Ngày 23/1, miền Bắc bước vào ngày rét nhất trong đợt này, khi không khí lạnh lấn sâu vào đất liền và chi phối toàn bộ thời tiết. Nhiệt độ thấp nhất ở khu vực đồng bằng trong hôm nay chỉ trong ngưỡng 7-10 độ C, vùng núi 2-5 độ C, khu vực núi cao có nơi dưới 0 độ C.
Băng giá ở đỉnh Mẫu Sơn, Lạng Sơn (Ảnh: Đài KTTV Mẫu Sơn)
Tại Hà Nội, trời giảm mưa và tạnh ráo hơn so với một ngày trước. Tuy nhiên, cảm giác rét sẽ gia tăng do nhiệt độ tiếp tục giảm, trong ngưỡng 8-14 độ C, thấp nhất tuần này. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết trong hôm nay, không khí lạnh ảnh hưởng đến những nơi khác ở Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ, sau đó mở rộng xuống Nam Trung Bộ về đêm.
Phụ huynh lúng túng chuyện trông con ngày rét
Dự báo vài ngày tới, miền Bắc chìm trong mưa và rét đậm, rét hại, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo trưởng phòng GD&ĐT của 30 quận, huyện và hiệu trưởng các nhà trường chủ động phương án đảm sức khỏe cho học sinh. Học sinh tiểu học và mầm non ở Hà Nội hôm nay được nghỉ học.
Nhiều phụ huynh băn khoăn không có phương án trông con ở nhà khi trời rét đậm. Ảnh minh họa.
Trước thông tin trên, nhiều phụ huynh bày tỏ băn khoăn về việc con nghỉ học hay vẫn đến trường vào mỗi ngày và nếu nghỉ học thì sẽ không có người trông trẻ. Chị Nguyễn Thanh Tú (Đống Đa, Hà Nội) có con 4 tuổi đang học một trường mầm non công lập trên địa bàn cho hay: "Việc đầu tiên vào sáng thức dậy là phải xem thông tin về thời tiết. Tôi và chồng xem qua nhiệt độ trên điện thoại và sau đó mở TV và vào trang báo điện tử để cập nhật thời tiết chính xác. Trong ngày nay, nhiệt độ có thể 9 độ C thì con phải ở nhà. Cả hai vợ chồng đều làm văn phòng và cơ quan nhà nước nên chưa biết gửi con ở đâu. Nếu đưa con đi gửi nhà ông bà nội thì cách 2km, con cũng dễ bị nhiễm lạnh".
Chị Thanh Tú cho hay, con nhỏ nếu đi học thì cũng rất lo vì trời rét cũng dễ gặp phải bệnh về hô hấp, nhiễm lạnh. "Càng lo hơn khi cả gia đình khá bị động vì mới sang ra nếu phải nghỉ học sẽ không kịp xoay xở. Mà nếu gửi con nhà ông bà thì nếu con phải đi học, tôi hoặc chồng phải di chuyển sang nhà ông bà đón con, đưa đi học rồi mới đi làm, cũng ngược đường và khá bất tiện. Con nhỏ lại ‘bám’ mẹ nên gửi bên ông bà, tôi cũng vẫn phải gọi video call (cuộc gọi hình) để động viên con".
Chung quan điểm, chị Phạm Hồng Nhung (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, nhà có 2 cháu đang ở độ tuổi mầm non và tiểu học, nếu ngoài trời dưới 7 độ C, cả 2 con đều nghỉ học. "Nếu gửi hàng xóm, thực sự hai vợ chồng cũng không yên tâm vì cô chú hàng xóm cũng nhiệt tình cho các cháu sang nhà nhưng hai con tôi khá hiếu động, nhiều khi nghịch ngợm làm phiền hàng xóm cũng ngại. Ông bà hai bên đều ở quê. Vợ chồng tôi ngoài đi làm còn tranh thủ chuẩn bị một số công việc cho Tết nên khá bận".
Linh hoạt nhiều phương án đảm bảo sức khoẻ cho học sinh
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, trong những ngày rét đậm, căn cứ điều kiện thời tiết của từng địa phương, các nhà trường có thể điều chỉnh thời gian học sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm. Trường hợp học sinh đến muộn vì lý do thời tiết, nhà trường cần linh hoạt giải quyết để học sinh được vào học.
Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý nhà trường không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại. Các trường phối hợp cha mẹ học sinh nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm.
Nhà trường không bắt buộc học sinh mặc đồng phục trong những ngày trời rét; đồng thời, tăng cường kiểm tra và sửa chữa kịp thời cửa các phòng học, phòng chức năng, phòng bán trú, phòng ăn... bảo đảm tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh.
Thời tiết rét đậm gây xáo trộn phần nào cuộc sống của một số gia đình ở Hà Nội. Ảnh minh họa: TTXVN
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, hiện có một số địa bàn xa xôi, nhiệt độ thấp hơn nhiều so với nội đô như Ba Vì, Sóc Sơn… Trong khi đó một số trường nội thành Hà Nội cơ sở vật chất rất tốt, giao thông đi lại thuận tiện, việc gửi con ở trường cũng là phương án tốt nếu gia đình có nhu cầu cần thiết.
Dựa trên quy định chung mà Sở đã ban hành, các trường có thể linh hoạt sao cho phù hợp, trên cơ sở sao cho tốt nhất với sức khỏe học sinh, được cha mẹ học sinh đồng thuận", lãnh đạo Sở cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, việc chăm sóc trẻ những ngày rét đậm, đòi hỏi nhà trường phải tỉ mỉ hơn nữa, thực đơn các món ăn phù hợp hơn, luôn có đủ nước ấm để vệ sinh cho các cháu, các lớp học phải ấm áp.
Thậm chí vì trời rét, có một số cháu có thể đến rất muộn, nhà trường vẫn phải đón trẻ, không quá khắt khe về giờ giấc.
Tại trường Mầm non An Khánh B (huyện Hoài Đức), cô Bùi Thị Vân - Hiệu trưởng trao đổi, nhà trường tuyên truyền với phụ huynh cách chống rét cho trẻ khi ra đường và giữ ấm cho trẻ.
Giáo viên thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ và tổ chức các hoạt động trong phòng học. Đồng thời, thường xuyên quan tâm phối hợp phụ huynh thực hiện chế độ ăn của trẻ. Thực đơn phù hợp theo mùa cân đối và đảm bảo số lượng, đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.
Trẻ ngủ trưa với đầy đủ chăn ấm, chiếu và thảm trải sàn tại Trường Mầm non An Khánh B. Ảnh: Đình Tuệ.
Các lớp đảm bảo đủ chăn ấm; trải thảm cho trẻ hoạt động trong ngày và tuyệt đối không để trẻ đi chân không trên sàn nhà. Mỗi lớp đều có nước ấm cho trẻ sử dụng để uống, rửa tay, lau mặt hàng ngày. Cửa lớp luôn đóng tránh gió lùa, không tổ chức cho trẻ hoạt động ngoài hành lang trong thời tiết mưa, gió lạnh.
Theo bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng Phòng GD&ĐT Hà Đông, đơn vị đã ban hành văn bản hướng dẫn các nhà trường trực thuộc thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng chống rét cho học sinh. Trường học thông báo cho phụ huynh chủ động cho con nghỉ học nếu thời tiết dưới 10 độ C đối với cấp mầm non, tiểu học.
"Trường hợp một số gia đình không có điều kiện trông con nên dù dưới 10 độ C, các trường học luôn mở cửa đón học sinh tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh đi làm. Sau đó, tùy số lượng học sinh nghỉ học nhiều hay ít để có kế hoạch dạy bù kiến thức cho các em. Những em vì lý do thời tiết đi học muộn trong những ngày này, trường học đều linh hoạt đón vào lớp", bà Hằng trao đổi.
Khi nào đợt không khí lạnh này chấm dứt?
TS. Hoàng Phúc Lâm - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: "Dự báo đợt không khí lạnh này kéo dài tương đối lâu, có thể hết tuần sau. Thời điểm rét nhất là khoảng ngày 22 - 23/1 khi có đợt không khí lạnh bổ sung, trong giai đoạn này nhiệt độ thấp nhất ở đồng bằng có thể xuống dưới 10 độ C, trung du xuống dưới 7 độ C, vùng núi cao có nơi xấp xỉ 0 độ C.
Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lạng Sơn, từ 16h ngày 22/1, nhiệt độ trên đỉnh Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn giảm xuống còn 0 độ C, kèm theo mưa nên đã xuất hiện băng giá. Với nhiệt độ có chiều hướng xuống thấp, dự báo băng giá sẽ xuất hiện tại khu vực này trong vài ngày tới.