Tình huống oái oăm đó khiến cuộc nói chuyện giữa chúng tôi trở nên thẳng thắn và thành thật hơn.
Ở Úc, có người cầu bị trúng thực để bắt đền mà không được. Còn Việt Nam thì...
Chào chị, công việc của một diễn viên hẳn khiến chị phải ăn hàng quán nhiều. Chị có tin tưởng vào vấn đề vệ sinh, nguồn thực phẩm ở các nhà hàng quán xá hiện nay?
Nói thật là khi tôi đang ngồi trả lời phỏng vấn thì anh Luật chồng tôi đang nằm bên Nhà hát Hòa Bình vì ngộ độc thực phẩm. Anh Luật đi ăn cơm hàng về một lúc thì thấy đau bụng, mắc ói, xây xẩm mặt mày.
Còn tôi mỗi lần đi quay, tôi chỉ ăn chỗ quen, không dám ăn chỗ lạ. Nếu quay ở địa điểm lạ, thường tôi chọn ăn cơm đoàn. Đoàn có người nấu nên cũng hơi yên tâm. Nếu đoàn không nấu hoặc nấu mà tôi thấy không an toàn thì tôi nhịn.
Giới nghệ sĩ có những người cực kỹ tính. Quay trong thành phố, tới bữa sẽ có trợ lý hoặc người nhà nấu cơm và đem qua. Tôi không làm như vậy nhưng thường đem theo sữa, bánh trái trên xe. Nếu không ăn cơm đoàn, tôi vẫn có đồ ăn dự phòng chống đói.
Tôi kỹ như vậy là vì thấy anh Luật bị ngộ độc nhiều lần rồi. Mỗi lần bị như vậy, anh ấy vật vã lắm. Có lần anh Luật đi Vũng Tầu ăn hải sản. Đã ra tới biển thì tin rằng mình sẽ được ăn hải sản tươi nhưng vẫn bị ngộ độc. Mà ngộ độc thì chắc chắn là hải sản không tươi.
Diễn viên Thu Trang - ảnh do nhân vật cung cấp.
Thế còn chuyện ăn uống trong gia đình thì sao? Nhà chị thường mua thực phẩm ở đâu?
May là nhà tôi có cậu em làm trong siêu thị nên biết nguồn gốc thực phẩm bày bán trong đó có an toàn hay không. Má chồng tôi cũng là người rất kỹ tính trong chuyện ăn uống nên gần như tôi chưa bao giờ phải lo khi ăn cơm nhà.
Nhà tôi thường mua thực phẩm trong siêu thị nhưng cũng chỉ xài những thực phẩm tươi và không bao giờ ăn đồ hộp. Con trai tôi 4 tuổi. Ở nhà, má chồng tôi tự tay nấu cho bé ăn, từ cháo tới hủ tíu. Gần như không bao giờ cho bé ăn hàng những món như vậy.
Ngay cả chuyện con tôi thèm mấy món ăn nhanh như cá viên chiên, bà nội cũng tự tay mua cá về nhà làm chứ không đi ăn hàng quán, lại càng không mua mấy loại cá viên đóng gói sẵn. Bé muốn ăn thịt hộp, má chồng tôi cũng mua thịt về làm, trưng lên cho giống đồ hộp để bé ăn.
Con trai chị mới 4 tuổi, chuyện ăn uống của con còn nằm trong tầm kiểm soát của gia đình. Nhưng tới khi bé đi học, thật khó để bảo vệ con khỏi những 'nguy hiểm' về thực phẩm bẩn lúc nào cũng rình rập ngoài kia. Chị có nghĩ vậy không?
Thật sự tôi thấy chuyện an toàn thực phẩm ở Việt Nam không biết chừng nào mới cải thiện được. Việc mình giữ gìn, kỹ càng cũng chỉ là chuyện đối phó trước mắt, đâu ai rảnh mà lúc nào cũng soi xem thực phẩm đó sạch hay dơ, xuất xứ ở đâu.
Tôi lo cho mình thì ít mà lo cho con thì nhiều. Bởi vậy ít khi nào tôi cho con ăn hàng quán, trừ khi bé thèm dữ lắm thì lâu lâu mới cho đi ăn một lần.
Nhất là con nít. Giờ giữ được là vì nó ăn uống theo ý mình nhưng khi nó lớn, nó ăn theo sở thích của nó. Nói không xa chỉ vài ba năm nữa, nó đi học, tôi đâu quản được chuyện con ăn cái gì ở ngoài.
Thu Trang và con trai.
Hiện tại tôi cũng hướng dẫn con, tập cho con kỹ tính trong chuyện ăn uống nhưng nó là con nít, tiếp thu được bao nhiêu thì tiếp thu, lúc nó thèm quá mình cũng không cấm được.
Tôi ví dụ, con tôi rất thích ăn kem nhưng cứ hễ ăn là bị viêm họng nên tôi cấm. Nhưng thỉnh thoảng nó vẫn lén mẹ xin người lớn trong nhà ăn.
Giống như chuyện thực phẩm bẩn. Tôi vẫn nói con không được ăn hàng quán lề đường. Trước mặt mình bé cũng dạ vâng nhưng mình nói là một chuyện, nhiều khi nó đi học thấy bạn bè ăn thì cũng đòi ăn. Mình la con hoài cũng tội nghiệp nó.
Quan trọng là ở gốc, tức là thực phẩm phải thực sự an toàn để người tiêu dùng không bao giờ phải lo lắng, sợ sệt mỗi khi sử dụng.
Ai cũng nghĩ ăn trái cây và rau là tốt mà giờ cũng chưa chắc tốt. Tôi đi lưu diễn ở nước ngoài, ăn trái cây rất thoải mái, quả to và đẹp nhưng hoàn toàn yên tâm vì mình biết chắc là trái cây sạch. Còn ở mình, trái cây càng to thì mối lo sợ càng lớn. Mình sợ họ ngâm thuốc.
Ở Úc, thậm chí có người còn nói là họ cầu cho trúng thực (ngộ độc) để bắt đền mà không bao giờ trúng. Còn Việt Nam mình không cầu mà trúng hoài. Bao nhiêu người trúng thực nhưng chẳng biết bắt đền ai.
Ai cũng biết, ai cũng lo nhưng không đưa ra biện pháp giải quyết triệt để và mạnh mẽ nên lâu ngày mọi người quên lãng, chỉ khi có chuyện mới nhớ lại.
Giờ biết đổ lỗi cho ai. Vì mình nghèo quá ư? Hỏi những người làm thực phẩm bẩn thì họ bảo nghèo quá phải kiếm tiền nuôi con, đường cùng mới phải làm. Nhưng nếu ai cũng đường cùng thì chúng ta sẽ hại lẫn nhau.
Gia đình Thu Trang - Tiến Luật.
Nếu cần, hãy tử hình để răn đe những kẻ làm bậy
Có vị đại biểu Quốc hội vừa đề nghị tăng mức án chung thân, thậm chí tử hình với tội phạm sản xuất thực phẩm bẩn. Chị nghĩ thế nào?
Tôi thấy đúng. Giờ muốn cho người Việt không đầu độc nhau thì phải cứng rắn, phải mạnh tay để răn đe. Một người bị tử hình là những kẻ làm bậy sẽ phải sợ mà không làm nữa. Để họ thấy rằng làm thiệt chứ không phải giỡn.
Mình phải nghiêm thì người ta mới sợ. Bị vài năm tù hoặc phạt vài chục triệu sẽ không bao giờ răn đe được những kẻ hám lợi, vì tiền bất chấp mọi thứ.
Đồng thời mình cũng phải nghiêm về khâu kiểm duyệt, phải siết chặt lại, không cho những hàng kém chất lượng tuồn vào Việt Nam.
Tại sao ở Mỹ, Úc cũng đầy rẫy hàng Trung Quốc nhưng phần lớn là hàng tốt, loại số 1 không riêng gì thực phẩm. Trong khi hàng Trung Quốc ở Việt Nam nhiều thứ kém chất lượng, thực phẩm thì bị ngâm thuốc độc hại. Cũng là "made in China" nhưng chất lượng khác hẳn.
Chị đang muốn nói đến chuyện dân mình nghèo và ham rẻ?
Người giàu cũng muốn mua hàng rẻ nhưng người giàu có nhiều sự lựa chọn hơn nên khi biết sự nguy hại của những món hàng đó, họ sẽ không dùng. Cái nào tốt cho sức khỏe thì họ mua. Còn người nghèo không có nhiều lựa chọn như vậy.
Tôi đang nói đến vấn đề ý thức của mỗi người. Ví dụ như chuyện hàng hiệu. Tôi qua Mỹ thấy họ sale cái giỏ còn 400 đô nhưng về Việt Nam thì chắc chắn là 800, thậm chí 1000 đô cũng chưa chắc là hàng thiệt.
Hoặc rất nhiều nơi
họ ghi giảm giá 50% nhưng kỳ thực không phải. Họ kê
giá lên rồi giảm giá xuống thành ra giá giảm thực sự
chỉ 10% đến 20%. Khi mà người bán còn nhiều mánh như
thế là thua.
Hình như vì tiền, con người đang đánh cắp lòng tin của nhau. Và một xã hội mà con người không có lòng tin với nhau thì thật sự là điều khủng khiếp...
Bạn nói đúng. Tôi ví dụ một chuyện rất nhỏ thôi, bây giờ có bao nhiêu người dám dừng xe cho người khác quá giang vào ban đêm? Người khác sao tôi không biết nhưng tôi thì không dám vì từng gặp quá nhiều chuyện.
Hồi còn là sinh viên,
tôi đi ngang qua ngã tư thấy một đứa bé ngồi khóc. Tôi
chạy xe qua rồi nhưng áy náy quay lại. Hỏi chuyện thì
cô bé nói bị cướp mất 100 tờ vé số. Hồi đó nhà
tôi rất nghèo. Trong túi tôi có hơn hai trăm ngàn, tôi đưa
cô bé đó hai trăm.
Nhưng ngày hôm sau, đi qua chỗ đó, tôi lại thấy nó ngồi khóc. Vẫn là câu chuyện bị cướp vé số. Lòng tốt của mình bị lợi dụng thì đương nhiên sẽ mất niềm tin.
Lòng tin đã bị đánh cắp thì dẫu có gặp người tốt thật cũng tự nhiên nghi ngờ như một phản xạ. Chính điều đó làm con người thời nay càng ngày càng lãnh đạm.
Tới khi gặp người
thật việc thật, đầu bật ra ngay suy nghĩ phải không hay
đang dàn cảnh? Nhiều khi tôi nghĩ, không lẽ cuộc đời
này mình không tin được ai nữa? Từ chuyện đó lại
bắt qua chuyện thực phẩm bẩn. Vì mất lòng tin vào nhau
nên giờ ăn gì cũng sợ, cũng nghi ngờ.
Diễn viên Thu Trang cũng khẳng định, thực phẩm bẩn không tự sinh sôi ra mà do những kẻ có lương tâm bẩn làm ra...
Thực phẩm bẩn không tự sinh sôi được
Chị có tin rằng cái ngày người dân Việt Nam được ăn thực phẩm sạch sẽ không còn xa?
Tôi hy vọng nhiều lắm. Không lẽ con cháu mình sau này cứ bị ăn thực phẩm bẩn hoài. Nhưng để làm được thì mình phải có biện pháp răn đe cứng rắn những người làm bậy, may chăng mới cảnh tỉnh được họ.
Có như vậy mới mong họ thay đổi còn trông chờ vào việc họ có ý thức là điều không thế xảy ra. Vì nếu họ có ý thức, họ đã không bao giờ làm bậy. Nếu họ có ý thức thì họ không làm thực phẩm bẩn cho đồng loại mình ăn như vậy.
Xin được hỏi chị câu cuối, theo chị thực phẩm bẩn và lương tâm bẩn cái nào đáng sợ hơn?
Chắc chắn là lương tâm bẩn. Lương tâm bẩn mới làm ra thực phẩm bẩn. Thực phẩm bẩn không tự sinh sôi ra được. Lương tâm bẩn là chợ đầu mối của thực phẩm bẩn.
Cám ơn chị đã chia sẻ!
Sáng 28.12.2016, tại khách sạn Equatorial, TP.HCM, sẽ diễn ra Diễn đàn kết nối doanh nghiệp – người tiêu dùng: THỰC PHẨM SẠCH DÀNH CHO AI? Diễn đàn có sự tham gia của nhiều nhà quản lý, chuyên gia có uy tín: ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An ; ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN&PTNT; - GS Võ Tòng Xuân (chuyên gia nông nghiệp hàng đầu); - TS Trần Quang Trung (Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thực phẩm, Nguyên Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế); - Bà Vũ Kim Hạnh (Người sáng lập Hàng Việt Nam chất lượng cao); - Đại diện tập đoàn Nestle - tập đoàn theo đuổi triết lý phát triển bền vững, sản xuất thực phẩm an toàn và hỗ trợ nông dân Việt Nam; - Ông Nguyễn Lâm Viên, TGĐ Vinamit; - MC Phan Anh (đại diện người tiêu dùng); - Ông Vũ Thế Thành (Chuyên gia quản trị chất lượng); - TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam. Tất cả những thông tin hữu ích, lý thú tại diễn đàn sẽ được 80 - 100 cơ quan thông tấn báo chí đưa tin, phân tích, bình luận.
Cá nhân, doanh nghiệp muốn tham dự Diễn đàn có thể đăng ký TẠI ĐÂY