Với câu trả lời công phu, bạn đọc Lã Xuân Linh đã xuất sắc nhận được giải thưởng kỳ này. Xin chúc mừng bạn!
Dưới đây là phần bình luận của bạn Lã Xuân Linh:
Sự thực là liệt kê những loại vũ khí tốt hàng đầu thế giới ra để Việt Nam mua là rất dễ, như T-90MS, BM-30, Spike hay thậm chí là Iskander...
Nhưng ta cần hiểu rằng dù có đầu tư tiền hiện đại hóa lục quân, chúng ta cũng không thể nào nhằm những loại vũ khí hiện đại nhất để mua bởi cần cân bằng yếu tố số lượng và chất lượng.
Bài học về xe tăng của Đức quốc xã thảm bại trước xe tăng Liên Xô đã cho ta thấy chiến tranh không chỉ là cuộc so đo xem bên nào có vũ khí hiện đại hơn.
Ngoài ra còn phải tính đến yếu tố con người, địa hình tác chiến. Vì vậy trước hết nên đặt ra những tiêu chuẩn sau:
- Về con người: người lính quân đội nhân dân Việt Nam có phẩm chất dũng cảm, trung thành, sáng tạo, có khả năng tận dụng triệt để vũ khí khí tài và còn vượt qua giới hạn mà nhà thiết kế cho phép, điều đó đã được thể hiện qua các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc.
Tuy vậy, do vẫn thực hiện chế độ nghĩa vụ thay cho tình nguyện nên trình độ văn hóa của người lính nói chung không thể cao như nhiều nước phát triển, vì vậy vũ khí không nên quá phức tạp, cần dễ sử dụng, bảo trì.
Tuy nhiên nên tránh ngộ nhận rằng vũ khí phức tạp luôn tốt hơn, câu chuyện AK-47 và M-16 đến giờ vẫn còn chưa hết nóng hổi.
- Về địa hình: chiến tranh trên bộ nếu có xảy ra thì chắc chắn sẽ xảy ra ở vùng rừng núi. Đây là điều không tránh khỏi bởi Việt Nam hiện có đường biên giới với 3 nước và đều có rừng núi ngăn cách.
Như vậy thay vì phải tác chiến trên địa hình rộng lớn như thảo nguyên châu Âu hay sa mạc Trung Đông, chiến trường của chúng ta sẽ là vùng đồi núi, nơi mà phạm vi đấu súng của bộ binh không quá 200-500m. Vì vậy vũ khí không cần phải có tầm bắn quá xa như Spike của Israel, việc mua Spike chả khác nào nèm tiền ra ngoài cửa sổ.
- Về kinh tế: Việt Nam không phải là nước phát triển, chúng ta dù có đầu tư cho lục quân cũng không thể nào mua về những vũ khí hiện đại nhất là phải nhận thức được đâu mới là những mũi nhọn cần ưu tiên hiện đại hóa.
Chưa kể việc tự lực sản xuất vũ khí cũng rất quan trọng, đóng vai trò sống còn nếu chiến tranh hiện nay có xảy ra.
Đây không còn là thời kỳ chiến tranh Lạnh, khi mà khối XHCN thoải mái viện trợ cho ta nữa, các mối ràng buộc trên trường quốc tế chắc chắn sẽ khóa tay bạn hàng của chúng ta kể cả họ có muốn hỗ trợ ta đến đâu đi chăng nữa.
Chúng ta sẽ không muốn rơi vào trường hợp của Argentina, không đủ tên lửa đối hạm để đánh với Anh trong 1 cuộc chiến trên biển chỉ vì Pháp từ chối cung cấp.
Về đối thủ tiềm tàng: đối thủ tiềm tàng của lục quân Việt Nam hiện nay sở hữu các loại xe tăng hiện đại, hàng ngàn hệ thống pháo cơ động, trang bị đạn dẫn đường chính xác cao, quân số đông, trang bị tương đối tốt (nếu so với phía ta) và có quân số đông.
Tuy nhiên kinh nghiệm tác chiến không cao, lịch sử chiến tranh chỉ thắng được 1-2 lần tuy nhiên không vì thế mà ta khinh suất. Vậy ta hãy cùng xem xét đâu là những mũi nhọn ta cần tập trung “hiện đại hóa” như dưới đây.
Tổ hợp pháo phản lực Lynx của Azerbaijan nhập từ Israel.
Con người
Không như nhiều ý kiến khác, tôi cho rằng yếu tố cần hiện đại hóa đầu tiên của QĐND Việt Nam chính là con người. Con người ở đây bao hàm cả trang bị vũ khí và trình độ tác chiến.
Việc đề xuất tăng thời gian nghĩa vụ quân sự đã cho thấy rằng vấn đề này là bức thiết bởi thao trường đổ mồ hôi chiến trường bớt đổ máu.
Đây không phải thời kỳ đánh Mỹ, khi mà lính chỉ được huấn luyện 3 tháng cơ bản rồi hành quân vào Nam đánh giặc, ta hoàn toàn có đủ thời gian để xây dựng 1 đội quân thiện chiến theo chuẩn hiện đại với bản sắc Việt Nam.
Cụ thể, ta nên đầu tư vào công tác huấn luyện, tích cực nghiên cứu các cuộc chiến tranh gần đây để đổi mới công tác huấn luyện, huấn luyện cho người lính những kỹ chiến thuật mới của thế giới, ta không thể giữ mãi kỹ chiến thuật của nửa thế kỷ trước nữa mà cần cải tiến.
Tăng cường các cuộc tập trận bắn đạn thật để tăng khả năng hiệp đồng, chỉ huy, ngoài ra còn có các cuộc tập trận đối kháng sử dụng súng laser nhằm tăng kỹ chiến thuật cho người lính.
Về mặt trang bị, nhanh chóng nâng cấp trang bị cho người lính tuyến đầu với áo chống đạn chuẩn III , mũ sắt, các trang bị khác,..nhưng cũng cần đảm bảo về trọng lượng không được quá nặng và bất tiện.
Về vũ khí, cần sớm đưa vào trang bị các loại súng bộ binht thế hệ mới, súng chống tăng mới như RPG-29... thiết bị thông tin liên lạc, định vị hiện đại...
Tổ hợp pháo tự hành Msta-S của Nga.
Cơ giới hóa
Yếu tố thứ 2 là cơ giới hóa: Các quân đoàn chủ lực của ta đều có các sư đoàn bộ binh cơ giới, đây là nắm đấm thép đi đầu, vì thế cần ưu tiên hiện đại hóa lực lượng này.
Về xe tăng, ta nên mua các xe tăng T-90S của Nga vốn đã được thử lửa xuất sắc ở chiến trường Syria khi mà đến cả tên lửa TOW cũng phải bất lực trước lớp giáp thép và các hệ thống phòng hộ của nó.
Tuy nhiên T-90 có nhiều phiên bản, ta có thể lựa chọn giữa T-90S, T-90SV tương đương T-90SA của Algeria với hệ thống Shtora và T-90MS. Tuy nhiên nếu so với các đối thủ tiềm tàng thì việc mua T-90MS là không cần thiết.
Vì thế ta nên tập trung vào T-90S giống như Ấn Độ. Ngoài ra các xe tăng T-54 nên nâng cấp lên chuẩn M5 hoặc AMV với giáp ERA mới cùng hệ thống điều khiển hỏa lực, sẽ giúp T-54 hoản thành tốt nhiệm vụ yểm trợ bộ binh.
Các xe bọc thép bánh lốp và bánh xích có thể cân nhắc là BMP-3, BMP-2M, BTR-82, ngoài ra có xe hỏa lực Sprut-SD sẽ thay thế PT-76 rất tốt. Các xe thiết giáp phương Tây hoàn toàn không có cơ hội bởi đơn giản là nó quá đắt và không thể bơi, chưa kể là hỏa lực chống công sự kém cỏi.
Về pháo binh, ta cần cân nhắc giữa 2 cỡ đạn 152mm và 155mm bởi hiện nay, từ khi Trung Quốc chuyển sang dùng 155, thì chỉ còn có Nga và các nước có trong trang bị vũ khí LX cũ là trung thành với cỡ đạn 152mm.
CEASAR là 1 mẫu pháo… tồi, và đó là mẫu pháo mà ta không nên chọn bởi tính tự động hóa kém, thời gian triển khai lâu, tốc độ bắn chậm, khả năng bảo vệ không hơn gì 1 cái pháo xe kéo, CEASAR sẽ không phải là lựa chọn khôn ngoan dù rằng nó là pháo bánh lốp, tức là chi phí thấp.
Ưu thế điều khiển bắn cũng quá tầm thường bởi hệ thống pháo tự hành nào ngày nay cũng có, vì thế nên ta cần cân nhắc các loại pháo sau: Msta-S, Nona và Msta-B (dành cho lực lượng pháo xe kéo) của Nga, SpGH DANA của CH Séc.
Archer của Thụy Điển, G6 của Nam Phi. Các loại pháo trên có khả năng bảo vệ tốt, điều khiển hỏa lực hiện đại và tốc độ bắn nhanh, người lính không cần phơi mình ra ngoài trận địa như CEASAR.
Về pháo phản lực, ta nên mua BM-30 Smerch bơi các lý do tầm bắn và sức hủy diệt không có loại pháo nào trên thế giới sánh bằng với các loại đạn thông thường, đạn con chống tăng...
Tên lửa chống tăng
Ta nên bỏ ý định với Spike bởi nó quá đắt, chưa kể với kiểu đầu dò tự động, nó dễ dàng để mất mục tiêu trong địa hình rừng núi, hơn nữa tầm bắn của nó cũng là không cần thiết, chưa kể đến việc ta chắc chắn sẽ không có khả năng tự sản xuất.
Vì vậy ta cần cân nhắc các loại sau: Kornet, Metis-M của Nga với tầm bắn tốt, uy lực mạnh.
Kornet ở Iraq đã xuyên thủng giáp trước tháp pháo của M1A1M Abrams, như Metis còn có ưu thế nhẹ, dễ mang vác và triển khai nhanh không kém gì súng chống tăng vác vai, khả năng được chuyển giao công nghệ là rất cao và giá thành rẻ.
Ngoài ra cũng có thể cân nhắc Shershen của Belarus với khẳ năng điều khiển giá phóng từ xa.
Vấn đề quan trọng nữa là tập trung phát triển công nghiệp quốc phòng để đủ sức làm ra các vũ khí hiện đại, nâng cao sức chiến đấu, đủ sức tiếp nhận công nghệ được chuyển giao nếu có.
Ngoài ra còn nhiều loại vũ khí khác như súng nhiệt áp, súng bắn tỉa, UAV, thiết bị thông tin, định vị nhưng do dung lượng bài viết có hạn, xin dừng ở đây và hẹn các dịp khác.
Pháo phản lực bắn loạt BM-30 Smerch của Nga.
Vũ khí chiến dịch, chiến lược và răn đe
Ngoài BM-30 Smerch đã đề cập, việc mua Iskander là lựa chọn sáng suốt, đây là loại tên lửa đạn đạo hiện đại nhất thế giới, khiến Nga tự tin đánh bại lá chắn tên lửa của Mỹ. Ở Gruzia năm 2008, Iskander đã tiêu diệt 28 xe tăng của nguyên 1 tiểu đoàn chỉ trong 1 phát bắn.
Với cơ chế dẫn đường hiện đại bằng GPS hoặc GLONASS cùng các cơ chế khóa mục tiêu khác, Iskander sẽ là thứ vũ khí răn đe hiệu quả, cũng như là con át chủ bài nếu ta muốn tiêu diệt các mục tiêu tập trung quân lớn, "tiên phát chế nhân" khi mà địch còn đang tập trung lực lượng chuẩn bị tiến đánh.
Ngoài ra cần nghiên cứu cải tiến các đạn tên lửa như Scud, phối hợp với nước ngoài để nâng cao tầm bắn và độ chính xác, nếu xét về quan hệ quốc tế của Việt Nam với 1 số nước sở hữu công nghệ tên lửa tiên tiến thì đây là điều hoản toàn khả thi chứ không khó khăn như nhiều người vẫn nghĩ.
Ở Yemen Tochka, tiền thân của Iskander đã gây ra nỗi kinh hoàng cho quân đội Saudi, đã cho thấy tầm quan trọng của tên lửa chiến dịch trong chiến tranh hiện đại.