Vì sao Nhật Bản đột ngột muốn có phần trong đối thoại với ông Kim sau nhiều năm cấm vận?

Tất Đạt |

Sau nhiều năm bị thế giới cô lập, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đột ngột nhận được sự quan tâm của nguyên thủ các quốc gia lớn, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Ngày 25/3 vừa qua, ông Kim đã có chuyến thăm không chính thức tới Bắc Kinh, gặp mặt Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong tháng 4 tới, lãnh đạo Triều Tiên sẽ gặp mặt Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã được lên chương trình triển khai, dự kiến vào tháng 5.

Mới đây nhất, chính phủ Nhật Bản tiết lộ quốc gia này sẵn sàng đối thoại với ông Kim Jong Un về những vấn đề hệ trọng nhất trong thời gian vừa qua, bao gồm chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Đây được cho là một bước ngoặt "thần kì" trong cuộc khủng hoảng bán đảo. Chỉ sau vài tháng, Triều Tiên từ một quốc gia liên tiếp bị đe dọa siết chặt kinh tế và an ninh đã trở thành tâm điểm trong giới ngoại giao.

Mối lo ngại mới của Nhật Bản

"Nhật Bản và Triều Tiên đã thảo luận các cơ hội thông qua nhiều kênh ngoại giao, ví dụ như đại sứ quán tại Bắc Kinh," chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga phát biểu sau khi có nhiều ý kiến cho rằng Tokyo đang "bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới Bình Nhưỡng vì sợ bị 'mất tiếng nói' trong tình hình bán đảo liên Triều".

Theo đó, kể từ khi căng thẳng bắt đầu dịu lại hồi tháng 1 - khi Triều Tiên cởi mở hơn với Hàn Quốc và đồng ý tham gia Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang, Nhật Bản đã hoàn toàn bị lãng quên trên bàn đàm phán.

Sau kì Olympic, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe dường như đã rơi vào thế khó khi khuyên Mỹ rằng cuộc đối thoại với Triều Tiên sẽ là điều "vô nghĩa".

Vì sao Nhật Bản đột ngột muốn có phần trong đối thoại với ông Kim sau nhiều năm cấm vận? - Ảnh 1.

Ông Trump đã bỏ qua lời khuyên của ông Abe và đồng ý gặp mặt ông Kim Jong Un. Ảnh: Getty

Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau, ông Trump đã bỏ qua lời khuyên của ông Abe và đồng ý gặp mặt ông Kim Jong Un.

"Tokyo lo ngại rằng có thể Nhật Bản sẽ là quốc gia duy nhất bị bỏ lại đằng sau khi tình hình vùng Đông Bắc Á đang có chuyển biến lớn," ông Nobuhiro Miura, nhà lập pháp Nhật Bản, đánh giá.

Trả lời CNN, Đại sứ Nhật Bản tại Washington Shinsuke Sugiyama cho biết "quan điểm cốt lõi của Tokyo về chuyện Triều Tiên sẽ không thay đổi".

"Chúng ta đang chứng kiến một thời kì mới của lịch sử. Hoặc là không. Để rồi xem," ông Sugiyama nói.

Từ trước tới nay, chính quyền ông Abe là một trong những bên khắc nghiệt với Triều Tiên nhất trong khu vực, liên tục siết chặt cấm vận và ủng hộ "áp lực tối đa" lên Bình Nhưỡng, đặc biệt sau khi Triều Tiên phóng 2 quả tên lửa đạn đạo bay qua đảo Hokkaido của Nhật Bản.

Trong một bài báo tuần trước, cơ quan ngôn luận nhà nước Triều Tiên Rodong Simun đã chỉ trích hành động của Tokyo, cho rằng Nhật đang "làm xấu đi tình hình bán đảo liên Triều" và cảnh báo quốc gia này "sẽ tự gánh hậu quả cho những động thái ích kỉ của mình".

Trả lời Asahi Shimbun, nhiều quan chức Nhật Bản cho biết họ đã hoàn toàn bất ngờ bởi chuyến thăm của ông Kim tới Bắc Kinh.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp Chủ tịch TQ Tập Cận Bình

Chủ đề đối thoại

Những cuộc đối thoại cho tới nay đều tập trung vào tình hình an ninh trên bán đảo liên Triều, chủ yếu là về việc phi hạt nhân hóa.

Để quay trở lại bàn đàm phán, Tokyo có thể sẽ đề cập tới những công dân Nhật Bản được cho là đã bị Bình Nhưỡng bắt cóc hồi những năm 1970-1980.

Trong chuyến thăm năm ngoái tới Nhật Bản, ông Trump nói "nếu ông Kim Jong Un trao trả những người này, đó sẽ là một dấu hiệu tích cực."

"Và đó sẽ là khởi đầu cho một điều hết sức đặc biệt," tổng thống Mỹ nói.

Tuy nhiên, từ đó tới nay, chủ đề này hầu như không được đề cập tới. 

Trong khi truyền thông Nhật Bản cho rằng ông Abe sẽ nhắc tới chuyện này trong lần gặp mặt với ông Trump vào tháng tới (trước cuộc gặp của ông Kim và ông Moon), ông Kingston - giáo sư tại đại học Temple - nhận định khó có khả năng Hàn Quốc và Mỹ muốn thảo luận về vấn đề người bị bắt cóc trong khi có nhiều chuyện quan trọng hơn cần đàm phán.

"Việc Nhật Bản liên tục đem chuyện đó ra thảo luận trong Đàm phán Sáu bên (hồi những năm 2000) là một trong những yếu tố khiến hội nghị này thất bại," ông nói.

"Nhiều chuyên gia tự hỏi tại sao chuyện về những công dân Nhật Bản lại quan trọng hơn việc thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại