Ngày 2/12, chính phủ Trung Quốc tuyên bố ngừng xem xét tàu chiến, chiến đấu cơ Mỹ đến Hồng Kông - một động thái nhằm trả đũa việc Washington thông qua Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông.
Thì mới đây, vào ngày 5/12, Thượng nghị sĩ Mỹ Rick Scott đã đề xuất với các quan chức Lầu Năm Góc rằng, trong bối cảnh đó, Hải quân Hoa Kỳ nên cập cảng Đài Loan nhiều hơn nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với vùng lãnh thổ này.
Trước kiến nghị của Thượng nghị sĩ Rick Scott, tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) ngày 6/12 đã đăng tải bài xã luận với tiêu đề Tàu chiến Mỹ muốn tới thăm Đài Loan? Nghị sĩ Mỹ muốn dọa ai để chỉ trích quan điểm của ông này.
"Mỹ đừng hòng dùng việc thúc đẩy hợp tác giao lưu quân sự Mỹ-Đài như một đòn bẩy để gây áp lực với Trung Quốc. Đài Loan từ lâu đã không còn là nơi mà Mỹ có thể khoe cơ bắp quân sự... Họ cần phải tính toán những rủi ro và cái giá không thể chịu được do hành động này gây ra", Hoàn cầu viết.
"Nếu Mỹ và Đài Loan thúc đẩy trao đổi quân sự và các trao đổi chính thức khác, Đại lục chắc chắn sẽ từng bước gia tăng áp lực quân sự khiến chính quyền Đài Loan phải trả giá, cũng khiến Mỹ phải tự lấy làm hổ thẹn trong quá trình này. Các máy bay chiến đấu của quân đội Trung Quốc PLA đã bay qua "đường trung tuyến" của eo biển Đài Loan - tuyến hàng hải phân chia Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan. Đó chỉ là một cảnh cáo", tờ này nhấn mạnh
Báo Trung Quốc khẳng định, nếu Mỹ và Đài Loan tiếp tục xích lại gần nhau thì việc chiến đấu cơ của PLA bay qua "đường trung tuyến eo biển" có thể được bình thường hóa và tàu chiến Trung Quốc cũng có thể vượt qua "đường trung tuyến", tiếp cận đảo Đài Loan.
Đồng thời, Hoàn cầu cảnh báo, nếu Mỹ và Đài Loan không kiềm chế, tiếp tục leo thang, các máy bay chiến đấu PLA chắc chắn sẽ bay qua đảo Đài Loan để tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với Đài Loan, thậm chí, chiến đấu cơ của PLA cũng có thể bay sát qua trụ sở làm việc của chính quyền Đài Loan như một hình thức cảnh cáo.
"Tàu chiến của Hải quân Trung Quốc có thể tiến thẳng vào các bến cảng hoặc dừng đỗ bên bờ biển Đài Loan khi cần thiết. Thủy quân lục chiến PLA thậm chí có thể "lên bờ một cách hòa bình" ở bờ biển Đài Loan", Hoàn cầu nhận định.
Tờ này cho biết, đây sẽ là một trò chơi cực hạn nếu Mỹ và Đài Loan "dám tham gia". "Nếu quân đội Đài Loan dám nổ phát súng đầu tiên vào PLA, họ chắc chắn sẽ bị giáng một đòn phản công hủy diệt. Điều đó đồng nghĩa với sự bùng nổ của chiến tranh eo biển Đài Loan", báo Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh luôn theo đuổi chính sách thống nhất hòa bình eo biển Đài Loan.
Kể từ khi các cuộc biểu tình ở Hồng Kông bùng nổ, chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần cáo buộc Mỹ can thiệp vào các vấn đề Hồng Kông và sau khi Washington thông qua dự luật liên quan đến đặc khu này, Bắc Kinh đã đưa ra các biện pháp trừng phạt Washington vào ngày 2/12, bao gồm cấm tàu chiến, chiến đấu cơ Mỹ đến Hồng Kông.
Đáp lại động thái của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, việc cập cảng Hồng Kông là một chiến lược hiệu quả để mở rộng trao đổi giữa quân đội Mỹ và PLA, đồng thời bày tỏ sự quan ngại về các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Hồng Kông, lên án việc sử dụng bạo lực và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, tiến hành các cuộc đối thoại mang tính xây dựng.
Giới phân tích cho rằng, việc Bắc Kinh tạm dừng xem xét tàu chiến, chiến đấu cơ Mỹ đến Hồng Kông cho thấy mối quan hệ quân sự hai nước đang rất mong manh, điều này có thể thúc đẩy sự sẵn sàng đến Đài Loan của tàu chiến, chiến đấu cơ Mỹ.
Các học giả Mỹ nhận định, biện pháp trừng phạt của Bắc Kinh không tác động nhiều đến các chiến lược của Lầu Năm Góc nhưng "nếu một ngày tàu chiến Mỹ cập cảng Đài Loan thì đó chính là ngày PLA thống nhất đảo này" như phát biểu trước đây của Công sứ Trung Quốc tại Mỹ Lý Khắc Tân.