Một trong những đề tài gây tranh cãi nhiều trong lịch sử tranh cãi của nhân loại: hai con hổ và con sư tử giao tranh, con nào sẽ giành phần hơn? Mỗi người có một ý kiến, cả hổ và sư tử đều có cho mình những người ủng hộ: các nhà khoa học, các trang tin lớn, các quản lý vườn thú, các hướng dẫn viên du lịch tự nhiên.
Lịch sử chiến đấu giữa hổ và sư tử cũng rất dày đặc, phần thắng không nghiêng nhiều một con nào cả. Có quá nhiều yếu tố có thể dẫn đến kết cục trận đấu, đa số chúng ta hay thậm chí là các chuyên gia chỉ có thể phỏng đoán.
Bức tượng hổ vồ sư tử do Emile-Joseph-Alexandre Gouget tạc nên.
Khi câu hỏi này xuất hiện trên Quora, một nền tảng hỏi/đáp tự do về mọi vấn đề trên đời, danh sách dài những người trả lời có hai cái tên đáng chú ý: Đó là Ariel Williams và Rory Young.
Cả hai câu trả lời đều được trang báo The Huffington Post đăng tải lại, điều đáng chú ý nhất là mỗi người họ lại ủng hộ một loài. Dưới đây là những gì họ viết:
Rory Young , hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, một kiểm lâm và một cây bút viết truyện cũng có những ý kiến rất hay.
Sư tử Châu Á (nhỏ hơn sư tử Châu Phi) và hổ đều có nguồn gốc từ Ấn Độ. Ngày nay, lãnh thổ của hai loài này không còn giao nhau nữa nhưng trong quá khứ, chuyện đó đã xảy ra và việc sư tử phải giao tranh với hổ để giành lãnh thổ chắc chắn đã xuất hiện. Trong ví dụ dưới, tôi sẽ giả định một con sư tử đực và một con hổ đực đánh nhau.
Mặc dù sư tử cái săn theo bầy, nhưng sư tử đực lại sống gần như cô đơn cả đời. Chúng bị ép rời bầy khi được khoảng 2 tuổi. Nếu con sư tử đực có thể chiếm quyền kiểm soát của cả đàn, chúng sẽ dành cả đời để chiến đấu, giữ bằng được đàn của mình khỏi tay những con sư tử muốn chiếm quyền khác.
Trong trường hợp một con sư tử đực không có đàn, nó sẽ đánh nhau bất kì khi nào đụng độ một con sư tử đực khác hoặc sẽ tìm một con sư tử đực đầu đàn nào đó, chiến đấu nhằm cướp quyền chỉ huy cả đàn.
Từ những điều trên, ta có thể thấy một con sư tử đực dành cả cuộc đời trưởng thành của mình để giao tranh. Trên thực tế, chúng dành quá nhiều thời gian cho việc giao tranh, quá ít thời giờ để ăn uống. "Lịch sinh hoạt" không điều độ khiến sư tử đực chỉ sống được khoảng 10 năm tuổi, sư tử cái thường sống được tới 15 năm.
Dành nhiều thời gian để chiến đấu, sư tử đực có cách thích nghi riêng của mình: cơ thể chúng có một lá chắn tự nhiên, đó chính là cái bờm bù xù. Chúng chiến đấu như những đô vật, đối mặt với địch thủ, bám chặt lấy nhau và cố chiếm thế thượng phong bằng sức mạnh.
Tôi đã chứng kiến sư tử đực đánh lẫn nhau nhiều lần, và đã gặp hai con sư tử đực bỏ mạng vì giao tranh như thế. Cả hai con đều bị chết do vết cắn xuyên xương sống. Từ những gì tôi tìm hiểu được, vết thương dẫn đến tử vong rất thường thấy trong các cuộc giao tranh của sư tử.
Có thể suy ra bờm của sư tử rất hữu dụng trong việc giao tranh. Để vượt qua được lớp rào chắn bằng lông này, một con vật đối thủ sẽ cần rất nhiều sức, phải làm con sư tử thấm mệt đến mức lộ sơ hở để mà cắn vào xương sống. Hổ thì không có cách phòng vệ này. Lý do: chúng không thường xuyên giao tranh.
Hổ là loài sống đơn độc. Dù nặng hơn con sư tử, vai của hổ lại thấp hơn. Chênh lệch cân nặng phải tới 15%, dù rất lớn nhưng tôi tin rằng chừng đó là không đủ để con hổ có một lợi thế quá vượt trội, nhất là khi con hổ thấp hơn con sư tử.
Xét về tập tính, con hổ đực thường giải quyết bất hòa qua việc phô diễn sức mạnh và đe dọa đối thủ, chúng thường tránh mặt nhau, không ưa giao tranh. Một con hổ khi chịu thua sẽ nằm ngửa, giơ bụng ra để nói cho đối thủ biết mình chịu lép vế. Vì không mấy khi giao chiến, hổ sẽ gặp bất lợi cực lớn trước một kẻ cả đời chinh chiến.
Việc này giống như ném một võ sĩ ít kinh nghiệm vào lồng với một chiến binh cao hơn, dày dặn kinh nghiệm hơn và có một lịch sử chiến chinh đặc mùi máu.
Chẳng phải nghi ngờ gì. Một con sư tử hoang sẽ thắng bởi nó đã dành cả đời giao tranh với những con sư tử khác rồi. Kích cỡ không phải là yếu tố duy nhất đem lại chiến thắng.
Tuy nhiên, một con hổ trong vườn thú sẽ nhiều khả năng giết chết được con sư tử bởi nếu con hổ không chịu thua, một con sư tử không chút kinh nghiệm chiến đầu sẽ ít có cơ hội chiến thắng.
Nhưng chưa hết, dù con sư tử có thể thua, cũng nhiều khả năng con hổ sẽ lùi bước nếu như trận chiến trở nên quá cam go, đó là khi con hổ nhận ra rằng mình đang đối mặt với một gã điên loạn khỏe mạnh, sẵn sàng bỏ mạng để chiến thắng.
Ariel Williams – tự xưng là một nghệ sĩ, một cây bút viết truyện giả tưởng – có lời lẽ rất thuyết phục và có những dẫn chứng cụ thể.
Hổ và Sư tử trong Giao tranh, tranh do Johann Wenzel Peter vẽ năm 1809.
Những mục nằm trong khung được trích dẫn thẳng từ Wikipedia xuống:
Trong các đấu trường của La Mã cổ đại, những con vật ngoại lai sẽ giao tranh với nhau, mua vui cho khán giả. Trận chiến giữa sư tử và hổ là một trong những cặp đấu nổi tiếng nhất, với "cửa trên" thường thuộc về con hổ.
Cuối thế kỷ 19, vị Gaekwad vùng Baroda tổ chức một trận đấu kinh điển giữa hổ và sư tử trước hàng ngàn khán giả. Gaekwad cho rằng sư tử sẽ thẳng, và đã phải trả 37.000 rupe tiền cược do con hổ đã vồ chết con sư tử.
Kích cỡ:
Phân loài Amur hay hổ Siberia chứa những cá thể lớn nhất thuộc Chi Báo, có thể nặng tới 360 kg, trong khi đó một con sư tử Châu Phi lớn có thể nặng tới 250 kg. Cân nặng trung bình của sư tử Châu Phi là 181 kg, hổ Bengal là 221,2 kg còn hổ Siberia là 230 kg.
Dựa vào hình trên, ta thấy hổ không quá to hơn con sư tử dù nặng hơn đáng kể. Điều này rất quan trọng bởi nó cho thấy sức mạnh con hổ là lớn hơn, do cơ bắp của nó dày hơn. Mà cơ bắp dày hơn chứng tỏ nó khỏe hơn. Bên cạnh đó, hãy để ý độ rộng của chân con hổ và trọng tâm thấp của nó. Điều đó cho phép con hổ có thể hạ thấp mình, né đòn tấn công hiệu quả.
Dù thấp hơn, nhưng khi vồ hay khi dồn trọng tâm vào chân sau để đứng lên cao, con hổ có thể với rất xa và xòe móng ra vả nhanh hơn khả năng với của con sư tử. Đứng bằng chân sau, con hổ có lợi thế hơn, khi mà trong giao tranh, cả hai con sẽ đều có xu hướng đứng bằng hai chân sau để vừa tấn công, vừa phòng vệ.
Sư tử đứng bằng hai chân sau không tốt, nó dựa nhiều vào lực hàm và răng sắc nhọn để tấn công, và dùng tay vả khi nào có thể.
Bờm của con sư tử có thể bảo vệ nó khỏi đa số các đòn tấn công, nhưng con hổ có lực vuốt rất mạnh, có nguy cơ rạch bụng con sư tử nếu như nó với tới được và có khả năng vả rất mạnh bằng vuốt dài tới 7,5 cm. Sư tử không vả được hiệu quả như hổ.
Tương tự, con tinh tinh có kích cỡ tương đương con người nhưng một con tinh tinh trưởng thành phải khỏe gấp 3-5 lần người trường thành, bởi cơ bắp con tinh tinh dày đặc và khỏe mạnh hơn hẳn.
