Hình minh họa
Thành công bước đầu
Tháng 6/2018, Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc (Công ty Đắc Lộc) triển khai dự án nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ quy mô hàng hóa, đây là mô hình được triển khai đầu tiên trong cả nước.
Dự án này là đề tài khoa học công nghệ quy mô cấp Nhà nước thuộc chương trình đổi mới công nghệ của quốc gia do Bộ KH-CN là cơ quan chủ quản, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III là đơn vị chuyển giao công nghệ.
Thời gian thực hiện dự án từ tháng 6/2018-12/2020, đến nay dự án đã kết thúc và đạt được nhiều kết quả khả quan.
Bà Trần Thị Lưu, Công ty Đắc Lộc (chủ nhiệm đề tài), cho biết: Công ty triển khai 2 mô hình gồm nuôi tôm hùm bông và tôm hùm xanh với quy mô khoảng 5 tấn tôm thương phẩm cho mỗi mô hình, nuôi tại khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao của công ty ở xã Xuân Hải (TX Sông Cầu).
Sau hơn 2 năm triển khai, đến nay dự án đã kết thúc và kết quả đối với tôm hùm bông, trung bình tôm đạt cỡ 0,73kg/con, tỉ lệ sống khoảng 76,4%, tổng sản lượng của mô hình đạt 6,1 tấn/vụ (kế hoạch 5 tấn/vụ).
Còn tôm hùm xanh, trung bình tôm đạt cỡ 0,4kg/con, tỉ lệ sống khoảng 78,2%, tổng sản lượng của mô hình đạt 6,4 tấn/vụ (kế hoạch 5 tấn/vụ). Tôm thương phẩm được đưa đến Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản Vùng 2 để xét nghiệm và các mẫu đều đạt chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bà Trần Thị Lưu cho biết thêm, mô hình nuôi tôm hùm trong bể trên bờ này được áp dụng công nghệ RAS (hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn) với các trang thiết bị phụ trợ hiện đại.
Để tôm hùm phát triển trong môi trường nhân tạo, yếu tố tiên quyết là nước phải sạch, các thông số như nhiệt độ, độ mặn, pH… phải phù hợp, có dòng chảy lưu thông như ngoài biển. Vì vậy, hệ thống được thiết kế thành một vòng tuần hoàn với bể nuôi và bể lọc sinh học, đảm bảo nguyên tắc bể nuôi cao hơn bể lọc.
Quy trình xử lý của RAS là nước từ bể nuôi đi qua trống lọc, chất bẩn được tách ra còn nước được đẩy sang bể lọc sinh học.
Tại đây, các vi sinh vật giúp chuyển hóa chất độc hại có thể gây bệnh cho tôm thành các chất không có hại, ví dụ như chuyển hóa amoniac sang NO2, NO3, skimmer (thiết bị loại bỏ các hợp chất hữu cơ bị phân giải và các chất độc hại khác) có tác dụng tách các protein lơ lửng còn lại.
Ở bước cuối cùng, nước sạch được đẩy sang hệ thống làm mát và tia UV (đèn khử trùng nước trong nuôi trồng thủy sản) để diệt khuẩn, đảm bảo các yếu tố về nhiệt độ và các chỉ tiêu lý hóa trước khi quay trở lại bể nuôi.
Với mô hình xử lý tuần hoàn như vậy, nước trong bể nuôi luôn đảm bảo chất lượng, thuận lợi cho tôm hùm nuôi phát triển.
Bên cạnh thức ăn tươi, công ty đã áp dụng loại thức ăn công nghiệp, thức ăn viên cho tôm ăn ngày hai lần với tỉ lệ khoảng 2% trọng lượng thân. Thức ăn viên hoàn toàn phù hợp với mô hình nuôi trong bể trên bờ, vì dễ dàng quan sát và nắm bắt được mức độ ăn của tôm để điều chỉnh cho hợp lý.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (bên phải) cùng đoàn công tác thăm mô hình nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc. Ảnh: ANH NGỌC
Cần triển khai nhân rộng
Ông Lê Hữu Tình, Phó Giám đốc Công ty Đắc Lộc, cho biết: Để giám sát, kiểm tra chất lượng con giống, công ty đã đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm như phòng PCR, phòng vi khuẩn, phòng quản lý chất lượng nước, phòng quản lý chất lượng tôm… với trang thiết bị hiện đại.
Đối với dự án Hoàn thiện công nghệ nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ quy mô hàng hóa tại bãi ngang tỉnh Phú Yên do Bộ KH-CN giao cho công ty triển khai, đến nay đã đạt được nhiều kết quả nhất định.
Công ty đã xây dựng được mô hình RAS hoàn chỉnh nuôi tôm hùm bông và tôm hùm xanh quy mô hàng hóa; xây dựng quy trình nuôi và định hướng phát triển nuôi tôm hùm trong bể trên bờ; đã nghiên cứu xác định nhu cầu astaxanthin (chất chống ôxy hóa), dịch thủy phân bổ sung nâng cao hiệu quả thức ăn nuôi tôm hùm bông và tôm hùm xanh; xác định chế độ phối hợp thức ăn và cho tôm hùm ăn hàng ngày, góp phần hoàn thiện thức ăn để nuôi có hiệu quả trong hệ thống RAS.
Ông Lê Hữu Tình cho biết thêm, dự án Hoàn thiện công nghệ nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ quy mô hàng hóa tại bãi ngang tỉnh Phú Yên triển khai tại công ty đã được nghiệm thu cấp cơ sở và được đánh giá cao.
Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế của dự án vẫn chưa như mong muốn, bởi tôm hùm bông hiệu quả kinh tế khoảng 13,9%, đối với tôm hùm xanh khoảng 15-17%. Sở dĩ lợi nhuận chưa cao vì dự án triển khai vẫn là một quá trình nghiên cứu hoàn thiện nên dẫn tới một số chi phí rất cao.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết: Dự án nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ quy mô hàng hóa của Công ty Đắc Lộc là mô hình mới có ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Qua tham quan mô hình và làm việc với lãnh đạo công ty, mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả về kinh tế, môi trường…, đặc biệt công ty đã xây dựng và hoàn thiện quy trình nuôi tôm hùm quy mô hàng hóa trong bể trên bờ cũng như hoàn thiện công thức thức ăn hàng ngày cho tôm.
Sau khi dự án này được nghiệm thu cấp bộ, đề nghị Công ty Đắc Lộc triển khai nhân rộng cho người nuôi tôm hùm trong và ngoài tỉnh.
Bộ NN-PTNT khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực thủy sản nói chung, Công ty Đắc Lộc nói riêng đầu tư công nghệ tiên tiến, cải tiến trong khâu sản xuất, hợp tác với các đối tác mạnh trong và ngoài nước, tìm kiếm thị trường để ổn định đầu ra của sản phẩm.
Tỉnh Phú Yên cần có cơ chế chính sách, tạo điều kiện tốt nhất và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chuyên sâu, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với lĩnh vực thủy sản.
Bộ NN-PTNT tiếp tục đồng hành nhằm tạo điều kiện tốt nhất để phát triển lĩnh vực thủy sản, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững hơn.