Hiện tượng "chết trong cô độc" gây ám ảnh ở Hàn Quốc: Chính phủ ra sức ngăn chặn nhưng số lượng vẫn tăng lên khi xã hội siêu già hóa

Nguyễn Phượng |

'Godoksa' là thuật ngữ để nói về những cái chết trong cô độc. Số lượng godoksa những năm gần đây ngày càng tăng và được cho là hậu quả của tình trạng dân số già đi nhanh chóng.

Những bia mộ không người thân

Hồi tháng Chín, một người đàn ông ngoài 60 tuổi được tìm thấy đã chết trong căn hộ dành cho người có thu nhập thấp tại quận Songpa, phía nam thủ đô Seoul của Hàn Quốc.

Theo Korea Times, trong lúc cảnh sát và nhân viên cứu hỏa đang tìm hiểu nguyên nhân khiến hệ thống báo động tại tòa nhà dừng hoạt động, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể nạn nhân sau 2 tuần người này qua đời. Những người hàng xóm cho hay nạn nhân sống một mình và không liên lạc với người thân trong gia đình.

Cảnh sát kết luận trường hợp tử vong của nạn nhân ngoài 60 tuổi là "godoksa", ám chỉ người chết tại nhà trong cô đơn và phải mất nhiều ngày sau thi thể mới được phát hiện.

Hiện tượng chết trong cô độc gây ám ảnh ở Hàn Quốc: Chính phủ ra sức ngăn chặn nhưng số lượng vẫn tăng lên khi xã hội siêu già hóa - Ảnh 1.

Tình nguyện viên Phật giáo cùng nhân viên của tổ chức phi lợi nhuận cầm bài vị những người "chết trong cô độc" tại một lò hỏa thiêu ở Goyang. Ảnh: AFP

Một trường hợp khác là cụ bà 88 tuổi, gặp khó khăn tài chính sau khi con trai qua đời. Bà chết sau khi trung tâm phúc lợi người cao tuổi, nơi thường xuyên cung cấp bữa ăn miễn phí cho bà, đóng cửa vì Covid-19.

Theo luật pháp Hàn Quốc, "godoksa" (chết trong cô độc) là tình huống người sống một mình, xa cách gia đình hoặc họ hàng, chết do tự tử hoặc ốm đau và thi thể chỉ được tìm thấy "sau khoảng thời gian nhất định".

Năm 2021, Hàn Quốc ghi nhận 3.378 ca godoksa, tăng so với 2.412 ca năm 2017, theo báo cáo do Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc công bố tuần trước. Đây là báo cáo đầu tiên từ khi chính phủ Hàn Quốc ban hành Luật quản lý và ngăn chặn cái chết cô độc năm 2021. Báo cáo được cập nhật 5 năm một lần để giúp đưa ra "chính sách ngăn chặn cái chết cô độc".

Tính theo khu vực, số trường hợp "godoksa” nhiều nhất là ở tỉnh Gyeonggi với 3.185 người, theo sau là Seoul 2.748, và Busan 1.408. Thành phố Sejong ghi nhận mức thấp nhất với 54 vụ.

Những ca godoksa xảy ra ở nhiều nhóm nhân khẩu học, nhưng báo cáo cho thấy đàn ông trung niên và cao tuổi là nhóm có nguy cơ cao nhất. Số đàn ông chết trong cô độc gấp 5,3 lần so với phụ nữ năm 2021, tăng 4 lần so với năm 2017.

Những người ở độ tuổi 50 và 60 chiếm tới 60% số ca chết trong cô độc năm ngoái, theo sau là người trong độ tuổi 40 và 70. Người trong độ tuổi 20 và 30 chiếm 6% đến 8%.

Kết quả này không khiến ông Kim Sae-byul ngạc nhiên. Ông là người phụ trách xử lý những trường hợp godoksa tại Hàn Quốc 12 năm qua. Kể từ khi thành lập công ty từ năm 2010, ông Kim chứng kiến hàng nghìn cái chết cô độc, chủ yếu ở Seoul và các khu vực lân cận.

Hiện tượng chết trong cô độc gây ám ảnh ở Hàn Quốc: Chính phủ ra sức ngăn chặn nhưng số lượng vẫn tăng lên khi xã hội siêu già hóa - Ảnh 2.

Đàn ông trung niên ở Hàn Quốc sống cô độc sau khi ly hôn hoặc nghỉ hưu sớm. Ảnh: Yonhap

Trong một phỏng vấn với Korea Times, ông Kim ước tính số lượng nam giới chết một mình có thể nhiều hơn số liệu chính phủ đưa ra.

Hàn Quốc đau đầu trước sự gia tăng của "godoksa"

Hiện nay, các báo cáo đều không nêu rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Nhưng "godoksa” đã được nghiên cứu trong nhiều năm khi giới chức cố tìm hiểu điều gì thúc đẩy tình trạng chết cô độc và làm thế nào để hỗ trợ tốt hơn cho những người dễ bị tổn thương.

"Để chuẩn bị cho một xã hội siêu già hóa, cần tích cực ứng phó hiện tượng chết cô độc", cơ quan nghiên cứu luật pháp Hàn Quốc tuyên bố trong thông cáo báo chí hồi đầu năm, đồng thời nhấn mạnh chính phủ ưu tiên "nhanh chóng xác định các trường hợp sống tách biệt với xã hội".

Hàn Quốc là một trong số vài quốc gia châu Á trong đó có Nhật Bản và Trung Quốc, đang đối mặt tình trạng suy giảm nhân khẩu học, khi người dân sinh con muộn hơn và ít hơn.

Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc giảm đều từ năm 2015. Các chuyên gia đổ lỗi cho nhiều yếu tố như văn hóa làm việc khắc nghiệt, chi phí sinh hoạt tăng cao, tiền lương trì trệ khiến người dân không muốn sinh con. Đồng thời, lực lượng lao động thu hẹp làm dấy lên e ngại không đủ nhân sự hỗ trợ người cao tuổi trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ tại nhà. Hậu quả là hàng triệu người già đang vật lộn để tự sinh tồn.

Hiện tượng chết trong cô độc gây ám ảnh ở Hàn Quốc: Chính phủ ra sức ngăn chặn nhưng số lượng vẫn tăng lên khi xã hội siêu già hóa - Ảnh 3.

Mục sư cầu phúc trước ban thờ tạm cho hai người "chết cô độc" trong phòng chờ ở lò hỏa táng tại Goyang ngày. Ảnh: AFP

Tính đến năm 2016, hơn 43% người Hàn Quốc trên 65 tuổi sống dưới mức nghèo khổ, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cao hơn gấp ba lần mức trung bình của những quốc gia khác trong khối OECD.

Cuộc sống của người trung niên và cao tuổi Hàn Quốc đang "xấu đi nhanh chóng" nếu bị loại khỏi thị trường lao động và thị trường nhà ở. Đây là nguyên nhân chính "dẫn tới tử vong", Song In-joo, nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm phúc lợi Seoul, viết trong nghiên cứu năm 2021 về cái chết cô độc.

Bàn về nguyên nhân gây nên "godoksa", ông Kim Sae-byul cho biết, nghèo đói và thất nghiệp là những khó khăn phổ biến ở những trường hợp chết trong cô độc, bất kể giới tính nào cũng gặp phải. Tuy nhiên, đàn ông trung niên có vẻ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đối phó với những áp lực này.

Khoảng 90% nam giới ông Kim từng tiếp xúc đều sống một mình sau khi ly hôn và mất liên lạc với con cái. Họ thất nghiệp hoặc chỉ đủ kiếm sống bằng cách làm việc tại các công trường xây dựng. Những yếu tố này khiến họ cảm thấy cuộc sống không còn nhiều ý nghĩa.

Chưa kể, ở những thành phố lớn như Seoul, nơi giá nhà cao chót vót, những căn hộ kiểu chật chội hay nhà bán hầm là lựa chọn duy nhất. Ngoài điều kiện sống tồi tàn, họ còn có nguy cơ bị cô lập. Theo nghiên cứu năm 2021, những kiểu nhà này "bị coi là khu ổ chuột và bị kỳ thị", nhiều người sống tại đây mặc cảm và không giao lưu với người khác.

Ông Kim cũng nêu rằng thói quen uống rượu quá mức và các vấn đề sức khỏe khác là điểm chung của những người đàn ông chết một mình. Nhiều người được phát hiện mắc các bệnh liên quan việc uống rượu như xơ gan. Một số trường hợp tử vong do bị ngã lúc say.

Bà Song In-joo, nhà nghiên cứu tại Quỹ Phúc lợi Seoul, người chuyên nghiên cứu về sự cô lập xã hội và những cái chết đơn độc, nhận thấy những người đàn ông sống một mình thường chịu cảm giác cô độc nhiều hơn phụ nữ, bao gồm sự cô độc về cảm xúc và thể chất.

Dù nghỉ hưu sớm hay ly hôn, đàn ông vẫn có xu hướng bị cô lập nhiều hơn phụ nữ. Mất địa vị trong xã hội và gia đình chính là nguyên nhân gây ra sự cô lập xã hội ở đàn ông trung niên.

Bà Song nói thêm nhiều đàn ông trung niên không quen làm việc nhà nên có nguy cơ bỏ bê bản thân cao hơn. Khi không đáp ứng được các nhu cầu tâm lý, thể chất thiết yếu, họ cũng có nhiều nguy cơ gặp các bệnh mạn tính.

Sự quan tâm ngày càng lớn của công chúng về tình trạng chết trong cô độc đã thúc đẩy các sáng kiến cấp khu vực và quốc gia những năm qua.

Hiện tượng chết trong cô độc gây ám ảnh ở Hàn Quốc: Chính phủ ra sức ngăn chặn nhưng số lượng vẫn tăng lên khi xã hội siêu già hóa - Ảnh 4.

Đàn ông trung niên thường bỏ bê bản thân khi sống một mình. Ảnh: The Hankyoreh

Năm 2018, chính quyền Seoul công bố chương trình "quan sát khu phố". Thành viên cộng đồng thường xuyên tới thăm các hộ độc thân ở những khu vực dễ bị tổn thương như nhà bán hầm và căn hộ chia nhỏ.

Theo chương trình, bệnh viện, chủ nhà và nhân viên cửa hàng tiện lợi đóng vai trò "người giám sát", thông báo cho nhân viên cộng đồng khi bệnh nhân hoặc khách quen không tới trong thời gian dài, không thanh toán tiền nhà hoặc các chi phí khác.

Một số thành phố như Seoul, Ulsan và Jeonju đã triển khai ứng dụng di động dành cho người sống một mình. Ứng dụng sẽ gửi tin nhắn đến số liên lạc khẩn cấp nếu điện thoại không hoạt động trong một khoảng thời gian.

Các tổ chức như nhà thờ, tổ chức phi lợi nhuận, cũng đẩy mạnh hoạt động tiếp cận cộng đồng và các sự kiện cộng đồng, tiến hành tang lễ cho người chết mà không có người thân tiếp nhận.

Năm ngoái, Luật quản lý và ngăn chặn cái chết cô độc được thông qua là biện pháp mới nhất, toàn diện nhất, yêu cầu chính quyền địa phương thiết lập chính sách để xác định và hỗ trợ cư dân có nguy cơ. Ngoài yêu cầu báo cáo mỗi 5 năm một lần, luật còn yêu cầu chính phủ lập kế hoạch phòng ngừa toàn diện.

Trong thông cáo báo chí ngày 14/12, Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Cho Kyu-hong cho hay Hàn Quốc đang nỗ lực giống "những quốc gia khác, bao gồm Anh và Nhật Bản, gần đây đã đưa ra các chiến lược ứng phó hiện tượng chết trong cô độc".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại