Hộ kinh doanh cần lưu ý những gì khi làm thủ tục giải thể kinh doanh?

Hà Trần |

Mặc dù đã ngừng hẳn việc kinh doanh, trên thực tế nhiều hộ kinh doanh lại không làm thủ tục thông báo giải thể hộ kinh doanh. Vậy thủ tục này cần lưu ý những gì?

Thông báo với cơ quan thuế về việc chấm dứt mã số thuế

Khoản 1 Điều 38 Luật quản lý thuế 2019 quy định về việc chấm dứt mã số thuế như sau:

"1. Người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh thì thực hiện chấm dứt hiệu lực mã số thuế khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc giải thể, phá sản;

b) Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c) Bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất.

2. Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì thực hiện chấm dứt hiệu lực mã số thuế khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Chấm dứt hoạt động kinh doanh, không còn phát sinh nghĩa vụ thuế đối với tổ chức không kinh doanh;

b) Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép tương đương;

c) Bị chia, bị sáp nhập, bị hợp nhất;

d) Bị cơ quan thuế ra thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký;

đ) Cá nhân chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;

e) Nhà thầu nước ngoài khi kết thúc hợp đồng;

g) Nhà thầu, nhà đầu tư tham gia hợp đồng dầu khí khi kết thúc hợp đồng hoặc chuyển nhượng toàn bộ quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí".

Như vậy, đối với trường hợp người nộp thuế là chủ hộ kinh doanh đăng ký thuế cùng với hộ kinh doanh hoặc đăng ký trực tiếp với cơ quan thuế đều phải làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế khi chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh.

Đáng chú ý, mã số thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh khi chấm dứt hiệu lực thì mã số thuế của người đại diện hộ kinh doanh không bị chấm dứt hiệu lực và được sử dụng để thực hiện nghĩa vụ thuế khác của cá nhân đó (theo Điểm c khoản 3 Điều 39 Luật Quản lý thuế 2019).

Thanh toán hết khoản nợ trước khi giải thể

Khoản 2 Điều 92 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định, hộ kinh doanh có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản nợ, gồm cả nợ thuế và nghĩa vụ tài chính chưa thực hiện trước khi nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh, trừ trường hợp hộ kinh doanh và chủ nợ có thỏa thuận khác.

Theo khoản 2 Điều 15 Thông tư 105/2020/TT-BTC quy định về nghĩa vụ của hộ kinh doanh khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế như sau:

- Người nộp thuế nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn nếu có sử dụng hoá đơn.

- Người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và xử lý số tiền thuế nộp thừa với cơ quan quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thuế.

- Người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế, nộp thuế và xử lý số tiền thuế nộp thừa, số thuế giá trị gia tăng chưa được khấu trừ (nếu có) với cơ quan quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai.

Như vậy, nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh là phải thanh toán đầy đủ các khoản nợ bao gồm nợ thuế, các các khoản nợ các đối tác kinh doanh.

Thủ tục thông báo chấm dứt hộ kinh doanh

Thủ tục chấm dứt hộ kinh doanh được thực hiện theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

1. Chuẩn bị hồ sơ

Chủ hộ kinh doanh chuẩn bị 1 bộ hồ sơ bao gồm những giấy tờ, tài liệu sau:

- Thông báo chấm dứt hộ kinh doanh

- Thông báo về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế của Cơ quan thuế;

- Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

2. Nơi nộp hồ sơ

Sau khi chuẩn bị các loại giấy tờ nêu trên, cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình đến nộp tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh. Cụ thể nộp tại Bộ phận một cửa (bộ phận dịch vụ công) thuộc UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh

3. Thời gian làm thủ tục

Trong 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Sau 3 ngày làm việc mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì người đăng ký kinh doanh có quyền khiếu nại.

4. Lệ phí giải quyết

Do HĐND cấp tỉnh quyết định (theo Thông tư 85/2019/TT-BTC). Thông thường, lệ phí giải quyết là 100.000 đồng/lần.

Tóm lại, khi đã quyết định chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh thì chủ hộ kinh doanh phải thanh toán xong các khoản nợ. Sau khi thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ, chủ hộ kinh doanh sẽ làm thủ tục thông báo chấm dứt hoạt động tại UBND cấp huyện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại