Hóa ra 'sinh vật mạnh nhất Trái đất' - gấu nước Tardigrade - cũng có thú cưỡi của riêng mình

BẢO NAM |

Lũ gấu nước Tardigrades có thể đi nhờ trên thân những con ốc sên, nhưng đôi khi chúng có thể bị chết ngạt trong chất nhờn của chúng.

Lũ gấu nước cũng có những kỳ nghỉ và du lịch của riêng mình.

Lũ gấu nước cũng có những kỳ nghỉ và du lịch của riêng mình.

Loài Tardigrade, hay còn được biết tới với cái tên thân mật "gấu nước", hiện được xem là sinh vật mạnh nhất trên Trái đất.

Có kích thước cơ thể khá nhỏ, dài chỉ từ 0,05 đến 1,2 mm, chúng có thể sống gần như ở bất kỳ nơi nào trên hành tinh của chúng ta, chỉ cần chỗ đó có chất lỏng. Ví dụ như trong đại dương, trong sông và hồ, ở trong các đám địa y sũng nước hay rêu mọc trên đá và cây.

Khả năng nổi bật nhất của gấu nước là khả năng chịu đựng những hoàn cảnh có thể gây tử vong cho hầu hết các dạng sống, chẳng hạn như nhiệt độ khắc nghiệt, áp suất nghiền nát, bức xạ tia cực tím (UV), chân không trong không gian và thậm chí khi bị bắn ra khỏi súng ở tốc độ cực cao. Chúng làm được điều đó bằng cách thực hiện một siêu năng lực được gọi là anhydrobiosis, hay đơn giản hơn là trục xuất gần như tất cả nước trong cơ thể chúng.

Ở dạng khô và cứng này, được gọi là trạng thái tun, gấu nước có thể tồn tại trong các điều kiện khắc nghiệt suốt nhiều năm. Một số con gấu nước bị đóng băng trong 30 năm đã được hồi sức thành công vào năm 2016 và ngay lập tức bắt đầu sinh sản sau đó.

Và các nhà nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng ở trạng thái tun này, chúng có thể được các loài ốc sên trong cùng khu vực sinh sống thu nhặt và mang tới những nơi khác.

Mặc dù nghe qua thì đi du lịch bằng ốc sên có vẻ không quá nhanh, nhưng rõ ràng với những đôi chân bé xíu của gấu nước, đây đã là những chuyến hành trình siêu tốc. Và ốc sên là lựa chọn thú cưỡi thích hợp nhất bởi nó cũng là loài thích tìm những nơi ẩm ướt - môi trường mới thích hợp cho gấu nước - và cũng là một vật chủ đủ ẩm ướt để giữ cho kẻ đi phượt nhiều chân sống sót khi bám trên chúng.

Để kiểm tra giả thuyết "đi nhờ" này, các nhà khoa học đã thu thập ốc sên trong rừng, là loài Cepaea nemoralis, bên cạnh loài gấu nước Milnesium inceptum. Cả hai loài cùng tồn tại trong các hệ sinh thái trên cạn ở Tây Âu và cả hai đều hoạt động mạnh nhất trong điều kiện ẩm ướt.

Hóa ra sinh vật mạnh nhất Trái đất - gấu nước Tardigrade - cũng có thú cưỡi của riêng mình - Ảnh 2.

Đôi bạn thân gấu nước và ốc sên.

Trong thí nghiệm của mình, các nhà khoa học đã cho những con ốc sên bò qua các giọt nước và trên các mảnh rêu có chứa gấu nước ở trạng thái thường và tun, để xem những con ốc sên sẽ nhặt được bao nhiêu con gấu nước. Thực tế cho thấy những con gấu nước dễ dàng dính chặt vào cơ thể được bao phủ bởi chất nhờn của ốc sên, để cùng thực hiện những chuyến đi ngắn.

Cụ thể, những con ốc sên đã vận chuyển 38 kẻ đi nhờ từ các giọt nước, và sau đó là thêm 12 con gấu nước nữa quá giang từ đám rong rêu. Trong một số thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã bao quanh hồ nước nơi sinh sống của gấu nước bằng một rào cản vật lý. Và trong bối cảnh đó, những con gấu nước duy nhất vượt qua được biên giới đó là nhờ vào sự trợ giúp của những chiếc "siêu xe" ốc sên.

Nhưng, cách di chuyển này cũng có một nhược điểm chết người. Vấn đề nằm ở lớp màng nhầy dính trên cơ thể của ốc sên.

Chỉ một phần nhỏ những con gấu nước - khoảng 34% - có thể hồi sinh từ trạng thái tun sau 24 giờ từ đám chất nhầy này. Để so sánh, 98% số gấu nước không tham gia hành trình du lịch đã hoạt động trở lại hoàn toàn sau khi chúng được bù nước.

Hóa ra sinh vật mạnh nhất Trái đất - gấu nước Tardigrade - cũng có thú cưỡi của riêng mình - Ảnh 4.

Đi du lịch đôi khi cũng là một hành trình sinh tử với lũ gấu nước.

Hóa ra, chất nhầy ốc sên chủ yếu là nước nhưng nó dễ bị khô nhanh chóng. Khi đó, nếu những con gấu nước không hồi sức lại đủ nhanh, thì lớp chất nhờn bao quanh cơ thể chúng sẽ trở nên cứng lại. Và đó là cái kết không mong muốn cho những kẻ đi nhờ không xin phép.

Ngoài ốc sên, các lực lượng tự nhiên khác cũng có thể vận chuyển chúng đi xa. Ví dụ, các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng gió giật trên sông băng có thể mang theo những con gấu nước đi xa tới hơn 1.000 km.

Tuy nhiên, một cuộc phiêu lưu mạo hiểm bằng cách cưỡi gió có thể sẽ kết thúc ở một môi trường không phù hợp với loài gấu nước. Do đó, di chuyển bằng ốc sên lúc này nghe có vẻ an toàn hơn, bởi đích đến thường là một nơi mà cả gấu nước và ốc sên đều có khả năng phát triển mạnh.

Và đừng khinh thường quãng đường mà những chuyến hành trình này có thể mang lại. Bởi ngay cả khi ngôi nhà mới của đoàn du lịch chỉ cách chỗ cũ vài cm, khoảng cách này vẫn đủ xa để cải thiện sự đa dạng về di truyền giữa các quần thể gấu nước khác nhau, theo nghiên cứu.

Có nghĩa là, miễn là những kẻ quá giang tránh được việc bị chất nhờn trên cơ thể ốc sên làm cho ngạt thở trước khi chuyến đi kết thúc, thì đó vẫn sẽ là một chuyến đi tốt đẹp.

Tham khảo livescience

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại