Gautam và bạn chụp ảnh với cảnh sát ma nơ canh làm kỷ niệm.
Những hình nộm đội mũ, đeo kính râm, mặc áo sơ mi trắng, quần nâu giống hệt cảnh sát giao thông được đặt trên nhiều tuyến đường ở thành phố Bangalore, miền Nam Ấn Độ, BBC đưa tin.
Những hình nộm này có nhiệm vụ điều khiển giao thông tại các nút giao tắc nghẽn.
Chính quyền thành phố hy vọng các lái xe sẽ chấp hành luật lệ giao thông một cách nghiêm túc khi tưởng những con ma nơ canh này là cảnh sát giao thông. Nhiều cư dân thành phố cũng ủng hộ ý tưởng này.
"Trông rất giống cảnh sát thật. Phải nhìn kỹ bạn mới biết đó là giả. Tôi nghĩ rằng nó sẽ khiến nhiều người tuân thủ luật giao thông hơn", Gautam T, một sinh viên đại học, cho hay.
Anh Saravana dừng chiếc xe ba bánh gần một biển cấm đỗ ngay trong khu trung tâm thương mại, bên cạnh là một hình nộm cảnh sát. Anh cho rằng hình nộm này khiến mình chú ý hơn đến các tín hiệu giao thông.
Hình nộm cảnh sát được đặt tại nhiều chốt trên đường.
Ravikante Gowda, một cảnh sát giao thông cấp cao ở Bangalore, cho rằng, hình nộm cảnh sát phần nào tác động đến hành vi của những người tham gia giao thông.
Nếu không có cảnh sát giao thông kiểm soát, người tham gia giao thông sẽ có những hành vi vi phạm khác nhau. Vì vậy, hàng ngày, hình nộm cảnh sát sẽ được đưa đi nhiều địa điểm khác nhau.
"Chúng tôi đặt các cảnh sát ma nơ canh ở đây được vài tuần và nhận thấy có những hiệu quả nhất định.
Chẳng hạn, người tham gia giao thông đã hạn chế vượt đèn đỏ hơn. Họ cũng có chút bối rối bởi chúng tôi đã luân phiên thay đổi giữa cảnh sát thật với cảnh sát hình nộm hàng ngày", cảnh sát Gowda nói.
Tuy nhiên, ý tưởng triển khai những con ma nơ canh cảnh sát trên phố cũng bị chỉ trích. Nhiều người nghĩ rằng điều này thật giống như trò giải trí.
Thành phố Bangalore hiện có khoảng 8 triệu phương tiện giao thông và con số này dự báo sẽ tăng lên 10 triệu vào năm 2022.
Theo số liệu của cảnh sát địa phương, các camera an ninh trên đường phố ghi nhận khoảng 20.000 lỗi vi phạm luật giao thông mỗi ngày.
Cảnh sát Bangalore từng đưa ra nhiều giải pháp nhằm đối phó với tình trạng vi phạm luật giao thông và giảm áp lực công việc cho cảnh sát nhưng chưa thu được kết quả.