Tính khí:
Con hổ là thợ săn đơn độc; sư tử là động vật sống có tổ chức xã hội, nó sống và đi săn theo đàn. Dù sư tử hợp tác với nhau khi đi săn, chúng rất hay xảy ra tranh chấp khi chia phần. Những con yếu hơn sẽ bị đẩy ra xa hoặc bị đuổi khỏi miếng mồi vừa săn được.
Bản chất tranh đua trong cấu trúc bầy đàn khiến sư tử phải đấu tranh rất nhiều, nhất là với những con đực – những sinh vật với mạng sống phụ thuộc hoàn toàn vào đàn của chúng (sư tử đực không phải là những thợ săn bẩm sinh trên đồng cỏ). Còn hổ vô cùng nhanh nhẹn, những người bắt giữ hổ cần hết sức cẩn trọng với những pha tấn công chớp nhoáng.
Con hổ quen với việc giao tranh một – một hơn sư tử. Đây có thể là lợi thế rất lớn. Bên cạnh đó, hổ là một chiến binh hung tợn và nhanh nhẹn. Hổ thường săn những con mồi to lớn hơn những thứ sư tử vẫn săn, mà chúng lại còn săn một mình.
Sư tử phải kết hợp với cả đàn để săn được con mồi lớn. Khi con hổ giao tranh, nó tấn công với mục đích triệt hạ đối phương chứ không chỉ giao tranh vì miếng mồi ngon.
Sư tử và Hổ giao tranh, vẽ bởi James Ward vào năm 1797.
Hổ chiến thắng địch thủ không phải vì địa vị bầy đàn (vì hổ là thợ săn đơn độc), chúng bước vào cuộc chiến với tinh thần một mất một còn. Còn với một con sư tử sống bầy đàn, chúng sẽ tìm cách chiến thắng mà không cần đổ máu, bằng sự hăm dọa hoặc bằng sức mạnh đè nén đối thủ trước. Sư tử không tấn công toàn lực ngay từ đầu.
Ý kiến chuyên gia:
Các nhà sinh vật học từ Big Cat Rescue:
"Chúng tôi luôn muốn mọi người để tâm đến việc cứu lấy những con vật tuyệt đẹp, hơn là việc nghĩ xem chúng đánh nhau thì ai thắng, thế nhưng sức mạnh của hai con vật với kích cỡ lớn nhất họ nhà mèo này làm mọi người không khỏi thắc mắc.
Dù kết quả sẽ phụ thuộc vào kích cỡ, độ tuổi và độ hung dữ của hai con vật, nhưng hổ có những lợi thế lớn. Trung bình, hổ có kích cỡ lớn hơn và một điểm quan trọng khác, là hổ tấn công khi đứng bằng hai chi sau hiệu quả hơn nhiều. Có một số người đưa ra quan điểm bờm của sư tử bảo vệ được cổ chúng, nhưng điều này vẫn gây nhiều tranh cãi.
Một số báo cáo ghi lại rằng khi sư tử và hổ giao tranh trong đấu trường của thời La Mã cổ đại, hổ luôn giành chiến thắng. Nhiều thế kỷ trở lại đây, hổ và sư tử không có cơ hội chạm trán ngoài tự nhiên bởi hổ thường xuất hiện ở Châu Á, trong khi đó phần lớn sư tử sống tại Châu Phi, với một nhóm rất nhỏ sống tại Châu Á."
Tranh của Friedrich Specht, vẽ năm 1858.
Nhà sinh vật học Craig Saffoe, người phụ trách chung về loài mèo lớn tại Sở thú Smithsonian, thủ đô Washington của Mỹ.
"Kết quả trận đấu phụ thuộc hoàn toàn vào lịch sử giao tranh của chúng, phong cách chiến đấu cũng như vóc dáng cơ thể. Nhưng nếu đánh cược, tôi sẽ đặt tiền vào con hổ".
Nhà nghiên cứu Saffoe nói thêm: "Từ những gì tôi chứng kiến từ loài hổ, chúng có vẻ hung dữ hơn; chúng nhắm tới cổ, tìm cách triệt hạ đối thủ. Còn sư tử tấn công theo kiểu ‘vồ và vờn với đối thủ’".
Kết luận:
Hổ thường giành phần thắng nhiều hơn. Sư tử có thắng trong giao tranh, nhưng rất ít. Tôi sẽ không đưa ra khẳng định chắc chắn nhưng với các bằng chứng đã nêu, hổ sẽ có nhiều khả năng chiến thắng hơn.
Cả hai câu trả lời đều có những ý kiến hay, nhưng chắc hẳn khiến bạn không chắc chắn vào phần thắng của con nào. Winston Churchill đã từng nói "Lịch sử được viết nên bởi những kẻ chiến thắng", vậy hãy dùng lịch sử giao tranh giữa hổ và sư tử để đánh giá xem sao:
- Hoàng đế Titus của La Mã cổ đại vẫn thường cho hổ Bengal và sư tử Châu Phi giao tranh, phần thắng luôn thuộc về con hổ (bản báo cáo khoa học viết năm 1850).
- Tháng Bảy năm 1808, có người kể lại rằng hổ và sư tử đã giao tranh trong rạp xiếc đặt tại Verona. Con hổ là kẻ tấn công trước, nhưng sư tử mới là kẻ thắng trận. Bài báo được đăng trên The Gentleman’s Magazine.
- Năm 1830, trong một gánh xiếc, một con hổ tấn công một con sư tử. Kết quả: con sư tử vật lại được con hổ tấn công trước, dùng chi trước khỏe mạnh để giữ lấy cổ con hổ. Con hổ chết không lâu sau đó.
Hổ nước Anh đòi trả nợ máu với con hổ Bengal, tranh vẽ năm 1857.
- Trong cuốn Nhìn Ra Thế Giới xuất bản năm 1839, một cựu binh người Anh nói rằng mình đã chứng kiến rất nhiều cuộc giao tranh, và hổ luôn là kẻ chiến thắng trước sư tử.
- Năm 1875 tại Vườn thú Bromwich, một con hổ 18 tháng tuổi lọt vào lồng một con sư tử trưởng thành. Con hổ rạch được bụng con sư tử, giành chiến thắng. Thông tin được ghi trong cuốn sách Charles Darwin viết nên.
- Trong cuốn sách nghiên cứu về động vật hoang dã của John Hampden Porter, viết năm 1894, có một con hổ tên Gunga thuộc sở hữu của Vua xứ Awadh (nay là Uttaar Pradesh, Nepal) đã giết 30 con sư tử.
- Cuối thế kỷ 19, vị Gaewad vùng Baroda là Sayajirao Đệ Tam tổ chức cuộc đấu giữa một con sư tử Barbary có tên Atlas và một con hổ Belgal ăn thịt người. Suốt trận đấu, cả hai con vật chịu nhiều vết thương, nhưng cuối cùng, con hổ cào chết được con sư tử.
Vị Gaewad đồng ý trả tiền thua cược, chấp nhận hổ là "Vua của Họ nhà Mèo", tuyên bố Atlas xứng đáng được chôn cất theo phong tục hoàng gia.
- Năm 1909, tại một buổi trình diễn ở Đảo Coney, New York, Mỹ, một con sư tử vồ một con hổ đang bị cột xích. Dù hổ bị xích cổ vào thanh sắt, nó vẫn thắng được con sư tử.
- Tháng Năm năm 1914, tại Vườn thú Bronx thành phố New York, một con hổ Bengal 8 năm tuổi đã cắn chết một con sư tử Nubian 2-3 năm tuổi. Trong những phút đầu, con sư tử chiếm lợi thế nhưng đã không đánh lại được.
- Năm 1934, một con sư tử Châu Phi cắn chết một con hổ Bengal, cả hai con vật đều đã trưởng thành.
- Tại vườn thú South Perth năm 1949, một con sư tử chiến thắng con hổ trong một cuộc giao tranh dài 3 phút.
- Đến thời điểm 21/2/1951, nhà huấn luyện thú hoang Clyde Beatty khẳng định mình đã nhìn thấy khoảng 50 con hổ bị sư tử hạ gục.
Câu chuyện của Clyde Beatty về con sư tử cắn chết con hổ biểu diễn.
- Tháng 9 năm 1951, tại một vườn thú Ấn Độ, con hổ 18 tuổi tìm được đường vào chuồng con sư tử 7 năm tuổi, bị thương nặng khi giao tranh và dù bác sĩ đã hết lòng cứu chữa, con hổ qua đời.
- Nhiều sách báo ghi lại trận đấu giữa hổ và sư tử do một vị hoàng tử Ấn Độ tổ chức năm 1978. Kết quả: con sư tử giành chiến thắng.
- Tháng Ba năm 2011, một con hổ Bengal lách qua khe hở giữa chuồng của mình và chuồng một con sư tử. Con hổ đứng lên bằng hai chân sau, giết trên con sư tử bằng chỉ một một cú vả chí mạng.
Trong 15 cuộc giao tranh trong môi trường nuôi nhốt được ghi lại, hổ thắng 8 lần, sư tử thắng 7 lần. Ngoài giá trị lịch sử thú vị ra, các ví dụ trên và các con số quá ư … mơ hồ, chẳng cho ta một kết quả chính xác.
Chỉ có thể kết luận chắc chắn một điều: dù thấy sư tử hay thấy hổ, ta cũng phải tìm đường thoát thân.