Cổ nhân có câu "Thời thế tạo anh hùng", cũng bởi vậy mà một giai đoạn chiến loạn hoành hành như thời Tam Quốc đã trở thành cái nôi sản sinh ra không ít anh hùng, hào kiệt cho lịch sử Trung Hoa.
Trong số những nhân tài nổi lên vào thời đại này, Tào Tháo, Tôn Quyền và Lưu Bị chính là những người nổi bật hơn cả. Họ là ba vị quân chủ đại diện cho ba thế lực lớn cùng nhau "tam phân thiên hạ".
Dù là Tào Ngụy, Đông Ngô hay Thục Hán, những người đứng đầu của ba thế lực này luôn mang trong mình khát vọng thống nhất thiên hạ.
Thế nhưng chỉ tiếc rằng thực tế lịch sử lại không ưu ái cho bất kỳ ai trong bộ ba Tào – Tôn – Lưu. Bởi thiên hạ cuối cùng đã quy về một mối, nhưng lại về dưới tay nhà Tấn của gia tộc Tư Mã.
Để có được đại nghiệp nói trên của vương triều này, không thể không kể tới công lao của Tư Mã Ý – người đã đặt nền móng cho dòng họ chiếm đoạt quyền hành trong nội bộ Tào Ngụy, từ đó tạo cơ sở để hậu duệ nhất thống thiên hạ sau này.
Tuy nhiên điều khiến nhiều người thắc mắc lại nằm ở chỗ: Vì sao năm xưa khi Tư Mã Ý và gia tộc của mình công khai chiếm quyền, thậm chí là soán ngôi đoạt vị, trong nội bộ của triều đình nhà Ngụy lại không có lấy một người đủ khả năng đứng ra ngăn cản?
Theo quan điểm của chuyên trang phân tích lịch sử Trung Quốc (Qulishi), lý do khiến nhà Tư Mã có thể dễ dàng chiếm đoạt quyền hành của triều đình Tào Ngụy bắt nguồn từ chính những việc làm của hai vị Hoàng đế là Tào Phi và Tào Duệ năm xưa.
Tào thị và Hạ Hầu thị - hai gia tộc "hoàng thân quốc thích" cốt cán của Tào Ngụy
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Hậu thế đều biết, thiên hạ của Tào Ngụy vốn là do một tay Tào Tháo gây dựng mà thành. Mặc dù nhân vật này không xưng đế, nhưng ông cũng có thể xem là một trong số ít những vị quân chủ có tiền đồ thống nhất thiên hạ vào thời bấy giờ.
Là người đứng đầu của một tập đoàn chính trị hùng mạnh, Tào Tháo năm xưa từng hết sức trọng dụng người trong gia tộc Hạ Hầu.
Không ít ý kiến cho rằng, gia tộc này có thể xem là người thân của Tào Mạnh Đức. Bởi có giai thoại cho rằng ông năm xưa vốn là con trai nhà Hạ Hầu, sau đó mới được đưa tới Tào gia để nuôi dưỡng.
Tuy nhiên dù không có mối quan hệ về ruột thịt thì những người đến từ gia tộc Hạ Hầu đã kề vai sát cánh cùng Tào Tháo từ buổi đầu lập nghiệp. Cho nên gia tộc này được ông xem như "người trong nhà" và trở thành cánh tay đắc lực không thua Tào gia dưới quyền vị quân chủ này.
Cũng bởi vậy nên trong nội bộ Tào Ngụy dưới thời Tào Tháo, những tướng lĩnh cao cấp nhất đều có xuất thân từ Tào thị hoặc Hạ Hầu thị, mà minh chứng tiêu biểu chính là những tên tuổi như Tào Nhân, Hạ Hầu Đôn, Tào Chân, Tào Hưu…
Những người này đều có thể xem là hoàng thân quốc thích, con em tông tộc, trong tay nắm trọng binh. Họ cũng được xem là những bậc trung thần, trọng thần luôn một lòng với giang sơn Tào Ngụy.
Thế nhưng ở vào thời điểm Tư Mã Ý phát động chính biến, cả hai gia tộc là Tào thị và Hạ Hầu thị lại không có lấy một người có thể trợ giúp Tào Sảng đối phó lại nhà Tư Mã.
Kết quả là chẳng bao lâu sau đó, gia tộc Tư Mã hoàn toàn khống chế nội bộ Tào Ngụy. Tư Mã Sư, Tư Mã Chiêu nối tiếp nhau trở thành những người lãnh đạo của Ngụy quốc.
Cuối cùng tới thời Tư Mã Viêm, giang sơn của gia tộc họ Tào đã buộc phải đổi chủ, đế nghiệp chuyển giao về tay gia tộc Tư Mã.
Trong suốt những năm tháng người họ Tư Mã khuynh đảo triều chính, Tào gia và Hạ Hầu gia thân là hoàng thân quốc thích, thế nhưng không có ai có khả năng đứng ra phản đối.
Liệu rằng đâu là lý do đưa tới cục diện bất thường này? Câu trả lời thực chất nằm ở chính những chính sách của Tào Phi và Tào Duệ lúc sinh thời.
Vì sao khi họ Tư Mã lộng hành, người của Tào gia và Hạ Hầu gia đều không ai có đủ khả năng ngăn cản?
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Tào Phi vốn là con trai của Tào Tháo và được biết tới là Hoàng đế khai quốc của nhà Ngụy. Tào Duệ là con kế nghiệp, đồng thời cũng là người thừa kế ngai vị của Tào Phi.
Cả hai nhân vật này đều là những người lãnh đạo tối cao của Ngụy quốc. Thế nhưng chỉ tiếc rằng chính những chính sách từ họ đã gieo xuống mối họa mất nước cho vương triều của gia tộc mình.
Trên thực tế, những tướng lĩnh cuối cùng của Tào gia và Hạ Hầu gia không cách nào ra mặt bảo vệ đế nghiệp của Tào Ngụy, chủ yếu là bởi họ từ sớm đã bị nhà vua tước đoạt toàn bộ quyền hành.
Ở vào thời điểm Tào Tháo còn tại thế, các tướng lĩnh đến từ hai gia tộc nói trên đều được xem như "người trong nhà", trong tay nắm trọng quyền.
Thế nhưng kể từ sau khi Tào Phi kế vị và tiến hành cải cách nội bộ, quyền lợi cũng như thực quyền của họ đã bị ảnh hưởng một cách đáng kể.
Lý do là bởi khi Tào Tháo còn sống, những người này bị áp chế hết sức gắt gao. Tào Phi sau khi lên ngôi biết rõ tiếng nói của mình không thể bằng cha, vì vậy trong lòng luôn nghi kỵ và dè chừng trước những tướng lĩnh tay nắm trọng binh khi đó.
Vì vậy ở vào thời điểm tiến hành cải cách nội bộ, ông đã mượn cơ hội này để làm suy yếu quyền lực của các tướng lĩnh xuất thân từ họ hàng thân thích.
Kết quả là ngoại trừ Tào Chân vào Tào Hưu, số người còn lại đều bị tước đoạt quyền kiểm soát binh mã.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Đến thời kỳ Tào Duệ lên ngôi, Tào Chân và Tào Hưu không chỉ nắm giữ binh quyền mà còn là đại thần phụ chính.
Tào Duệ sinh thời vốn có lòng đa nghi, lại thêm phần kiêng kỵ các đại thần, vì vậy liền tìm cách thu hồi quyền lực từ 4 trụ cột phụ chính trong triều khi đó.
Cũng bởi vậy mà chẳng bao lâu sau, Tào Chân và Tào Hưu đều không còn thực quyền, Trần Quần qua đời, ngay tới Tư Mã Ý cũng chịu nhiều o ép.
Tuy nhiên việc làm này của Hoàng đế nhà Ngụy chỉ tạm thời ngăn chặn được mối họa từ Tư Mã Ý trên vũ đài chính trị khi ấy, nhưng lại làm suy yếu vĩnh viễn quyền lực của các tướng lĩnh đến có xuất thân hoàng tộc.
Cuối cùng, sau khi Tào Duệ qua đời, cả gia tộc họ Tào chỉ còn lại Tào Sảng là vị hoàng thân quốc thích hiếm hoi còn nắm trọng quyền.
Chỉ tiếc rằng sau chính biến Cao Bình Lăng, Tào Sảng cũng bị Tư Mã Ý tiêu diệt. Biến cố này đã khiến cho thế lực của các tướng lĩnh đến từ Tào thị và Hạ Hầu thị bị suy yếu tới cùng cực.
Trong tay không còn thực quyền, lại không có binh mã, họ dù có lòng muốn ngăn cản gia tộc Tư Mã lộng quyền thì cũng không còn cách nào làm được.
*Theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc)