Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý vũ khí

Sau hơn 4 năm tổ chức triển khai thi hành Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, công tác quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã đạt được những kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, Pháp lệnh đã bộc lộ những hạn chế, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trong tình hình mới.

Tăng cường quản lý nhà nước về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

Chiều 31-10, Bộ trưởng Bộ công an, Thượng tướng Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (VK,VLN,CCHT).

Dự thảo Luật gồm 8 chương, 75 điều, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác này, bảo đảm tính hợp hiến và tương thích của luật với các quy định của pháp luật hiện hành; là văn bản pháp luật điều chỉnh thống nhất về lĩnh vực này.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Luật VK,VLN,CCHT đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; quy định rõ, cụ thể các trường hợp được sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ trong khi làm nhiệm vụ của các lực lượng chức năng có liên quan, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh (UBQP-AN) của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày nêu rõ, đa số ý kiến tán thành với Phương án 1 của dự thảo Luật về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí (Điều 15).

Theo đó, việc giao cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí là phù hợp với chủ trương xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và phù hợp với quy định tại Điều 68 Hiến pháp năm 2013.

Về đối tượng được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ; loại vũ khí quân dụng được trang bị, đa số ý kiến tán thành với các quy định về đối tượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được trang bị tại các điều 17, 18, 23, 26, 51 của dự thảo Luật; các nội dung này đã kế thừa các quy định của Pháp lệnh quản lý, sử dụng VK,VLN,CCHT và bổ sung đối tượng trang bị cho phù hợp với nhu cầu và đòi hỏi của tình hình thực tiễn.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung Công an xã vào đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ, vì cho rằng, thực tế lực lượng này có nhu cầu và đã được trang bị. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị không trang bị vũ khí quân dụng cho Công an xã vì đây không phải là lực lượng Công an nhân dân chính quy.

Căn cứ tính chất của hoạt động điều tra và đối tượng điều tra của lực lượng "cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao", có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định trang bị vũ khí quân dụng cho lực lượng này...

Về vấn đề này, Chủ nhiệm UBQP-AN Võ Trọng Việt cho rằng, dự thảo Luật mới quy định các lực lượng được trang bị, chưa quy định đối tượng cụ thể được trang bị.

Do đó, đề nghị bổ sung trong Luật này quy định về nguyên tắc trang bị, tiêu chí đối tượng được trang bị, chủng loại được trang bị, tiêu chuẩn của người sử dụng, nhất là đối với việc trang bị vũ khí quân dụng.

Về đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, nên nghiên cứu theo hướng chỉ trang bị vũ khí quân dụng cho các đơn vị có lực lượng trực tiếp đấu tranh với tội phạm trong khi làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đồng thời phải bảo đảm nguyên tắc chỉ cá nhân trực tiếp làm nhiệm vụ thuộc biên chế của các cơ quan, đơn vị này mới được giao quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng.

Về các loại vũ khí quân dụng được trang bị, phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nhu cầu thực tế của từng đơn vị, khắc phục tình trạng một số đơn vị được trang bị nhưng không có nhu cầu hoặc không phù hợp chủng loại, gây lãng phí.

Nhiều ý kiến về quy định nổ súng

Đa số ý kiến tán thành với các quy định về nổ súng tại Điều 21. Điều luật đã quy định rõ các trường hợp nổ súng khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức, thực hiện nhiệm vụ độc lập, các trường hợp nổ súng sau khi đã cảnh báo và các trường hợp nổ súng không cần cảnh báo.

Do đó, đề nghị nghiên cứu các quy định về phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết trong Bộ luật Hình sự để cụ thể hóa trong Điều luật này nhằm bảo đảm chặt chẽ hơn.

Chủ nhiệm UBQP-AN Võ Trọng Việt nêu có ý kiến đề nghị Luật này chỉ quy định nguyên tắc nổ súng, còn các trường hợp nổ súng cụ thể cần được quy định trong các luật chuyên ngành để khắc phục sự thiếu định lượng trong các quy định về nổ súng.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị rà soát các quy định về nổ súng trong các luật chuyên ngành để quy định tại Luật này bảo đảm tính thống nhất, đầy đủ, cụ thể, khả thi mà không phải dẫn chiếu sang các luật khác; đề nghị xác định rõ người có thẩm quyền quyết định nổ súng trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ có tổ chức quy định tại khoản 5 (khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, việc nổ súng tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền; người được giao sử dụng vũ khí khi thi hành nhiệm vụ độc lập được phép nổ súng theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này) và trách nhiệm của cá nhân đó khi để xảy ra sai phạm.

Đồng thời, đề nghị bổ sung các trường hợp cụ thể như: Nổ súng của lực lượng Cảnh vệ khi làm nhiệm vụ; nổ súng của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam khi cơ quan có thẩm quyền cho phép họ được mang vũ khí vào Việt Nam; nổ súng nơi đông người; nổ súng trên biển hoặc ở khu vực biên giới; nổ súng trên tàu bay của nhân viên an ninh trên không để bảo đảm an ninh chuyến bay.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định các trường hợp nổ súng liên quan đến đối tượng có hành vi phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng… để bảo đảm phù hợp với chính sách xử lý hình sự và đề nghị rà soát để chỉnh lý quy định tại khoản 3 (những trường hợp được nổ súng sau khi đã cảnh báo) và khoản 4 (những trường hợp được nổ súng không cần cảnh báo), bảo đảm phân định rõ các tình huống nổ súng nhằm tạo điều kiện cho việc thực thi và xử lý vi phạm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại