Hóa ra bánh Trung thu từng là "công thần" giúp Chu Nguyên Chương đoạt thiên hạ, thành lập nên nhà Minh ở Trung Quốc

Trung Hạ |

Đến thời nhà Minh, việc ăn bánh Trung thu trong dịp Tết Trung thu mới dần trở nên phổ biến trong dân gian.

Tết Đoan ngọ ăn bánh ú, Tết Nguyên tiêu ăn trôi nước, Tết Trung thu lại ăn bánh Trung thu… Đây chính là tập tục văn hóa các ngày lễ trong năm của người Trung Quốc.

Tục lệ ăn bánh Trung thu vào Tết Trung thu bắt nguồn từ đâu? Ít ai biết rằng, bánh Trung thu từng xuất hiện trong sự kiện lịch sử giúp Chu Nguyên Chương đoạt thiên hạ, thành lập nên nhà Minh.

Nguồn gốc của bánh Trung thu

Bánh Trung thu có lịch sử lâu đời ở Trung Quốc. Theo ghi chép lịch sử, ngay từ thời nhà Thương và nhà Chu, ở vùng Giang Chiết (Giang Tô và Chiết Giang) đã có loại “bánh thái sư” (thái sư bính) viền mỏng, nhân dày để tưởng nhớ Thái sư Văn Trọng (phục vụ dưới thời Trụ Vương). Đây được xem là “tổ tiên” của bánh Trung thu.

Khi Trương Khiên của nhà Hán đi sứ đến Tây Vực, ông đã giới thiệu hạt vừng, quả óc chó và bổ sung thêm các nguyên liệu phụ để làm bánh Trung thu. Thế là một loại bánh tròn nhân hạt óc chó đã xuất hiện, gọi là “bánh hồ” (hồ bính).

Được biết, Trương Khiên là nhà lữ hành, nhà ngoại giao, nhà thám hiểm kiệt xuất đời Tây Hán trong lịch sử Trung Quốc, có đóng góp to lớn trong việc mở ra con đường Tơ Lụa, kết nối giao thông nhà Hán với các nước Tây Vực.

Hóa ra bánh Trung thu từng là công thần giúp Chu Nguyên Chương đoạt thiên hạ, thành lập nên nhà Minh ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Vào thời nhà Đường, đã có những thợ làm bánh mở tiệm kinh doanh và các cửa hàng bánh bắt đầu xuất hiện ở kinh thành Trường An. Dưới thời trị vì của Đường Cao Tổ Lý Uyên, tướng quân Lý Tĩnh đã chinh phục người Hung Nô và trở về trong chiến thắng vào ngày 15 tháng 8.

Vào thời điểm đó, một số thương nhân người Thổ Lỗ Phồn (Thổ Lỗ Phồn, hay còn gọi là Turfan, là một thành phố cấp địa khu thuộc Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương ngày nay) đã tặng bánh cho Hoàng đế nhà Đường để chúc mừng chiến thắng. Đường Cao Tổ Lý Uyên cầm hộp bánh lộng lẫy, lấy chiếc bánh tròn ra, chỉ vào vầng trăng sáng trên bầu trời và mỉm cười. Sau đó ông hạ lệnh phân phát bánh cho các đại thần cùng ăn. Vào thời điểm này, “bánh hồ” không khác gì bánh Trung thu hiện nay.

Chuyện kể rằng vào một đêm Trung thu năm đó, khi Đường Thái Tông Lý Thế Dân và Dương Quý phi vừa ngắm trăng vừa ăn “bánh hồ”, Hoàng đế cho rằng cái tên “bánh hồ” không hay, Dương phi nhìn lên trăng sáng trên cao, lòng dâng trào, thản nhiên nói "bánh mặt trăng" (nguyệt bính). Từ đó cái tên "nguyệt bính" dần lan truyền trong dân gian. Được biết, “nguyệt bính”, giải nghĩa “bánh mặt trăng”, là cách gọi bánh Trung thu phổ biến nhất của người Trung Quốc hiện nay.

Hóa ra bánh Trung thu từng là công thần giúp Chu Nguyên Chương đoạt thiên hạ, thành lập nên nhà Minh ở Trung Quốc - Ảnh 3.

Trong dịp Tết Trung thu, hoàng tộc Bắc Tống thích ăn một loại “bánh cung đình” (cung bính), dân gian thường gọi là “bánh nhỏ” (tiểu bính) và “trăng tròn” (nguyệt đoàn).

Tô Đông Pha, nhà thơ nổi tiếng thời Tống, có bài thơ rằng: “Bánh nhỏ giống như nhai trăng…”. Nhà văn nhà Tống, Chu Mật đã nhắc đến cái tên “nguyệt bính” lần đầu tiên trong “Võ lâm cửu sự” (tạm dịch: Chuyện cũ võ lâm), trong đó miêu tả những gì ông đã thấy ở Lâm An, kinh đô của Nam Tống.

Cuộc khởi nghĩa bánh Trung thu của Chu Nguyên Chương

Ở Trung Quốc, bánh Trung thu còn được gọi là bánh hồ (hồ bính), bánh cung đình (cung bính), bánh nhỏ (tiểu bính), bánh mặt trăng (nguyệt bính), bánh đoàn viên (đoàn viên bính)…

Chỉ đến thời nhà Minh, việc ăn bánh Trung thu trong dịp Tết Trung thu mới dần trở nên phổ biến trong dân gian. Có thông tin cho rằng sở dĩ việc ăn bánh Trung thu được phổ biến rộng rãi trong dân chúng cũng có liên quan đến Chu Nguyên Chương, vị Hoàng đế sáng lập nhà Minh.

Hóa ra bánh Trung thu từng là công thần giúp Chu Nguyên Chương đoạt thiên hạ, thành lập nên nhà Minh ở Trung Quốc - Ảnh 5.

Khi đó là thời điểm người dân Trung Nguyên không thể chịu nổi sự cai trị tàn ác của giai cấp thống trị nhà Nguyên, các hoạt động phản kháng lần lượt xuất hiện.

Chu Nguyên Chương nhân cơ hội này tập hợp các lực lượng kháng chiến chuẩn bị khởi nghĩa. Tuy nhiên, quan binh trong triều đình đã tiến hành khám xét nghiêm ngặt nên việc truyền tin rất khó khăn. Quân sư Lưu Bá Ôn nghĩ ra một kế, ra lệnh cho cấp dưới nhét mẩu giấy ghi "Khởi nghĩa đêm 15 tháng 8" vào bánh, sau đó cử người đi giao cho quân khởi nghĩa ở nhiều nơi (có sử ghi là mở gian hàng bán bánh), thông báo cho họ đồng loạt hưởng ứng nổi dậy tại thời điểm vào đêm 15 tháng 8.

Hóa ra bánh Trung thu từng là công thần giúp Chu Nguyên Chương đoạt thiên hạ, thành lập nên nhà Minh ở Trung Quốc - Ảnh 7.

Vào ngày khởi nghĩa, toàn thể quân binh cùng nhau hưởng ứng, càn quét ồ ạt như tia lửa đốt cháy đồng cỏ. Chẳng bao lâu, Từ Đạt (danh tướng và là khai quốc công thần đời nhà Minh, cũng là một trong 18 anh em kết nghĩa của Chu Nguyên Chương) công phá đại đô của nhà Nguyên và cuộc nổi dậy thành công rực rỡ.

Khi biết tin, Chu Nguyên Chương vui mừng đến mức nhanh chóng truyền khẩu dụ, đến dịp Trung thu sắp tới, dùng những chiếc “nguyệt bính” bí mật truyền tin năm xưa thưởng cho các quan đại thần. Sau này, Chu Nguyên Chương cuối cùng đã lật đổ nhà Nguyên, trở thành khia quốc Hoàng đế của nhà Minh, ông càng chú ý hơn đến phong tục ăn “nguyệt bính”. Mỗi năm đến dịp Tết Trung thu, triều đình đều phân phát “nguyệt bính” cho toàn thể binh lính và người dân cùng chung vui.

Từ đó, phong tục ăn “nguyệt bính”, tức bánh Trung thu, trong dịp Trung thu đã lan rộng trong nhân dân.

Nguồn: Chachaba, Chinanews

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại