Nhận diện thủ đoạn của tội phạm mua bán người
Tại Việt Nam, từ năm 2017 đến nay, đã phát hiện xảy ra 735 vụ, liên quan đến 979 đối tượng, lừa bán 1.625 nạn nhân. Riêng số vụ mua bán người được cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện liên quan đến 2 nước Việt Nam – Campuchia khoảng 32 vụ với 97 nạn nhân.
Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, hoạt động của tội phạm này nổi lên một số vấn đề như: Các đối tượng người nước ngoài làm ăn, sinh sống tại Campuchia câu kết với các đối tượng người Việt Nam hình thành đường dây, tìm kiếm phụ nữ Việt Nam đủ điều kiện mang thai, tổ chức đưa sang Campuchia cấy phôi thai.
Sau đó, đưa về Việt Nam chăm sóc, dưỡng thai, đến khi sắp sinh con, các đối tượng sẽ đưa nạn nhân sang Trung Quốc sinh con và bán cho người dân địa phương.
Đơn cử, ngày 7-8-2019, Công an tỉnh Quảng Ninh kiểm tra hành chính, phát hiện Trần Thị Ba cùng 8 phụ nữ khác (có 3 phụ nữ đang mang thai) không có đăng ký tạm trú, có biểu hiện nghi vấn mang thai hộ.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố vụ án hình sự tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại; khởi tố 2 bị can Trần Thị Ba (SN 1991, trú tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) và Vũ Nga Linh (SN 1988, trú tại TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh).
Các đối tượng khai nhận việc tổ chức mang thai hộ được điều hành bởi đối tượng người Myanmar tên là A Li Lan.
Ngoài ra, một số đối tượng người Campuchia câu kết với đối tượng Việt Nam lừa gạt phụ nữ Campuchia đi qua Việt Nam sang Trung Quốc để đẻ thuê, bóc lột tình dục hoặt kết hôn trái pháp luật.
Điển hình, ngày 29-10-2019, 7 phụ nữ có quốc tịch Campuchia, trong đó có phụ nữ đang mang thai, đang trên đường di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đến Lạng Sơn ra Hà Nội thì bị lực lượng chức năng phát hiện.
Qua điều tra, được biết những phụ nữ này nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, không có hộ chiếu, không có giấy tờ tùy thân, bị lừa qua Việt Nam để sang Trung Quốc tìm việc làm hoặc lấy chồng.
Trước đó, năm 2018, Công an tỉnh Tây Ninh bắt quả tang đối tượng Ngô Thị Gái (SN 1974, trú tại Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) đưa 6 phụ nữ Campuchia ra Hà Nội để đưa sang Trung Quốc bán làm vợ.
Qua đấu tranh, khai thác, cơ quan Công an bắt giữ tiếp đối tượng Ngô Thị Vân (SN 1976).
Đối tượng Vân lấy chồng người Trung Quốc và móc nối với đối tượng người Campuchia để đưa phụ nữ người Campuchia bán sang Trung Quốc làm vợ, đối tượng Gái là người đưa các nạn nhân đi và đã đưa trót lọt 6 phụ nữ sang Trung Quốc.
Hai chị em Ngô Thị Vân và Ngô Thị Gái cầm đầu đường dây buôn bán phụ nữ Campuchia qua Trung Quốc.
Cũng theo Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, những năm gần đây nổi lên tình trạng người Việt Nam xuất cảnh sang Campuchia bằng cả con đường hợp pháp và bất hợp pháp để tham gia đánh bạc, cá độ tại các Casino, trường gà bên phía Campuchia; đã xảy ra một số trường hợp sau khi thua bạc, thua cá độ phải vay nặng lãi, bị bắt lại đòi tiền chuộc từ gia đình hoặc bị ép hoạt động trong các động mại dâm và cưỡng bức lao động.
Một số đối tượng phạm tội lợi dụng hoàn cảnh khó khăn và nhu cầu tìm việc làm của một số ít người dân, nhất là của các phụ nữ trẻ để dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân sang Campuchia làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm với mức thu nhập cao.
Sau khi sang đến Campuchia những người này rơi vào tình trạng vừa bị ép buộc, vừa tự nguyện bán dâm để có tiền hỗ trợ gia đình. Cá biệt có trường hợp nạn nhân chủ động liên hệ sang Campuchia làm gái mại dâm nhưng sau đó bị lừa bán cho các chủ chứa và bị bóc lột tình dục.
Liên quan đến vấn đề này, các cơ quan chức năng của Campuchia thông qua những đợt truy quét tệ nạn xã hội tại các quán cà phê, karaoke và cơ sở massage đã phát hiện ra phụ nữ người Việt Nam và trao trả về qua đường ngoại giao (năm 2017: 2 trường hợp; năm 2018: 4 trường hợp và năm 2019 là 2 trường hợp).
Các đối tượng sử dụng các trang mạng xã hội (facebook, zalo…) để tiếp cận, làm quen với nạn nhân, thiết lập đường dây chặt chẽ, phân công vai trò cụ thể nhưng hạn chế tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân khi thực hiện hành vi phạm tội nhằm tránh bị các cơ quan chức năng phát hiện.
Tình trạng xuất cảnh trái phép giữa biên giới hai nước để lao động thời vụ, quan hệ huyết thống, họ hàng, thường xuyên qua lại thăm hỏi giữa dân cư sinh sống dọc hai bên biên giới và di cư tự do, buôn bán nhỏ lẻ dọc biên giới diễn ra phổ biến và khá phức tạp, tác động đến công tác đảm bảo an ninh biên giới và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị mua bán; Một số đối tượng có người thân đang lao động ở nước ngoài hoặc đã từng đi lao động ở nước ngoài, chúng câu kết với các đối tượng ở nước ngoài tổ chức các đường dây đưa người Việt Nam dưới dạng xuất cảnh hợp pháp hoặc bất hợp pháp bằng đường bộ qua Campuchia để sang nước thứ ba, sau đó những người này trốn ở lại lao động bất hợp pháp hoặc bị các đối tượng bán, ép làm gái mại dâm hay cưỡng bức lao động.
Phối hợp thực hiện Hiệp định giữa 2 nước
Cục Cảnh sát hình sự cho biết, ưu tiên phối hợp thực hiện Hiệp định Việt Nam – Campuchia về hợp tác song phương trong phòng, chống mua bán người và bảo vệ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2020 – 2022 giữa 2 nước.
Trong đó, đề xuất cơ quan chức năng 2 nước thường xuyên bổ sung và thông báo cho nhau nhóm công tác chung, xác định cơ quan đầu mối và kênh thông tin để thường xuyên cập nhật, trao đổi tình hình có liên quan, duy trì giao ban thường niên, gặp gỡ, trao đổi đoàn các cấp, nhất là các địa phương đối đẳng; Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nhất là khu vực biên giới mỗi nước để nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống mua bán người, xuất cảnh trái phép, lao động và di cư tự do.
Hai bên phối hợp tổ chức truyền thông chung nhằm hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người – 30/7” năm 2021; Tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm phát hiện, xác minh, khởi tố điều tra vụ, việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người và di cư trái phép xuyên quốc gia, có liên quan đến nạn nhân từ Việt Nam và Campuchia.
Đối với một số vụ án mua bán người có tính chất phức tạp, xuyên quốc gia cần chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền cử tổ công tác phối hợp điều tra, truy bắt đối tượng phạm tội, giải cứu và hồi hương nạn nhân; Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới giữa Việt Nam – Campuchia, kể từ ngày 1-7 đến ngày 30-9 hàng năm; Tiếp tục triển khai công tác xác minh, xác định, giải cứu và trao trả, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán kịp thời, nhanh chóng theo Quy trình chuẩn đã ký giữa hai nước.
Nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy trình chuẩn phù hợp với tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và pháp luật của mỗi nước; Hai bên tiếp tục tổ chức trao đổi các đoàn liên ngành sang thăm và chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng mô hình phòng ngừa, tiếp nhận nạn nhân, tìm hiểu về chính sách pháp luật hoặc kinh nghiệm trong điều tra, xử lý các vụ, việc đấu tranh chống mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép.