Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng, những loài động vật có "đôi chân vàng" như ngựa sẽ có sức bền cự phách nhất địa cầu, qua những thông số ghi nhận đầy thuyết phục.
Tuy nhiên, loài người chúng ta cũng được xem là những "vận động viên" chạy bền không hề kém cạnh đâu đấy. Kỷ lục chạy bền thế giới của con người hiện thuộc về Matthew Eckford (Australia) với quãng đường lên tới 147km chỉ trong 12 giờ.
Chưa hết, tộc người Taranhumara ở Mexico có thể chạy đến hơn 643km liền trong vòng có... 50 tiếng đồng hồ. Và hầu hết người trong cộng đồng này có khả năng chạy đến 400km mà không cần bất kỳ công cụ hỗ trợ nào ngoài dăm ba lần nghỉ ngơi.
Vậy yếu tố nào đã khiến sức bền của đôi chân con người có thể đạt đến giới hạn cao đến thế nhỉ?
Theo nghiên cứu mới nhất đến từ ĐH California, San Diego, trong cơ thể con người trước kia có một loại gene mang tên CMAH. Qua thời gian, loại gene này biến mất vào khoảng vài triệu năm trước, và dường như đó là mấu chốt giúp con người có được sức bền dẻo dai hơn khi chạy đường dài.
CMAH (Cytidine Monophospho-N-Acetylneuraminic) là một loại gene giới hạn tính trạng của các nhóm cơ sử dụng đường glucose (gluteal muscles) và chiều dài chi dưới của họ Người.
Sự đột biến về gene CMAH được cho là có liên quan đến việc con người bắt đầu giai đoạn săn bắt-hái lượm và ăn thịt các loài vật khác. Các nhà khoa học tin rằng, cấu trúc của loại gene trên bị thay đổi do sự tác động của các phân tử acid sialic.
Các phân tử này dần dần khiến CMAH ngày một tiêu biến đi trong hệ gene của cơ thể. Từ đó, phần chi dưới của con người, cũng như hệ cơ sử dụng năng lượng glucose có xu hướng thay đổi tích cực: chi dài hơn, sức bền cũng tăng lên đáng kể.
Để có được kết quả này, các chuyên gia đã thực hiện loạt thí nghiệm trên chuột để xem sự khác biệt về sức bền của chúng khi có hoặc không có gene CMAH trong cơ thể.
Họ nhận thấy rằng những con chuột thiếu đi loại gene này có hệ tuần hoàn và hô hấp tốt hơn hẳn. Ngoài ra, hệ cơ bắp của chúng cũng có sức bền cao hơn rất nhiều so với nhóm có CMHA.
"Chúng tôi đã theo dõi và nhận thấy chuột không có CMHA sở hữu kết quả chạy bền tốt hơn hẳn sau 15 ngày thực nghiệm," - Okerblom, tác giả nghiên cứu cho biết.
Dựa trên những dữ liệu thu thập được, gene CMHA đã "mất tích" trong bộ gene của con người vào khoảng 2 đến 3 triệu năm trước.
Tuy nhiên, việc mất đi CMHA cũng mang lại những tác động tiêu cực đến con người, khi các nhà khoa học cho rằng nguy cơ ung thư và tiểu đường lại ngày một tăng lên.
"Việc mất đi gene CMAH như một con dao hai lưỡi," - Ajit Varki, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.
"Từ kết quả này, chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của hệ gene con người, khi chỉ bằng một thay đổi nhỏ cũng có thể khiến thể chất chúng ta khác biệt so với tổ tiên."
Tham khảo: Telegraph, Awesci, Guinnessworldrecords