Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta từng nghe đến câu "Không ai giàu 3 họ, không ai khó 3 đời". Câu tục ngữ này như một quy luật sống khẳng định sự biến chuyển, thay đổi trong cuộc sống. Trong câu trên, "ba họ" là chỉ họ bố, họ mẹ và họ vợ, "ba đời" là đời cha, đời con và đời cháu, ý cả câu muốn thể hiện rằng không ai giàu cả ba họ, cũng chẳng có ai nghèo khó luôn cả ba đời, sự giàu nghèo xảy ra không riêng gì ai, tất cả là do tính cách, ý chí, lối sống của con người quyết định rằng bản thân sẽ được sung túc, giàu sang hay nghèo đói, khốn khổ.
Câu tục ngữ này nhằm mục đích răn dạy chúng ta đừng vì hoàn cảnh nghèo khó mà chán nản, thất vọng, hãy có ý chí và kiên trì, nỗ lực để thay đổi cuộc sống. Những người giàu có cũng đừng chủ quan, sống buông thả, tiêu xài hoang phí, hãy biết quý trọng, trân trọng tài sản mà mình có được.
Ý nghĩa của câu này vốn hay như vậy, tuy nhiên qua "lăng kính" của những đứa trẻ thì nó có thể xoay chuyển thành một nghĩa hoàn toàn khác. Theo đó, một học sinh tiểu học tại Trung Quốc từng khiến cộng đồng mạng "dở khóc dở cười" khi giải nghĩa cụm "không ai khó 3 đời".
Không rõ em học sinh này đã trải qua nhân tình thế thái như nào mà có thể phân tích câu quá đỗi hài hước. Cụ thể em này viết trong bài văn:
"Nghèo 3 đời
Trước đây, người ta luôn cho rằng không ai nghèo 3 đời, nghĩa là sau khi nghèo 3 đời thì không còn nghèo nữa. Nhưng khi tôi lớn lên, tôi nhận ra rằng thế hệ thứ ba nghèo đến mức họ thậm chí không thể lấy vợ, vì vậy họ không có thế hệ thứ 4"!.
Bài văn hài hước của học sinh tiểu học.
Sau khi bài văn này được chia sẻ lên mạng xã hội, cộng đồng mạng xứ Trung đã không thể nhịn cười. Nhiều người còn hài hước phong cho em học sinh này là "cây bút mới của chủ nghĩa văn học hiện thực", vì những gì câu nhóc này viết cũng có phần đúng đấy chứ!
Quả thật, những suy nghĩ của học sinh tiểu học lúc nào cũng đầy hài hước và khó ngờ, khiến người lớn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.