Hiện tượng “cưới gấp, bỏ nhanh” ở Trung Quốc

Thu Thủy |

Đi sâu tìm hiểu hiện tượng “8X vẫn độc thân, 9X đã ly hôn” ở Trung Quốc thấy, đằng sau những vụ “cưới gấp, bỏ nhanh” đó có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả những lý do lãng xẹt.

Dễ xúc động và ngang bướng

“3 năm trước anh ta xin kết hôn vì “muốn bên nhau suốt đời”, nay thì hàng ngày đi làm về là chỉ chúi đầu vào smartphone, không làm bất cứ việc gì giúp vợ, con tè ướt bỉm cũng không thay” - Thẩm Lan, 26 tuổi tức giận nói lý do khiến cô kiên quyết xin ly hôn ở Phòng Dân chính quận Giang Ninh.

Thẩm Lan kể, cô quen Hứa Quân, chàng trai quê Liên Vân Cảng qua mạng, vừa gặp mặt đã trúng lưỡi tầm sét của Thần tình yêu và nhất định đòi cưới bất chấp sự ngăn cản của cha mẹ.

Thời gian đầu, họ chìm đắm trong tình yêu, nhưng từ khi cô sinh đôi 2 bé trai thì cuộc chiến ly hôn bắt đầu. Điều kiện kinh tế gia đình Hứa Quân không có nên không thể mua được nhà, 2 vợ chồng phải thuê nhà để ở.

Khi Thẩm Lan sinh, cha mẹ cô xót con, thương cháu nên bảo về sống cùng.

Khi thấy con rể đi làm về chỉ chơi game không làm bất cứ việc gì, bà mẹ nói bóng gió mấy câu, Hứa Quân liền lấy cớ làm thêm giờ, rất ít về, khi về cũng vẫn chỉ chơi game. Thẩm Lan không chịu nổi, liền xin ly hôn…

Hiện tượng “cưới gấp, bỏ nhanh” ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Nhiều cặp đôi vừa cưới nhau đã ly hôn. Ảnh: minh họa.

“Thấy không hợp là chia tay”

Theo ngành Dân chính, trước đây phần lớn các cặp ly hôn là trung niên, 2 năm nay, số cặp trong độ tuổi 25-34 ly hôn tăng lên rất nhanh và trở thành một vấn đề xã hội.

Bà Lã Hồng Diễm, Trưởng phòng đăng ký hôn nhân quận Huyền Vũ nói: Trước đây các cặp bỏ nhau chủ yếu là trung niên, nên gọi là “khủng hoảng trung niên”; nay thì cánh trẻ chuyện nhỏ như móng tay cũng đòi ly hôn với lý do “không hợp nhau”; có cặp hãy còn đang trong tuần trăng mật đã đưa nhau đến tòa.

Một vụ điển hình từng gây xôn xao trên mạng là “Vợ sốt 39,6 độ, chồng vẫn say sưa chơi game ngoài quán net, vợ phải tự gọi xe cấp cứu”.

Diễn biến tiếp theo là cô vợ kiên quyết đòi ly hôn vì không chấp nhận sống với người chồng trẻ, đẹp trai nhưng coi chơi game hơn mạng sống vợ như thế…

Hội Phụ nữ Trung Quốc từng công bố bản “Báo cáo điều tra về tình hình xây dựng gia đình hài hòa”, cho thấy: Cá tính mạnh, quan niệm giá trị khác nhau và gia đình quá nuông chiều là “những vấn đề phi nguyên tắc” khiến nhiều cặp vợ chồng 8X, 9X tan vỡ.

Bà Vương Thanh, phụ trách một Trung tâm dịch vụ gia đình ở quận Giang Ninh - người có kinh nghiệm hòa giải hôn nhân lâu năm, nói: Các cặp vợ chồng trẻ phần lớn đều là con độc nhất, điều kiện sống tốt, thường luôn chỉ nghĩ đến bản thân trước, khi xảy ra va chạm không biết nhường nhịn, bao dung, tranh cãi nhỏ cũng đưa nhau ra tòa.

Bà có cảm giác các cặp vợ chồng 9X thời gian yêu nhau ngắn, quen vài tháng đã kết hôn; việc trước khi cưới chưa hiểu đầy đủ về nhau đã tạo thành quả bom nổ chậm cho cuộc sống gia đình sau hôn nhân.

Cha mẹ can thiệp sâu quá mức

Cha mẹ hai bên can thiệp quá sâu cũng trở thành “sát thủ” cho hôn nhân của thế hệ 9X. Lớp người này đa phần là con độc nhất, khá dựa dẫm vào cha mẹ.

Điều này tác động khá lớn tới hôn nhân của họ: Thứ nhất, do được cha mẹ yêu chiều quá mức nên 9X không thật yêu thương gia đình nhỏ, khi tan vỡ cũng không mấy tiếc thương hay đau khổ; thứ hai, được cha mẹ chiều quá sinh hư.

Từ nhỏ đã được cha mẹ cưng chiều nên trong cuộc sống hôn nhân họ cũng tự coi mình là trung tâm vũ trụ, chỉ biết hưởng thụ, không muốn cho đi, khiến mâu thuẫn gia tăng, đi đến chỗ chia tay.

Cũng có một số lượng lớn các gia đình trẻ tan vỡ do sự can thiệp, áp đặt của các bà mẹ vợ.

Một số bà mẹ kỳ vọng quá cao vào cuộc hôn nhân của con gái, gắn hạnh phúc nửa cuối đời mình với việc gả con, nên nêu yêu cầu rất cao đối với chàng rể, chê bai người yêu con mình “không có sự nghiệp”, “không môn đăng hộ đối”, “không có tiền”…khi con yêu đương đã phản đối, sau khi cưới vẫn phản đối; điều này khiến một số chàng rể cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương hoặc chán chường trước những lời lẽ lạnh nhạt và ánh mắt ghẻ lạnh của mẹ vợ, tất yếu dẫn đến hôn nhân tan vỡ.

Áp lực cuộc sống quá lớn

Kết hôn, có nghĩa là cuộc sống mất tự do và áp lực ập đến; hầu như cặp vợ chồng trẻ nào sau khi cưới cũng nợ nần chồng chất: nhà mất mấy triệu tệ, xe hơi hơn trăm ngàn, sau khi cưới 2-3 năm phải sinh con, nuôi người già.

Những áp lực đó nhiều khi lớn hơn cả tình yêu, vượt quá giới hạn chịu đựng của một gia đình trẻ.

Nếu sống cùng nhau thì một người kiếm tiền, một người chăm lo gia đình, có thể giảm bớt áp lực nợ nần; nhưng nếu sống hai nơi xa nhau thì sớm muộn tình cảm vợ chồng cũng nhạt dần; khi tình cảm vợ chồng gặp sóng gió, họ không nghĩ đến chuyện cùng nhau giải quyết mà chỉ nghĩ đến chuyện chia tay.

Sợ so sánh, phân bì với bạn bè, những người xung quanh cũng là thứ dây dẫn khiến hôn nhân tan vỡ.

Khi mà người vợ luôn so sánh chống mình với những người giàu có, thành đạt…rất dễ gây nên áp lực lớn, hai bên oán trách nhau, lâu dần phát triển thành mâu thuẫn rồi thất vọng và kết cục là chia tay nhau.

Đầu năm 2018, "Viện nghiên cứu Trung thương sản nghiệp" công bố kết quả điều tra về tình trạng hôn nhân khiến mọi người giật mình: 6 tháng đầu năm 2017, toàn Trung Quốc có 5 triệu 580 ngàn cặp đăng ký kết hôn, nhưng lại có 1 triệu 850 ngàn cặp ly hôn; trong đó tỷ lệ ly hôn của các cặp vợ chồng 8X, 9X so với số kết hôn tới 51%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại