Theo tư liệu từ trang Gli Occhi Della Guerra (Italy), sự thành công của Rökk gắn liền với sự phát triển thăng hoa của chủ nghĩa phát xít (năm 1933).
Trong năm này, công ty Universum Film AG (UFA) đã ký với bà một bản hợp đồng mà nhờ đó bà nhanh chóng trở thành ngôi sao thực sự của các vở nhạc kịch, sánh ngang với những sản phẩm đến từ Hollywood.
Tất cả những bộ phim này đều là sản phẩm tuyên truyền của phát xít Đức, do Bộ trưởng tuyên truyền Joseph Goebbels, một chuyên gia và người hâm mộ điện ảnh, trực tiếp chỉ đạo. Chúng không bao giờ được trình chiếu ở nước ngoài.
Nổi tiếng sau khi tham gia bộ phim Leichte Kavallerie (Khinh kỵ) năm 1935, Rökk trở thành một trong những ngôi sao sáng giá nhất thời kỳ này. Bà là nữ nghệ sĩ đầu tiên tham gia bộ phim màu của Đức "Những người phụ nữ vẫn là những nhà ngoại giao giỏi" năm 1941 cặp đôi với nam tài tử Willy Fritsch.
Bà gặt hái được thành công lớn nhờ bộ phim "Cô gái ước mơ của tôi" (năm 1944) do chồng của mình, ông Georg Jacoby, biên kịch.
Trong số những bộ phim thú vị nhất của Rökk phải kể đến vai diễn Nastasya Petrovna trong phim "Giữa vũ hội ồn ào" (năm 1939) của Carl Froelich.
Marika Rökk, thành danh trong thời kỳ Quốc Xã, đã diễn xuất trong gần 40 tác phẩm điện ảnh (Ảnh: Ronald Grant)
Nữ điệp viên KGB
Marika Rökk trút hơi thở cuối cùng tại thành phố Baden của Áo vào năm 2004, hưởng thọ 91 tuổi. 13 năm sau đó, một phát hiện gây sốc về cuộc đời nữ minh tinh nổi tiếng được hé lộ.
Tài liệu tối mật hàng đầu của tình báo Anh được giải mã, mà tờ Guardian (Anh) công bố vào tháng 2/2017, xác nhận Rökk từng là nữ điệp viên của Liên Xô.
"Nhiều khả năng bà đã trở thành điệp viên của Ủy ban an ninh quốc gia Liên Xô (KGB) nhờ viên quản lý của mình, ông Heinz Hoffmeister, người cũng hợp tác với cơ quan tình báo Liên Xô. Hiện vẫn chưa rõ ràng vai trò của Rökk, và điều quan trọng là bà đã chuyển những thông tin tình báo nào", tờ báo của Anh viết.
Krona là tên mạng lưới mà bà tham gia. Qua hệ thống này, những thông tin quân sự tối mật được chuyển cho tình báo Liên Xô, bao gồm cả các kế hoạch của Đức liên quan tới chiến dịch "Barbarossa" và trận đánh Kursk.
Mạng lưới được dẫn dắt bởi điệp viên Liên Xô huyền thoại Yan Chernyak, nổi tiếng với biệt danh "người không bóng". Chính Chernyak cũng được tình báo quân đội Liên Xô chiêu mộ khi ông học tập ở Berlin thập niên 1940.
Mạng lưới của Chernyak gồm khoảng 35 điệp viên, bao gồm các chủ nhà băng, các quan chức quân sự và thư ký, cũng như những nghệ sĩ như Olga Chekhova, Guardian cho hay.
Bị tình báo Đức theo dõi
Cuộc sống hai mang của Rökk đã bị cơ quan tình báo Tây Đức, đặt tên theo nhà sáng lập Reinhard Gehlen (nay là BND), phát hiện vào năm 1951.
Trong tài liệu từ tháng 11/1951, được tạp chí Bild (Đức) công bố mới đây, các cơ quan mật vụ đã đề cập tới "những mối quan hệ của nữ nghệ sĩ với tình báo Liên Xô".
Trong năm đó, nữ minh tinh màn bạc tuyên bố giải nghệ sau 16 năm hoạt động trên sân khấu. Các tờ báo viết rằng Rökk muốn giành thời gian cho cửa hàng của mình ở Dusseldorf. Nhưng các chứng cứ của những cơ mật vụ Đức cho thấy đó là cái cớ hợp lý để bà tiếp tục làm việc cho KGB.
Theo Guardian, hồ sơ được giải mã không tiết lộ liệu Marika Rökk có biết chuyện bà bị tình báo Đức nghi ngờ làm gián điệp cho Nga hay không, cũng như chưa rõ có bất kỳ hành động nào từ Berlin để ngăn cản bà.
Lệnh cấm mà Rökk bị áp đặt trong giai đoạn cuối Thế chiến II bởi "có mối quan hệ gần gũi với ban lãnh đạo Quốc Xã" đã giúp bà giữ được vỏ bọc trong nhiều năm sau đó.
Heinz Hoffmeister (ghế trước bên trái), người đã tuyển mộ Rökk, được nhìn thấy ngồi chung xe với Maria Callas, giọng nữ cao Opera nổi tiếng thế giới của thế kỷ XX, năm 1959. (Ảnh: Ullstein Bild/Getty Images)
"Thần tượng" của Hitler và người tình của Goebbels?
Nhiều sự lựa chọn đã được dành cho nữ diễn viên, vũ công tài ba từng lớn lên tại Budapest, khi điện ảnh Đức cố gắng đuổi kịp nền điện ảnh phát triển ở Mỹ.
Người ta cho rằng Marika Rökk là một trong những nữ diễn viên yêu thích nhất của Adolf Hitler, cũng như có mối quan hệ tình nhân với Bộ trưởng Goebbels.
Bà thường xuyên tham gia cùng với Johannes Heesters trong những bộ phim tuyên truyền. Người ta hâm mộ Rökk không chỉ về tài năng diễn xuất mà còn vì chất giọng đậm chất Hungary mà nhờ đó bà trở thành người đẹp ngoại lai trong mắt những người Đức.
Tấm thiệp năm 1940, mà trong đó nữ minh tinh Rökk bày tỏ sự cảm ơn Quốc trưởng Hitler tặng hoa cho mình, hiện nay đang được trưng bày tại Bảo tàng điện ảnh ở Berlin.