Học sinh gãy chân không nguy hiểm bằng Hiệu trưởng "gãy lương tâm"

Hiệu Minh |

Kết luận cuối cùng về việc bà hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên có ngồi trên taxi đâm gãy chân học sinh hay không, có thể sẽ được đưa ra vài ngày nữa.

Tìm ra sự thật: Quá dễ

Công an sẽ tìm ra nguyên nhân một cách dễ dàng nếu hai cô giáo chối. Số điện thoại gọi cho hãng taxi vào giờ đó, đi từ đâu đến đâu, chắc chắn còn lưu trên máy tính.

Cô giáo đi cùng gọi hoặc cô hiệu trưởng gọi thì khó xóa trên mạng điện thoại. Camera an ninh tại các ngã tư đèn đỏ dễ tìm ra hành trình chiếc xe đi từ đâu đến đâu.

Người tài xế biết rõ lỗi là do ai và chuyện gì đã xảy ra. Cô hiệu trưởng cũng biết rõ chuyện gì khi đó, và ở trường còn nhiều nhân chứng.

Nếu được bảo vệ danh tính và quyền lợi, họ sẽ cung cấp thông tin trung thực. Việc này quá dễ đối với ngành công an thuộc loại tốt nhất thế giới. Làm tới chốn sẽ tìm ra thủ phạm.

Câu chuyện đó xin dành cho các nhà chức năng. Còn tôi, chỉ xin góp vài ý kiến về an toàn cho học sinh.

Phụ huynh đừng im lặng

Học sinh gãy chân không nguy hiểm bằng Hiệu trưởng gãy lương tâm - Ảnh 1.

Bất kể trường nào cũng cấm xe máy, xe đạp, xe hơi đi trong sân trường. Đây là nơi tuyệt đối không cho phép bất kỳ một phương tiện giao thông nào đi vào vì an toàn của học sinh và giáo viên. Giáo viên, học sinh vi phạm phải bị kỷ luật, từ phạt tiền đến đuổi việc, đuổi học.

Khi vụ việc đáng tiếc xảy ra như em Kiên bị gãy chân thì nhất định phải gọi xe cứu thương chuyên nghiệp để đảm bảo người bị nạn được tiền xử lý vết thương một cách chuyên nghiệp.

Bế người bị nạn, lôi ra chỗ khác để xử lý dễ làm vết thương bên trong trầm trọng hơn, xương gẫy có thể làm vỡ động mạch chính và gây tử thương. Giúp người bị nạn là ưu tiên số 1.

Phải gọi cảnh sát đến xử lý hiện trường, lấy lời khai, làm biên bản, các bên ký vào. Bảo vệ hiện trường là ưu tiên số hai. Với sự phát triển của công nghệ, smart phone thì hình ảnh hiện trường có thể thực hiện một cách dễ dàng.

Trường nào cũng có hệ thống bảo vệ, có cổng trường được canh khá nghiêm. Ngoài chuyện bảo vệ người ngoài thì họ cũng phải được đào tạo về an toàn cho học sinh, biết báo cáo sự việc và thậm chí sơ cứu người bị nạn. Học sinh vui chơi thì chuyện tai nạn xảy ra như cơm bữa.

Thầy cô và học sinh phải được học về an toàn trong trường, vui chơi, chạy nhảy phải an toàn, và tuyệt đối tránh những chướng ngại vật dễ gây tai nạn cho các em nhỏ.

Khi được phổ biến là không được đi xe trong trường thì mọi người hãy dùng smart phone chụp những người vi phạm gửi cho ban giám hiệu. Nếu họ không xử lý thì mạng xã hội là một công cụ khác tố cáo những kẻ gian dối.

Lái xe taxi, xe chở học sinh phải tuyệt đối thực hiện các qui định về đi xe những nơi nguy hiểm như sân trường. Khách yêu cầu nhưng thấy vi phạm giao thông thì tuyệt đối không làm. Xảy ra chuyện gì thì người cầm lái phải chịu trách nhiệm. Nghe người khác xui dại là điều không nên làm.

Các bậc bố mẹ nếu nhìn thấy xe máy, ô tô đi lại trong sân trường cần kiên quyết có ý kiến, không nể nang hoặc sợ con mình bị trù dập.

Học sinh gãy chân không nguy hiểm bằng Hiệu trưởng gãy lương tâm - Ảnh 2.

Học sinh Trần Chí Kiên, học sinh lớp 2A4, trường tiểu học Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy bị gãy xương đùi tại trường. Ảnh: VOV

Hoa Kỳ: Xe bus chở học sinh và ký hiệu STOP

Quyền trẻ em được thực hiện ngay trên cái xe bus chở học sinh đến trường và về nhà. Xe bus bên Mỹ chở học sinh có mầu vàng đặc biệt, dễ nhận ra trên đường.

Luật giao thông qui định rất rõ, khi xe này dừng, bật bảng STOP ra, đèn đỏ cả hai phía lập lòe, tương đương với tín hiệu đèn đỏ.

Khi đó cả hai bên đường, nếu không có ngăn cách cứng, các xe lưu thông cả hai phía phải dừng lại, đợi các em lên xuống, tín hiệu đèn đỏ tắt, bảng STOP gấp lại, các xe mới được đi tiếp.

Có lần chị đồng nghiệp đi vội, không để ý. Một hôm nhận được cái giấy phạt 250$, kèm ảnh chụp giờ, ngày, biển xe nhà mình, đi qua xe bus đón học sinh mà không dừng. Chị ức cả cả đêm không ngủ vì không thể nhớ phạm luật khi nào. Hóa đi phía bên kia đường nhưng chỉ có phân cách mềm.

Họ làm thế là vì học sinh nhỏ dễ chạy lung tung qua đường mà không biết nguy hiểm. Các em xuống xe và tỏa ra hai bên như qua chỗ ngã tư có đèn tín hiệu xanh. An toàn cho các em là số 1.

Chuyện ngoài đường đã thế thì không thể nói chuyện xe hơi, xe máy đi trong sân trường, và họ cũng thiết kế để xe không vào được.

Học sinh gãy chân không nguy hiểm bằng Hiệu trưởng gãy lương tâm - Ảnh 3.

Hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên Tạ Thị Bích Ngọc. Ảnh: VOV

Vĩ thanh

Quay lại chuyện cô hiệu trưởng có đi xe taxi gây tai nạn hay không thì phải đợi cơ quan chức năng vào cuộc. Tuy nhiên, làm việc trong môi trường sư phạm thì yếu tố trung thực phải đặt lên hàng đầu.

Nếu cô cho phép đi xe vào sân trường là vi phạm qui định của trường. Người cầm cân nảy mực không thể ngồi trên pháp luật.

Sự việc đáng tiếc xảy ra lại đùn đẩy trách nhiệm, lấy thăm dò, giả vờ viết tâm thư, nếu đúng như thế thì đã đi quá xa.

Em Trần Chí Kiên bị gãy chân, rồi đây em sẽ khỏi. Tuy nhiên, nếu cô hiệu trưởng có dấu hiệu dối trá về tai nạn đã xảy ra thì sự nghiệp giáo dục do cô dẫn dắt tại trường Nam Trung Yên bị "què quặt" khó có nẹp nào chữa nổi và cần một cách "bó bột" khác về đạo đức nhà giáo, mới mong trồng được người tốt cho mai sau.

Mọi tổn thất thân thể cho học sinh đều nguy hiểm. Nhưng thực sự, có thứ còn nguy hiểm hơn cả việc học sinh gãy chân, đó là khi hiệu trưởng "gãy lương tâm"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại