Học sinh được nghỉ học dài, Thạc sĩ Tâm lý học ủng hộ: Không có nhà trường, việc học không phải vì thế mà dừng lại!

PHƯƠNG HOÀI NGA |

Tôi không nghĩ sẽ ích lợi gì trong việc đổ lỗi cho ai cả, kể cả việc thất vọng về khả năng tự học của học sinh hay sự lệ thuộc của bố mẹ vào hệ thống trường học.

1 tuần, rồi lại thêm 1 tuần và có thể sẽ là nhiều tuần nữa.

Tôi thấy sự bối rối của các bố mẹ, các bạn học sinh và chính thầy cô khi bỗng dưng ngày nghỉ "rơi vào đầu".

Tôi cũng thấy những lời phê phán về việc bố mẹ phụ thuộc quá nhiều vào trường học, tôi cũng chia sẻ quan điểm này ở góc cạnh: Không có trường học, việc học hay giáo dục không phải vì thế mà dừng lại.

Điều này tôi cũng khẳng định đi khẳng định lại trong khi làm tư vấn cho bố mẹ, đặc biệt có những trường hợp bất khả kháng như cần nghỉ để chữa bệnh, điều trị tâm lý hoặc về hành vi, cần tạm không đến trường học trong một khoảng thời gian.

Học sinh được nghỉ học dài, Thạc sĩ Tâm lý học ủng hộ: Không có nhà trường, việc học không phải vì thế mà dừng lại! - Ảnh 1.

Từ thuở khai thiên lập địa, chúng ta không có trường học, việc truyền kinh nghiệm từ đời này sang đời khác, việc học hành vẫn diễn ra, nói cách khác nữa là loài người không dừng phát triển để chờ đến khi có trường học mới phát triển tiếp. 

Bởi ở chừng mực nào đó, trường học cũng đã ra đời như là 1 trong những minh chứng về sự phát triển xã hội, khi chuyên nghiệp hóa một phần của giáo dục chứ không phải tất cả, một cách lý tưởng mang theo sứ mệnh phát triển con người chuyên môn, một công dân sẽ ra đời và có thể có năng lực theo đuổi 1 nghề nào đó.

Các hình thái trường học cũng đã biến đổi rất nhiều, cũng cho thấy hình thái giáo dục con người chuyên môn này cũng không ngừng phát triển. 

Và tất nhiên, trường học không thay thế và đại diện cho giáo dục tổng thể của một người. Vai trò của bố mẹ và gia đình là vô cùng quan trọng.

Học sinh được nghỉ học dài, Thạc sĩ Tâm lý học ủng hộ: Không có nhà trường, việc học không phải vì thế mà dừng lại! - Ảnh 2.

Ths Tâm lý học Phương Hoài Nga và con trai.

Nhưng cũng vì tính chuyên nghiệp hóa này, mà khi mảng sinh hoạt hàng ngày đó bỗng dưng ngưng vận hành, chúng ta thấy BỐI RỐI. 

Điều này không tương đương với việc lệ thuộc quá vào hệ thống trường học, mà tôi cho rằng, đó là lệ thuộc vào chính thói quen và lối nghĩ bao lâu nay của chúng ta và đơn giản là gia đình, học sinh, thầy cô và hệ thống nhà trường đều cần THỜI GIAN CHUYỂN ĐỔI.

Thời gian chuyển đổi để "unlearn - mất thói quen" làm việc theo thời khóa biểu định sẵn. Điều này khiến khi bỗng dưng khi có 1 chỉ thị là hãy TỰ HỌC, TỰ NGHIÊN CỨU, học sinh gặp khó khăn. 

Đang quen quay theo một vòng quay định sẵn, em chẳng phải nghĩ lát cần làm gì vì đã có giáo vụ lập cho, bỗng dưng có nguyên ngày, nguyên tuần để tự lên lịch, bối rối là điều tất yếu.

Các con học sinh yên tâm, các con không phải người duy nhất gặp khó khăn. 

Thầy cô giáo thường ngày có các con bận rộn với soạn bài, chấm chữa rồi xử lý các sự vụ đám con thơ không va vào nhau thì va vào ghế, khiến không thể tĩnh mà suy nghĩ, nghiên cứu. 

Thầy cô làm việc đến tận đêm khuya mà chỉ ước có thời gian riêng mà sinh hoạt chuyên môn. Nhưng khi có thời gian mà mọi khi quen là có học sinh để mà "dạy", cảm giác trống trải, đi ra đi vào bần thần, thấy mất ý nghĩa quá cũng dâng trào.

TỰ HỌC, TỰ NGHIÊN CỨU đòi hỏi tính TỰ KỶ LUẬT cần được nâng cao. 

Quản lý trường học đã buộc có nhiều chế tài cho việc không làm bài tập trừ điểm, không đọc sách phải đọc bù cũng như nhiều chế tài khác về hành xử cộng đồng như thiếu tôn trọng, gian lận… 

Giờ bỗng dưng "chế tài" đi vắng, tính tự kỷ luật được thách thức hơn bao giờ hết. Bản thân điều đó cũng cần thời gian chuyển đổi. 

Với cá nhân tôi, khi chuyển đổi của làm việc quần quật từ sáng sớm đến tối muộn không nghỉ trưa, ăn trưa cũng làm việc, sang tỷ phú thời gian, tôi bỗng trở nên nằm bò trườn ra giải trí xàm xí bao ngày, tôi mất nhiều tháng để vào guồng của một lịch trình do mình định sẵn.

Học sinh được nghỉ học dài, Thạc sĩ Tâm lý học ủng hộ: Không có nhà trường, việc học không phải vì thế mà dừng lại! - Ảnh 3.

Ths Tâm lý học Phương Hoài Nga cho rằng phụ huynh, học sinh hay nhà trường bối rối vì quá quen với việc học gắn với việc đến trường.

Bố mẹ cũng quen thường ngày có ai đó "quản" cái sự học theo nghĩa hẹp của con - kiến thức, kỹ năng, năng lực đặc thù riêng của từng môn học, ai đó "xử lý" nếu cái sự học đó có trục trặc, đấy là còn chưa nói đến chất lượng của việc học, giờ đột ngột 24/7, hỗ trợ con lên lịch, quản lý thêm việc con dùng máy tính để học online, kiếm xem có chương trình online nào không vì sợ con rớt chữ… thì quả tình nhé, hoang mang cũng là điều rất dễ hiểu.

Vậy nên, một lần nữa, tôi không nghĩ sẽ ích lợi gì trong việc đổ lỗi cho ai cả, kể cả việc thất vọng về khả năng tự học của học sinh hay sự lệ thuộc của bố mẹ vào hệ thống trường học.

Tôi chỉ nghĩ rằng, nếu chúng ta có thể xác định mình sẽ không ở trong trạng thái chờ mà đếm xem sẽ có bao nhiêu tuần nghỉ Tết, mà xác định rằng để đảm bảo an toàn cho con em và cộng đồng, hệ thống trường học sẽ tạm ngưng - một thứ nghe thật khủng khiếp, nếu bạn hoang mang quá, quay lại phía trên để đọc. 

Và cho dù trường học có nghỉ mãi mãi, thì bố mẹ hãy yên tâm, việc học không bao giờ ngừng lại, bởi đơn giản, chúng ta sinh ra là để học, điều đó chảy tràn trong huyết quản của chúng ta, nó tự nhiên y như hơi thở vậy.

Vậy nên, chi bằng chúng ta có thể xác định luôn là con mình sẽ có nhiều tuần nữa trong trạng thái "nghỉ" này, thì chúng ta hãy chuyển đổi lối nghĩ và thói quen.

Mối lo mà bố mẹ vẫn có về giáo dục phổ thông là con cái không có đam mê, học lờ nhờ các môn toán, văn, anh, sử, vẽ… thì đây chính là cơ hội chúng được ở thật lâu với điều gì đó mà chúng thích.

Đây là cơ hội tốt cho những thứ đơn giản có thể tăng tính tự kỷ luật như ăn ngủ đúng giờ, làm việc nhà, chơi game, lướt mạng... chủ động chọn cái gì đó để đọc, để xem theo ý thích và đam mê, đơn giản vì tôi thấy việc đó là cần thiết, và vì gia đình tôi, không phải để ứng phó với lịch trình và chế tài của một ai khác.

Học sinh được nghỉ học dài, Thạc sĩ Tâm lý học ủng hộ: Không có nhà trường, việc học không phải vì thế mà dừng lại! - Ảnh 4.

Đây là cơ hội tốt để tất cả chúng ta cùng CHUYỂN ĐỔI một cách chậm rãi, kể cả chưa hiệu quả, đến lối nghĩ và thói quen của việc thực sự làm chủ thời gian và nguồn lực nội tại của mình.

Gửi các trường học, đây là cơ hội tốt để chúng ta thấy quý những gì chúng ta đã bỏ qua, khi tiết trời tuyệt đẹp và không khí trong lành, chúng ta đã nhốt nhau vào 4 bức tường để học. 

Chi bằng giờ hãy cùng nghĩ thêm xem, ngay khi bầu trời xanh trở lại, chúng ta sẽ thực sự cho nhau HỌC qua TRẢI NGHIỆM ra sao đi.

Vài nét về tác giả:

Chị Phương Hoài Nga là Ths Tâm lý học (ĐH Toulouse II-Le Mirail, Pháp) có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tâm lý học đường.

Làm mẹ của 2 nhóc, chị Phương Hoài Nga thường chia sẻ những kinh nghiệm nuôi dạy, làm bạn và gắn kết với con đều nhận được sự quan tâm của đông đảo các bậc phụ huynh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại