Hội đồng Bảo an LHQ biến thành “chảo lửa” vì tình trạng bạo lực ở Gaza

Anh Tuấn |

Theo hãng tin Sputnik, bạo động ở dải Gaza vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi trong ngày hôm nay đã có thêm ít nhất 2 người Palestine biểu tình thiệt mạng và 400 người khác bị thương khi đụng độ với binh lính Israel.

Vấn đề dải Gaza đã được nêu ra trong cuộc họp mới đây nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, khi mở đầu là việc toàn bộ các thành viên dành một phút mặc niệm cho những người Palestine đã chết dưới làn đạn của Israel vào ngày 14/5, cùng thời điểm Mỹ mở cửa Đại sứ quán tại Jerusalem.

Trong cuộc họp, phần lớn các đại sứ đã bày tỏ quan ngại trước việc Israel dùng vũ lực. Đại sứ Thụy Điển tại Liên Hợp Quốc Olof Skoog cho biết Israel phải kiềm chế của mình, và ý kiến của ông cũng nhận được sự ủng hộ từ các đồng nghiệp Trung Quốc và Hà Lan.

Đại sứ Pháp Francois Delattre cho biết “tình hình ở Trung Đông hiện nay gần như là một cơn bão hoàn chỉnh”, còn đại sứ Anh Karen Pierce kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra độc lập đối với vụ bạo lực ngày 14/5.

“Quan điểm về tình trạng của Jerusalem và quyết định di dời Đại sứ quán Mỹ về đây đã từ lâu được khẳng định. Tình trạng của Jerusalem phải được quyết định thông qua một thỏa thuận mà Israel và Palestine cùng thống nhất, và Jerusalem sau cùng phải là thủ đô chung của Israel và Palestine”, bà nói.

Đại sứ Bolivia Sasha Llorenty cũng có cùng ý kiến và nói rằng “quyết định đơn phương đưa Đại sứ quán tới Jerusalem của Hoa Kỳ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình”.

“Hoa Kỳ với việc ủng hộ lực lượng chiếm đóng đã trở thành rào cản đối với hòa bình. Họ trở thành một phần của vấn đề chứ không còn là một phần của giải pháp”, ông Llorenty nhấn mạnh. Đặc phái viên đàm phán hòa bình Trung Đông Nikolay Mladenov cũng nhấn mạnh rằng, “không gì có thể biện hộ” cho hành động bạo lực ở dải Gaza.

Về phần mình, đại sứ Mỹ Nikki Haley đã bảo vệ cho hành động của binh lính Israel và cáo buộc Hamas đã châm ngòi bạo động. “Cần phải thấy rằng Hamas rất vui mừng với những gì đã xảy ra”, bà nói và khẳng định quyết định di dời Đại sứ quán tới Jerusalem là điều đúng đắn.

Trước đó, Mỹ đã ngăn Hội đồng Bảo an kêu gọi tổ chức điều tra vụ những người Palestine đã chết trong các cuộc bạo động với quân đội Israel ở khu vực biên giới dải Gaza.

Kể từ ngày 30/3 năm nay, người Palestine đã tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn và đã có hàng chục người đã chết hoặc bị thương khi quân đội Israel dùng vũ lực trấn áp biểu tình. Tình trạng bạo động leo thang sau khi Mỹ mở cửa Đại sứ quán mới và 59 người Palestine thiệt mạng cùng hơn 2.000 người khác đã bị thương trong ngày 14/5.

Palestine từ lâu đã xác định Đông Jerusalem là thủ đô của họ nếu đất nước được công nhận trong tương lai, song khu vực này đã bị Israel chiếm đóng vào năm 1967. 13 năm sau, Quốc hội Israel thông qua đạo luật tuyên bố rằng toàn thành phố này là thủ đô Israel và vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại