuế gia tăng và mô hình kinh tế bị đảo ngược.

Khẳng định áp thuế là một vấn đề mang tính chủ quyền, Thủ tướng Hungary Viktor Orban mới đây mô tả đề xuất áp thuế toàn cầu tối thiểu là "vô lý". Mức thuế doanh nghiệp thấp 9% đã giúp Hungary thu hút các nhà sản xuất lớn của châu Âu, đặc biệt là các hãng xe từ Đức như Mercedes và Audi. Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết các nước G20 đã lên kế hoạch gặp gỡ Ireland, Hungary và Estonia vào tuần này để tháo gỡ những "hoài nghi" của họ nhằm bảo đảm đề xuất thuế nhận được sự ủng hộ của mọi quốc gia châu Âu.

Cũng trong cuộc họp hôm 10-7, các bộ trưởng tài chính G20 cảnh báo phục hồi kinh tế toàn cầu đang bị đe dọa bởi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19, cũng như tình trạng thiếu vắc-xin tại các nước đang phát triển. Mặc dù khẳng định triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện kể từ phiên họp hồi tháng 4 của G20 nhờ vắc-xin và các gói hỗ trợ kinh tế, các bộ trưởng vẫn thừa nhận quá trình phục hồi đang trong trạng thái "mong manh" vì những biến thể lây nhanh như Delta, đặc biệt là khi chênh lệch vắc-xin giữa các nước giàu và nghèo còn lớn.

Nước chủ nhà Ý tuyên bố G20 sẽ quay lại vấn đề tài trợ vắc-xin cho các nước thu nhập thấp trước Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Rome vào tháng 10 tới. Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khẳng định hợp tác toàn cầu về vắc-xin phòng Covid-19 có thể đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế, giúp thu nhập toàn cầu tăng thêm 9.000 tỉ USD đến năm 2025.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại