764 cuộc gọi đến Đường dây nóng phòng chống mua bán người trong 6 tháng đầu năm Ngăn chặn tội phạm mua bán người qua biên giới Quyết liệt cuộc chiến chống tội phạm mua bán người ở Nam Tây Nguyên Nỗ lực điều tra, khám phá các vụ án mua bán người
Theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo 138 thì chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc đã xảy ra 89 vụ MBN, liên quan đến 142 đối tượng, lừa bán 169 nạn nhân. So với cùng kỳ năm 2018, giảm 10,1% số vụ, tăng 12,7% số đối tượng và giảm 28,4% số nạn nhân.
Bài 1: Những thủ đoạn tinh vi của tội phạm
Trên đường đi học về, hai học sinh lớp 6 của một trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Lào Cai bất ngờ bị hai nam thanh niên dùng dao khống chế, bắt đưa sang Trung Quốc.
Hai nạn nhân sẽ chẳng bao giờ có cơ hội đoàn tụ cùng người thân trong gia đình nếu các đối tượng ở bên kia biên giới không từ “món hàng” vì chê nạn nhân còn quá nhỏ... Được may mắn trở về đoàn tụ với gia đình nhưng ký ức kinh hoàng đó vẫn ám ảnh hai em.
Cuộc bắt cóc táo tợn
“Hai đứa lên xe không tao đâm chết...”, những câu nói đó cho đến bây giờ vẫn ám ảnh trong tâm trí của hai nạn nhân X và C.
Đó là một ngày đầu tháng 12-2018, khi huyện vùng cao Simacai (Lào Cai) chìm trong cái lạnh tái tê. Hai cô bé vùng cao đã ngoài 12 tuổi mà thân hình nhỏ thó chỉ bằng đứa trẻ lên 8, co ro trong chiếc áo mỏng trên đường từ trường về nhà.
“Nhà hai em ở đâu”, hai nam thanh niên đi xe máy tiến đến gần. Hai cô bé vùng cao hồn nhiên chỉ tay về phía dưới, hai thanh niên chẳng nói lời nào, tiếp tục phóng xe vượt lên.
Lúc này, X và C tiếp tục rảo bước thì bất ngờ một trong hai đối tượng lấy con dao hướng về phía X đe dọa... Quá sợ hãi, C tự ngồi lên xe máy, còn X thì bị đối tượng kéo lên xe. Trong chiếc áo mưa kín bưng, các em ngạt thở vì sợ hãi...
X và C không biết đã bị đưa đi bao lâu. Khi đến một gốc cây to thì hai đối tượng dừng lại dùng sợi dây cao su trói hai tay X, C. Khi đi qua cột mốc thì X và C biết rằng đã bị lừa bán sang Trung Quốc.
Suốt đêm hôm đó, X và C gào khóc thảm thiết. Trước diễn biến trên, chủ người Trung Quốc buộc phải đưa X và C đến cột mốc 112 thả về Việt Nam.
Đói và mệt là thế nhưng hai cô bé lớp 6 vẫn đi một mạch cho đến khi gặp được một người Mông là bà Hầu Thị Mai ở Cốc Phương, xã Bản Lầu đi ăn cưới về. Với sự giúp đỡ của gia đình người phụ nữ này, hai em được người thân trong gia đình đến đón về.
C và X là một trong những nạn nhân may mắn thoát khỏi bàn tay của những kẻ buôn người. Sau đó khoảng 7 ngày, hai kẻ thủ ác là Giàng A Tếnh và Thào A Chư (cùng trú tại tỉnh Lào Cai) lại tiếp tục gây ra một vụ bắt cóc, nạn nhân là một bé gái sinh năm 2004.
Trong vụ án này, đối tượng định đưa nạn nhân sang Trung Quốc giao cho người mua và đòi số tiền trước đó là 47 nghìn nhân dân tệ đã bán X và C. Nhưng sau khi trói nạn nhân này, Tếnh đã nảy ý định thưc hiện hành vi đồi bại với nạn nhân.
Trong khi đối tượng đang thực hiện hành vi đồi bại thì bị phát hiện nên bỏ trốn. Được sự vận động của Công an và gia đình, đối tượng sau đó đã đến Công an huyện Simacai đầu thú.
Mánh khóe tinh vi
Thời gian gần đây, tội phạm mua bán người hoạt động với phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện.
Trong các đường dây có sự cấu kết chặt chẽ giữa đối tượng trong nước với đối tượng ở bên kia biên giới, hình thành những đường dây tuyển lựa nạn nhân, sau đó chuyển giao bán qua biên giới vì mục đích mại dâm và kết hôn trái pháp luật.
Trong quá trình này, đối tượng gây án có nhiều phương thức tinh vi để che giấu hành vi phạm tội. Nạn nhân trước khi bị lừa bán thì không thông báo cho gia đình, bạn bè, đi đâu, làm gì.
Còn đối tượng lợi dụng mạng xã hội để giao tiếp, lừa gạt, nạn nhân chúng nhằm vào là những cô gái trẻ, có nhu cầu tìm việc làm...
Tình hình hoạt động MBN diễn biến phức tạp cả trong nội địa và trên tuyến biên giới. Nếu ở trong nội địa, nạn nhân bị lừa bán vào các cơ sở kinh doanh có điều kiện thì ở trên các tuyến biên giới tình hình tội phạm cũng diễn biến vô cùng phức tạp.
Biên giới Việt Nam - Trung Quốc là nơi trực tiếp xảy ra tội phạm đồng thời là địa bàn trung chuyển nạn nhân từ các tỉnh, thành phố cả nước sang Trung Quốc, với mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, kết hôn trái pháp luật, mang thai hộ, bán trẻ sơ sinh.
Trên tuyến biên giới Việt – Lào, các đối tượng lừa gạt nạn nhân cư trú ở các huyện biên giới đưa ra các tỉnh phía Bắc bán sang Trung Quốc; biên giới Việt Nam - Campuchia, đưa ra các tỉnh phía Bắc bán sang Trung Quốc.
Trên tuyến biển, tình trạng môi giới lao động thông qua các đối tượng cò mồi; việc sử dụng lao động ngoài tỉnh đánh bắt hải sản dài ngày trên biển không ký hợp đồng và thiếu hụt nguồn nhân lực dễ dẫn dến tình trạng trao đổi, mua bán, cưỡng ép, bóc lột sức lao động trên các tàu cá.
Tình trạng tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc với mục đích làm thuê, lao động tại các tỉnh phía Bắc vẫn diễn biến phức tạp sau Tết Nguyên đán.
Trong trường hợp này, tội phạm lợi dụng thời điểm trước, sau Tết Nguyên đán, lượng người giao thông đi lại, buôn bán hàng hóa khu vực biên giới tăng mạnh, nhất là biên giới Việt Nam- Trung Quốc để tổ chức xuất cảnh trái phép, di cư, lao động thời vụ. Sau đó, lừa bán để cưỡng bức lao động, ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ…
Thời gian gần đây, xảy ra tình trạng các đối tượng người Việt Nam (trong đó, có người trước đây từng là nạn nhân) móc nối, câu kết với các đối tượng người Trung Quốc quen thuộc địa bàn biên giới đã lừa, dụ dỗ các nạn nhân (kể cả người thân trong gia đình) đưa sang Trung Quốc bán.
Phương thức và thủ đoạn của tội phạm MBN ngày càng tinh vi, tính chất nghiêm trọng và được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.
Các đối tượng thông qua mạng xã hội, giả danh là cán bộ Công an, Bộ đội Biên phòng gọi điện tán tỉnh, làm quen nạn nhân (chủ yếu là phụ nữ người dân tộc Mông, trong độ tuổi từ 16-23), giả yêu đương, hứa hẹn tổ chức đám cưới; hẹn hò, rủ đi chơi hoặc khống chế, đe dọa nạn nhân, sau đó, bán họ ra nước ngoài, xảy ra tại các tỉnh biên giới phía Bắc (Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai…).
Trong trường hợp này, các đối tượng phạm tội triệt để lợi dụng điều kiện kinh tế khó khăn, nhu cầu việc làm hoặc thông qua điện thoại di động, các trang mạng xã hội như Zalo, facebook, Webchats...
Thực tế các vụ án được phát hiện cho thấy đối tượng phạm tội phần lớn là những kẻ có tiền án, tiền sự. Nhiều trong số đó từng sang Trung Quốc làm ăn và sinh sống. Một số đối tượng có mối quan hệ thân tộc, dân tộc với các đối tượng ở bên kia biên giới.
Vì hám lời, các đối tượng đã câu kết với nhau thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp này, các đối tượng có thể xuất cảnh bằng con đường chính ngạch song cũng có thể vượt biên trái phép.
Nạn nhân nhằm vào phần lớn là những phụ nữ, trẻ em có độ tuổi từ 16-28, cư trú ở các vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số.
Đa số nạn nhân là người có trình độ dân trí thấp, nhận thức xã hội còn hạn chế, người có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn.
Một số muốn có việc làm thu nhập cao, muốn lấy chồng nước ngoài để đổi đời hoặc các em gái ở tuổi mới lớn chưa có kinh nghiệm sống, dễ tin, thích du lịch, khám phá nên dễ bị các đối tượng dụ dỗ, lừa gạt hoặc đe dọa, khống chế bán ra nước ngoài...
Đáng chú ý là đã phát hiện một số đường dây môi giới, đưa phụ nữ Việt Nam sang Quảng Đông (Trung Quốc) “đẻ thuê” với giá từ 120.000 – 140.000 NDT/trường hợp (khoảng 400- 500 triệu VNĐ), các đường dây này lo “trọn gói” các thủ tục từ việc đưa người sang Trung Quốc, chăm sóc, thăm khám, sinh con tại các cơ sở y tế cũng như hợp thức hóa hồ sơ cho những đứa trẻ được sinh ra.
Tình trạng mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người diễn biến phức tạp. Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triệt phá đường dây mua bán nội tạng xuyên quốc gia liên quan đến 5 đối tượng.
Đường dây này hoạt động từ tháng 5-2017 đến 1-2019, khi bị cơ quan chức năng bắt giữ, các đối tượng thực hiện bán thận của hàng trăm nạn nhân, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.