Hoàng Xuân Vinh là học trò đặc biệt

Vũ Lê |

Trong ngôi nhà nằm khuất trong một con ngõ nhỏ ở phố Nguyễn Cao, những câu chuyện liên quan đến xạ thủ Hoàng Xuân Vinh của Thượng tá Trịnh Quốc Dũng - nguyên là Trợ lý quân sự chung và Thể dục Thể thao của Binh chủng Công binh với PV Thể thao & Văn hóa kéo dài trong suốt buổi chiều ngày 10/8.

Qua lời kể của người thầy đầu tiên và cũng là người định hướng cho chàng sỹ quan chuyên nghiệp Hoàng Xuân Vinh từ tròn 30 năm trước đây trở thành VĐV bắn súng, Hoàng Xuân Vinh không chọn bắn súng để khởi nghiệp.

Xuân Vinh có lẽ cũng không bao giờ nghĩ rằng anh sẽ là VĐV chuyên nghiệp và rồi sau này trở thành một trong những xạ thủ vĩ đại nhất của bắn súng Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. Nhưng có lẽ, bắn súng đã chọn anh vì những tố chất thiên bẩm và sự kiên trì khổ luyện trong suốt cả cuộc đời cầm súng.

Trưởng thành từ môi trường của những thiện xạ

Rời Trường Sĩ quan Công binh vào năm 1996 sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Vượt sông, Hoàng Xuân Vinh được điều động về công tác tại Lữ đoàn Công binh 239 (đóng tại Thường Tín, Hà Tây cũ) trong vai trò là Trung đội trưởng. 

Với thể hình và thể lực khá tốt, vào thời điểm ấy, Vinh nhanh chóng lọt vào mắt xanh của ông Trịnh Quốc Dũng, lúc đó là cán bộ phụ trách công tác thể thao và là nhà tuyển trạch các hạt nhân của Binh chủng Công binh để tham gia các Hội thao trong toàn quân.

"Lúc đó, Vinh không chỉ bộc lộ sở trường ở môn bắn súng qua thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện tại trường mà còn có năng khiếu ở môn chạy. Vì thế, chúng tôi đã nhắm Vinh vào đội hình tham gia các hội thao toàn quân ở 3 môn và 5 môn quân sự phối hợp", Thượng tá Dũng nhớ lại.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tới thăm Thượng tá Trịnh Quốc Dũng trước giờ lên đường đi thi đấu Cúp thế giới 2016 và sau đó là tới Hàn Quốc chuẩn bị tập huấn cho Olympic 2016

Trong quá trình làm nhiệm vụ tại lữ đoàn, đồng thời qua các bài tập luyện trước mỗi kỳ hội thao, điều may mắn với Vinh có lẽ là được sớm rèn luyện trong môi trường có rất nhiều thiện xạ. Bản thân Thượng tá Dũng thời điểm đó, cũng là một trong những tay súng rất cừ, có thể bắn súng ngắn bằng cả tay phải và tay trái với thành tích tương đương.

"Hồi đó, một trong những tiêu chí quan trọng khi tôi xây dựng điển hình trong đội ngũ chiến sĩ là khả năng bắn giỏi. Ngoài việc tập luyện để tham gia hội thao, tôi cũng là người tham gia huấn luyện kỹ thuật chiến đấu bộ binh, mà trong đó, ngoài thể lực thì yêu cầu làm chủ vũ khí là điều kiện tối quan trọng. 

Với việc được sớm rèn luyện trong môi trường của rất nhiều các sĩ quan bắn giỏi, đây cũng là một trong những yếu tố thuận lợi để Vinh nhanh chóng trưởng thành", theo lời Thượng tá Dũng.

Tài năng thiên bẩm

Hoàng Xuân Vinh nhanh chóng trở thành một "hiện tượng" ở Lữ đoàn 239 nhờ khả năng "bách phát bách trúng" và tính trung thực chuyên môn cực cao. Theo lý giải của Thượng tá Dũng, "trung thực chuyên môn" có nghĩa là tính ổn định, thống nhất về mặt tư thế và phương pháp bắn. 

Trong các buổi tập, các viên đạn của Vinh thường xuyên có kết quả giống nhau, viên đầu vào điểm 10 là 4-5 viên sau vào 10 tất, nếu mà vào 9 là vào 9 tất hoặc ra ngoài là ra ngoài tất.

Thậm chí, có lần Vinh được giao nhiệm vụ bắn 6 viên sau khi trải qua bài tập đầu tiên là chạy 1500m với yêu cầu chỉ sử dung 70-80% thể lực. 

Sau vài phút thả lỏng, 3 viên đầu Vinh bắn vào 10 hồng tâm. Sau đó, Thượng tá Dũng ra đề nghị Vinh hít thở sâu và làm gián đoạn nhịp độ bắn nhưng ở 3 viên cuối, Vinh vẫn bắn đúng vào 10 hồng tâm và đều ở góc 6h giống như 3 viên trước.

"Đây chính là khả năng đặc biệt mà ông trời đã phú cho Vinh và là điểm khác biệt giữa Vinh với rất nhiều tay súng giỏi khác ở lữ đoàn. Chúng tôi vẫn tập luyện ở các bia hình lọ mực (hay còn gọi là bia 42) ở khoảng cách 100m và bắn bằng súng tiểu liên AK.

Tuy nhiên, Vinh có khả năng bắn với điểm chụm rất cao, 10 viên đạn có độ chụm nằm trong phạm vi từ 5-7cm. 

Nên nhớ rằng, đạn AK có đường kính 7,62mm và độ giật rất lớn không như bắn súng thể thao nhưng nhờ tính trung thực chuyên môn cao nên cả lữ đoàn chỉ duy nhất có Vinh mới làm được. Các viên đạn mà Vinh bắn ra thường nằm trên một đường thẳng hay như một dấu ngã và khoảng cách rất sát nhau", Thượng tá Dũng kể lại.

"Bí kíp võ công"

Có năng khiếu đặc biệt, tư chất thông minh và thường xuyên rèn luyện trong điều kiện tập luyện khắc nghiệt nhưng chừng đó chưa đủ để làm nên một tay súng thiện xạ mà điều quan trọng Hoàng Xuân Vinh đã may mắn có được "bí kíp" hướng dẫn về kỹ thuật bắn theo tiêu chuẩn quốc tế ngay từ những năm 90.

Hoàng Xuân Vinh là học trò đặc biệt - Ảnh 1.

Hoàng Xuân Vinh sở hữu đầy đủ tố chất của một tay súng cừ khôi.Ảnh: ISSF

Theo lời kể của Thượng tá Dũng, hồi đó, tài liệu hướng dẫn về kỹ thuật bắn súng cực kỳ hiếm nhưng bản thân ông cũng may mắn, khi được thừa hưởng của bố mình một bộ sách kỹ thuật bắn súng của Liên Xô cũ (bố của Thượng tá Dũng cũng là một cán bộ chịu trách nhiệm xây dựng bộ môn Thể thao quốc phòng của Tổng cục Đường sắt trước đây). 

Bộ tài liệu này vốn được biên soạn và đúc kết từ thực tế tập luyện, thi đấu và kinh nghiệm của những VĐV cấp kiện tướng công huân của Liên Xô cũ được xuất bản từ những năm 1950 và rất có giá trị.

"Tôi đưa toàn bộ các tài liệu đó cho Vinh mượn để học tập và nghiên cứu, với mong muốn, Vinh sẽ sớm tiếp xúc và tích lũy được những kỹ thuật chuẩn mực ngay từ những ngày đầu tiên. Với những tố chất đặc biệt và dựa trên kiến thức trong tài liệu đó, kỹ thuật bắn của Vinh ngày càng hoàn thiện.

Ngay cả sau này, khi Vinh trở thành VĐV chuyên nghiệp, giành rất nhiều huy chương ở khắp các giải quốc tế tôi vẫn nói với Vinh rằng, cháu hãy dùng một phần số tiền thưởng của mình để sưu tầm các tài liệu quý về bắn súng. 

Bởi tôi biết rằng, nó không chỉ giúp Vinh nâng cao thành tích, trình độ mà chắc chắn sau này Vinh sẽ phải cần tới sau khi trở thành HLV".

Bước ngoặt 1998

Trong khoảng thời gian từ năm 1996 đến năm 1998, Hoàng Xuân Vinh cùng các đồng đội "làm mưa làm gió" ở các giải bắn súng toàn quân và chính Thượng tá Dũng đã quyết định giới thiệu anh với Trung tâm TDTT Quân đội. 

"Giờ đây nghĩ lại, tôi vẫn thấy quyết định của mình là đúng đắn khi thuyết phục Vinh và gia đình để Vinh thử sức ở một lĩnh vực mới. Cũng có cái thuận lợi, bố Vinh là ông Hoàng Công Quang lại cùng bộ tham mưu với tôi. 

Hồi đấy, Vinh đã là đại đội phó nếu Vinh rời lữ đoàn thì phong trào sẽ ảnh hưởng nhưng Vinh vẫn cần một môi trường rèn luyện tốt hơn để có thể đem đến nhiều thành công hơn nữa cho đoàn thể thao Quân đội".

Cũng theo lời Thượng tá Dũng, lúc đó cá nhân ông chỉ cảm nhận được rằng, với những tố chất đặc biệt, sự kiên trì trong tập luyện, Vinh sẽ nhanh chóng hòa nhập và thích nghi được với môi trường tập luyện bắn súng thể thao. 

Và cũng đúng như những dự báo của Thượng tá Dũng, sau hơn 1 năm tập luyện kể từ năm 1999 ở Trung tâm TDTT Quân đội, ông thường xuyên trò chuyện và Vinh chia sẻ rằng, "cháu thấy rất hưng phấn và cảm thấy thích thú".

Sự nghiệp của Vinh đã thực sự sang một ngã rẽ mới kể từ sau khi anh phá kỷ lục quốc gia và giành tấm HCV nội dung súng ngắn hơi 10m nam vào năm 2000 và kể từ đó đến nay, cái tên Hoàng Xuân Vinh đã trở thành một trụ cột quan trọng trong ĐTQG bắn súng ở khắp các đấu trường từ khu vực, châu lục cho đến thế giới.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn cảm thấy lâng lâng sung sướng và tự hào, khi chứng kiến hình ảnh Hoàng Xuân Vinh nhận tấm HCV Olympic và lá cờ Tổ quốc được kéo lên tại trường bắn ở Rio de Janiero. Với tôi, Vinh không chỉ là học trò hay người con trong gia đình, mà còn là đồng đội, đồng chí. Những thành công vừa qua mà Vinh giành được ở Olympic chính là món quà ý nghĩa nhất, không có gì đánh đổi được. Hi vọng, Vinh sẽ vẫn còn tiếp tục gắn bó với bắn súng trong nhiều năm tới để làm rạng danh nền thể thao nước nhà.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại