Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây leo lên một nấc thang mới sau khi người Kurd tại Syria thông báo, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cam kết sẽ đưa quân tới khu vực Manbij của Syria nhằm giúp đỡ các lực lượng dân quân Kurd trong việc ngăn chặn đà tiến công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 29/3 đã gặp các đại diện nhóm nổi dậy mang tên Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn, song lại có trụ cột chính là lực lượng Các đơn vị bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố.
Tại cuộc gặp, nhà lãnh đạo Pháp đã ghi nhận vai trò của SDF trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, đồng thời bày tỏ hy vọng có thể mở "một cuộc đối thoại" giữa Thổ Nhĩ Kỳ và SDF, với sự hỗ trợ của Pháp và các nước. Trong khi đó, các đại diện người Kurd cho biết, nhà lãnh đạo Pháp đã để ngỏ khả năng đưa quân tới khu vực Manbij nhằm giúp đối phó với đà tiến công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Khaled Issa, đại diện người Kurd tại Syria cho biết: “Tổng thống Pháp đã khẳng định, chúng ta cần phải hợp tác với nhau. Pháp sẽ hỗ trợ Các lực lượng Dân chủ Syria bằng mọi cách trong mọi kế hoạch hành động và dự án nhằm đảm bảo an ninh cho Syria, cũng như giải phóng đất nước hoàn toàn khỏi những kẻ khủng bố. Tất cả những biện pháp ở đây, tất nhiên bao gồm cả những hỗ trợ về quân sự”.
Theo tờ Người Paris, Tổng tham mưu trưởng Hải quân Pháp, Đô đốc Rogel cùng với các cố vấn ngoại giao Pháp dường như cũng đang thúc đẩy một kế hoạch hỗ trợ dành cho người Kurd tại Syria. Tuy nhiên, vai trò chính xác của những binh sĩ mà Pháp có thể gửi đi vẫn là một ẩn số.
Tờ nhật báo này cũng đề cập sự hỗ trợ của Pháp có thể không hẳn là về quân sự, mà đơn thuần là về mặt nhân đạo, dành cho hàng nghìn dân thường người Kurd phải chạy trốn khỏi Afrin do cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một phản ứng mới nhất, ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cảnh báo, các nước đồng minh nên có lập trường chống khủng bố rõ ràng, thay vì thực hiện những bước đi nhằm hợp pháp hóa các tổ chức khủng bố. Ông Ibrahim Kalin cũng bác đề xuất của Pháp làm vai trò hòa giải, khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thúc đẩy “đối thoại”, “tiếp xúc” hoặc “hòa giải” giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các tổ chức khủng bố này.
Thổ Nhĩ Kỳ coi nhóm dân quân người Kurd mang tên Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd là một phân nhánh của Đảng Lao động người Kurd, một tổ chức bị nước này coi là khủng bố. Tổng thống Erdogan từng nhiều lần tuyên bố sẽ quét sạch khủng bố "đến cùng trời cuối đất". Chính vì thế, sau khi giành thắng lợi tại Afrin, một thành phố do người Kurd kiểm soát tại Syria, Quân đội nước này đang lên kế hoạch mở rộng chiến dịch sang những khu vực khác, trong đó có Manbij, bất chấp sự phản đối từ phía Mỹ và các đồng minh phương Tây.
Không giống như Afrin, Manbij - thị trấn cách đó chỉ khoảng 100 km về phía Đông lại là một trong những khu vực người Kurd mà quân đội Mỹ hiện triển khai lực lượng. Chính vì thế, nếu cả Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây cùng rắn thì nguy cơ đối đầu giữa các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là hoàn toàn có thể.
Song theo các nhà phân tích, sự hỗ trợ này của Pháp dành cho người Kurd tại Syria có lẽ chủ yếu là nhằm gây sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ, để buộc các lực lượng nước này rút khỏi khu vực, còn trên thực tế có thể chỉ là một hành động nhân đạo và y tế nhằm hỗ trợ người Kurd tại những khu vực chiến sự. Đây cũng chính là lý do khiến Điện Elysee dù ra thông cáo xác nhận cuộc gặp với phái đoàn người Kurd, nhưng lại không đưa ra bất kỳ bình luận nào về khả năng gửi binh sĩ tới khu vực./.