Học nghệ thuật tiết kiệm Kakeibo của người Nhật: Người vun vén thông minh sẽ hưởng sự viên mãn

Trần Ngọc |

Trong cuộc sống bộn bề nhiều mối lo toan, việc làm sao để chi tiêu hợp lí, không lãng phí luôn là một vấn đề đau đầu của bất kì ai. Bạn có tin, áp dụng phương pháp quản lý tài chính gia đình đơn giản của người Nhật này sẽ giúp cho bạn tiết kiệm được 35 % chi tiêu của mình trong năm tới?

Với phần lớn chúng ta, tiết kiệm tiền không hề đơn giản. 

Với vô vàn khoản chi mỗi tháng như tiền nhà, tiền điện nước, chi phí đi lại, mua sắm… và còn chưa tính những khoản phát sinh mà bạn không thể đoán trước, việc tiết kiệm ít nhiều là vấn đề khiến nhiều người đau đầu.

Kakeibo là gì?

Kakeibo là một trong những cách để người Nhật quản lý chi tiêu. Họ tin rằng, sự ‘gọn gàng’ trong cách chi tiêu cũng quan trọng như sự gọn gàng và tối giản trong cách sống. 

Nghệ thuật Kakeibo (đọc là kah-keh-boh) ra đời lần đầu từ tận năm 1904 bởi nữ nhà báo đầu tiên của Nhật Bản, Motoko Hani. 

Đặc biệt, đây được coi là một trong những công cụ giúp giải phóng phụ nữ Nhật – cho họ khả năng ra kiểm soát tất cả mọi quyết định tài chính.

Hiểu đơn giản nhất, Kakeibo là cách tối giản nhất để quản lý thu nhập và chi tiêu của một người. 

Nó giúp bạn theo dõi các chi phí ẩn và không cần thiết để tập trung vào tiết kiệm hoặc đầu tư. Nó hiện đang là phương pháp giúp hàng triệu người Nhật Bản giải quyết bài toán chi tiêu phức tạp.

Cốt lõi của Kakeibo cũng rất đơn giản, tập trung vào số thu và số chi, với mục tiêu cuối cùng là tiết kiệm được càng nhiều càng tốt. 

Bằng cách ghi lại mục tiêu và các khoản chi hàng ngày, bạn sẽ có cái nhìn tốt hơn về tình hình tài chính của chính bản thân.

Học nghệ thuật tiết kiệm Kakeibo của người Nhật: Người vun vén thông minh sẽ hưởng sự viên mãn - Ảnh 1.

Các chuyên gia thậm chí đã cam đoan nó sẽ giúp bạn cắt giảm chi tiêu tới 35%.

Thế giới hiện đại khiến mọi thứ trở nên nhanh chóng, từ việc xem hàng, quyết định và trả tiền. Khắc chế điều đó, Kakeibo sẽ giúp bạn sống chậm lại và tập trung xem xét những gì cần thiết nhất để chi ra.

Với Kakeibo, bạn chỉ cần ghi chép đơn giản. Không có ứng dụng, không có công nghệ kỹ thuật số, không có các phép tính toán học phức tạp, bạn sẽ phải cân nhắc thật kỹ càng trước khi chi tiêu cho một vấn đề nào đó. 

Và bạn sẽ thấm thía nguyên lý “tiết kiệm nghĩa là phải tiêu tiền thông minh”.

Thay vì những thứ bạn không được mua (quan điểm tiết kiệm phổ biến là thắt chặt chi tiêu, ngăn cản chi tiêu) thì nó chuyển sang là chi tiêu cho những thức thực sự quan trọng – dù có thể đắt đỏ.

Vậy thực hành Kakeibo như thế nào?

Kakeibo bắt đầu từ việc bạn phải thiết lập nguồn thu hàng tháng của mình. 

Vào mỗi đầu tháng, tập trung nghĩ đến những gì mình cần (không phải những gì bạn muốn), mục tiêu tiết kiệm bao nhiêu, phải làm gì để đạt được mục tiêu đó và ghim nó vào trong đầu.

Học nghệ thuật tiết kiệm Kakeibo của người Nhật: Người vun vén thông minh sẽ hưởng sự viên mãn - Ảnh 2.

“Chu kỳ Kakeibo hàng tháng” phụ thuộc vào 4 câu hỏi:

- Bạn có sẵn bao nhiêu tiền? – Đó chính là thu nhập hàng tháng.

- Bạn muốn tiết kiệm bao nhiêu? – Nếu bạn thấy khó mà tiết kiệm được thì đừng đặt mục tiêu quá cao. Cứ từ từ từng tháng cho đến khi hiểu được guồng quay thì nâng dần hạng mức cũng được.

- Bạn đang tiêu hết bao nhiêu? – Lập danh sách những thứ đang ‘ngốn’ của bạn hàng đống tiền mỗi tháng. 

Kakeibo chia các loại chi phí thành 4 nhóm, bao gồm: Sống còn (những khoản bắt buộc phải chi như tiền thuê nhà, tiền điện nước, thức ăn); Văn hóa – Giải trí (như xem phim, ca nhạc); Tùy chọn (những thứ không bắt buộc nhưng có thể xuất hiện tùy hứng như mua trà sữa) và Phát sinh (những khoản chi ngoài như ốm đau, cưới hỏi…). 

Tất nhiên, 4 nhóm này không cố định, bạn có thể thay đổi tùy theo thực tế của cá nhân nhưng quan trọng là nên rõ ràng.

- Làm thế nào để tôi có thể cải thiện tài chính? – Vậy bạn phải trả lời là mình đang tiêu nhiều tiền nhất cho cái gì? Tháng tới có thể thay đổi những gì? 

Hãy để ý đến từng hạng mục, đánh giá lại vào mỗi tuần, mỗi tháng để xem khoản nào đang “dư thừa” và có thể cắt giảm tối đa vào thời gian tới.

Một khi bạn đã chọn theo Kakeibo, bạn phải phân biệt rõ ràng giữa “muốn” và “cần”. Trước khi chi tiêu gì đó, hãy nghĩ xem bạn muốn nó hay thực sự cần nó? 

Việc ghi lại cũng sẽ giúp bạn ghi nhớ tất cả mọi thứ và tập trung hơn vào những khoản chi của mình.

Vì Kakeibo không chỉ là về tiết kiệm tiền, nó còn giúp bạn phát triển sự tự nhận thức, kỷ luật tự giác và thúc đẩy sự an tâm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại