Hội đàm Trump-Tập, khi Trung Quốc lo sợ sẽ trở thành "Hồng Môn Yến"

Thủy Thu |

Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer từng nhấn mạnh, hội đàm Trump-Tập lần này không phải như buổi nói chuyện phiếm, thưởng thức trà bánh nhẹ nhàng.

"Bữa tiệc Hồng Môn Yến"?

Ngày 30/3, Bộ ngoại giao Trung Quốc chính thức xác nhận, hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida vào ngày 6-7/4.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ đăng tải trên Twitter cá nhân dự đoán rằng cuộc gặp sắp tới với người đồng cấp Trung Quốc sẽ "rất khó khăn", đặc biệt về vấn đề kinh tế.

Chia sẻ của ông chủ Nhà Trắng đã đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc. Một số ý kiến cho rằng, Tổng thống Trump dường như cố tình bằng cách gia tăng áp lực, buộc ông Tập phải mang "lễ gặp mặt đầy đặn hơn" khi đến Mỹ như đưa ra nhượng bộ nhiều hơn về kinh tế thương mại.

Hồng Môn Yến chỉ một buổi tiệc được tổ chức tại Hồng Môn, bên ngoài thành Hàm Dương thời Tần năm 206 TCN.

Các bên tham gia chính trong buổi tiệc là hai lãnh đạo nổi bật của các lực lượng nổi dậy chống nhà Tần - Lưu Bang và Hạng Vũ.

Sự kiện này có ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc chiến tranh Hán-Sở, được cho là nhân tố gián tiếp khiến Hạng Vũ thất bại và sự thành lập triều đại nhà Hán thành công của Lưu Bang.

Thậm chí, một luồng ý kiến còn nghi vấn, liệu chuyến công du của ông Tập lần này có phải sẽ trở thành "Hồng Môn Yến".

Trong văn hóa Trung Quốc, thuật ngữ "Hồng Môn Yến" được sử dụng để chỉ một cái bẫy, tức một tình huống vui vẻ nhưng thực tế lại tiềm ẩn nguy hiểm.

Tuy nhiên, ông Ngô Tâm Bá - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nước Mỹ thuộc Đại học Phúc Đán (Thượng Hải, Trung Quốc) cho rằng, Bắc Kinh không cần phải lo lắng bởi Washington sẽ không chỉ muốn thực hiện "giao dịch một lần", cũng như sẽ không vì một thỏa thuận duy nhất mà khiến hội đàm lần đầu giữa nguyên thủ hai nước "ra về chẳng vui".

Hội đàm Trump-Tập, khi Trung Quốc lo sợ sẽ trở thành Hồng Môn Yến - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng tải quan điểm về hội nghị thượng đỉnh song phương Mỹ-Trung Quốc sắp tới trên Twitter cá nhân. (Ảnh: Twitter Donald J. Trump)

Theo ông Ngô, hội đàm nghỉ dưỡng sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo Trung-Mỹ không phải là một "bữa tiệc Hồng Môn Yến".

Đồng thời nhận định, dù ông Trump "đặt kỳ vọng rất cao" vào cuộc hội đàm lần này, đặc biệt về kinh tế thương mại và vấn đề Triều Tiên nhưng Nhà Trắng sẽ không biến cuộc đối thoại lần đầu trở thành "giao dịch một lần".

Bởi ngoài việc thảo luận những vấn đề cụ thể hai bên cùng quan tâm, mục đích quan trọng hơn của hội nghị thượng đỉnh này cơ hội giúp hai nhà lãnh đạo kéo gần khoảng cách để trao đổi quan điểm về tầm nhìn và định vị mối quan hệ song phương trong tương lai.

Dục tốc bất đạt

Giới quan sát Mỹ cho rằng, về hình thức hội nghị Trung-Mỹ lần này là sự kế tiếp mô thức hội đàm phi chính thức giữa cựu Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình tại tư dinh Annenberg, California năm 2013.

Giống như lần trước, ông Tập sẽ công du một nước khác (lần này là Phần Lan) trước khi sang Mỹ. Do nhà lãnh đạo Trung Quốc không có sở thích đánh golf nên cơ quan ngoại giao hai nước sẽ sắp xếp một cuộc dạo bộ trong khu nghỉ dưỡng cho hai nhà lãnh đạo.

Hội đàm Trump-Tập, khi Trung Quốc lo sợ sẽ trở thành Hồng Môn Yến - Ảnh 3.

Học giả Mỹ nhận định, với cá tính ngẫu hứng của Tổng thống Donald Trump sẽ rất khó dự đoán được sự việc sẽ phát sinh trong hội đàm Trump-Tập sắp tới. (Ảnh: AL DRAGO / NYT)

Một số ý kiến khác thì đánh giá, việc Bắc Kinh "nóng vội" thúc đẩy cuộc tiếp xúc lần này chứa đựng rủi ro rất lớn bởi hai bên còn tồn tại nhiều quan điểm trái chiều nghiêm trọng.

Trước đó, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cũng nhấn mạnh, vấn đề an ninh quốc gia, nguy cơ hạt nhân Triều Tiên và kinh tế thương mại đều là những vấn đề rất đáng được quan tâm nên hội đàm Trump-Tập lần này không phải như buổi nói chuyện phiếm, thưởng thức trà bánh nhẹ nhàng.

Cố vấn cấp cao về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) Christopher Johnson nhận định, hội đàm lần này là cơ hội tốt để hai nhà lãnh đạo gặp mặt nhưng dư luận lại không nắm rõ những vấn đề được thảo luận.

Ở một khía cạnh khác, học giả Mỹ cho rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình đang lên một kế hoạch rõ ràng cho năm nay và mục tiêu cốt lõi chính là nâng cao vị thế lãnh đạo lớn mạnh của bản thân. Trong đó, tiến hành hội đàm với Trump là sự kiện mang ý nghĩa biểu tượng.

Johnson phân tích, trong kỳ Đại hội khóa 19 đảng cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra vào mùa thu năm nay, ông Tập - người được ủng hộ với vai trò lãnh đạo hạt nhân - cần thể hiện năng lực đối ngoại, đặc biệt khả năng xử lý quan hệ ngoại giao với Washington.

Ông này còn nhận định, nhà lãnh đạo Trung Quốc tin tưởng rằng sẽ kiềm chế được người đồng cấp Mỹ và ngược lại nên mọi động thái từ cuộc hội đàm đều rất đáng chú ý.

Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ban nghiên cứu Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Scott Kennedy cho rằng, cuộc đối thoại lần này nhằm để xác định lại quan hệ song phương, là một nỗ lực về quan hệ kinh tế.

Theo ông, do cuộc tiếp xúc tiến hành gấp gáp nên nội dung đối thoại sẽ chỉ là những phàn nàn chứ không phải là đàm phán về các vấn đề kinh tế cụ thể.

"Về phía Tổng thống Trump, tôi cho rằng, ông ấy sẽ dùng phần lớn thời gian để thảo luận về các vấn đề thiếu công bằng trong thương mại hay việc người Mỹ bị mất việc làm vào tay Trung Quốc", học giả Kennedy cho rằng, rất khó dự đoán sự việc phát sinh trong cuộc gặp do Tổng thống Mỹ là người khó đoán định.

Trong khi, Christopher Johnson thì lo lắng Washington có thể sẽ chịu thiệt do tân chính phủ Mỹ chưa chuẩn bị đầy đủ, bao gồm cả vấn đề nhân lực cho cuộc tiếp xúc sắp tới với Bắc Kinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại