Hiểm họa từ những mùa đông không tuyết

Bảo Hạnh |

Một số nhà nghiên cứu dự đoán trong vòng 35-60 năm nữa, các bang miền núi ở Mỹ sẽ lâm vào cảnh không tuyết trong nhiều năm liên tiếp nếu lượng phát thải khí nhà kính trên thế giới không giảm nhanh chóng.

Núi Mammoth thuộc dãy núi Sierra Nevada. Ảnh: LA Times

Núi Mammoth thuộc dãy núi Sierra Nevada. Ảnh: LA Times

Dọc theo dãy núi Rocky, thời tiết của mùa đông này ấm và khô một cách bất thường.

TP Denver, bang Colorado - Mỹ vừa lập kỷ lục về đợt tuyết đầu tiên ít nhất trong mùa đông từ trước đến nay. Chưa hết, TP Salt Lake hoàn toàn không có tuyết trong suốt tháng 11-2021, lần thứ hai kể từ năm 1976.

Các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở bang Colorado cũng hoãn mở cửa vì nhiệt độ cao đến mức không thể tạo ra nhiều tuyết giả.

Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Reviews Earth and Environment, tình trạng mùa đông không có tuyết rơi hiện vẫn còn hiếm nhưng sẽ trở nên phổ biến hơn nhiều vào đầu những năm 2040.

Sau nhiều năm quan sát các lớp băng tuyết, một số nhà nghiên cứu dự đoán trong vòng 35-60 năm nữa, các bang miền núi ở Mỹ sẽ lâm vào cảnh không tuyết trong nhiều năm liên tiếp nếu lượng phát thải khí nhà kính trên thế giới không giảm nhanh chóng. Điều này có thể ảnh hưởng đến mọi thứ, từ cháy rừng đến nước uống.

Nghiên cứu được thực hiện với 2 mục đích. Đầu tiên, các tác giả muốn nêu bật số lượng tuyết ít ỏi trong nhiều thập kỷ qua và những năm sắp tới.

"Đây không phải là vấn đề trong một tương lai giả định" - trích lời bà Erica Siirila-Woodburn, một nhà khoa học nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley và là 1 trong những tác giả chính của nghiên cứu.

Các bang miền núi ở Mỹ đã mất 20% lượng tuyết kể từ những năm 1950 và có thể mất thêm 50% nữa vào cuối thế kỷ XXI.

Bà Siirila-Woodburn cho biết thêm mục đích thứ 2 của nghiên cứu là cung cấp thông tin chính xác và hữu ích hơn cho các nhà quản lý nước và hoạch định chính sách. Họ cần thông tin cụ thể về thời gian chuẩn bị cho tương lai có ít tuyết hơn.

Để làm được điều này, các nhà nghiên cứu tạo ra các mô hình phân loại mức độ mất tuyết trên 4 vùng núi. Ví dụ, vào tháng 4-2015, lượng băng tuyết trên đỉnh Sierra Nevada chỉ được 5% so với bình thường. Điều này bị các nhà nghiên cứu mô tả là một sự kiện "cực đoan".

 Hiểm họa từ những mùa đông không tuyết  - Ảnh 1.

Ảnh: Denverite

Dù vậy, những sự kiện cực đoan như thế tiếp diễn ra với tần suất lớn hơn, tình trạng "ít tuyết đến không có tuyết" cũng sẽ trở nên phổ biến hơn.

Tình trạng mất tuyết liên tục, được định nghĩa là khi ít nhất một nửa khu vực có lượng tuyết rơi ít hoặc không có tuyết trong 10 năm liên tiếp, có thể bắt đầu ở bang California vào cuối những năm 2050, khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương vào đầu những năm 2060 và ở vùng Thượng Colorado cuối những năm 2070.

Tác động của biến đổi này không chỉ là việc các khu trượt tuyết bị đóng cửa. Nghiên cứu chỉ ra rằng lượng tuyết giảm đang góp phần gây ra một vấn đề khác ở phương Tây: những trận cháy rừng cực đoan.

Tuyết rơi ít sau những trận cháy rừng có thể khiến các khu rừng khó phục hồi hơn. Bà Anne Nolin, một nhà thủy văn học về tuyết và là giáo sư tại Trường ĐH Nevada (Mỹ), nhận định: “Tuyết có ý nghĩa quan trọng sau đám cháy".

Việc mưa rơi nhiều hơn tuyết có thể làm thay đổi vĩnh viễn loại thực vật mọc trở lại, cũng như cấu trúc của đất và dẫn đến các vấn đề như xói mòn.

 Hiểm họa từ những mùa đông không tuyết  - Ảnh 2.

Một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở bang Colorado - Mỹ. Ảnh: iStock

Tuy nhiên, chịu tác động lớn nhất của hiện tượng không tuyết có lẽ là nguồn cung cấp nước. Khoảng 75% lượng nước được sử dụng ở miền Tây nước Mỹ đến từ tuyết tan. Ví dụ như nguồn nước từ sông Colorado được lấy từ núi tuyết và cung cấp nước uống cho hơn 40 triệu người. Các con sông ở phía Tây cũng cũng tạo ra điện và cung cấp nước tưới cho hàng triệu mẫu đất nông nghiệp.

Những khu vực khô hạn khác, như thung lũng San Joaquin ở bang California, đang đối mặt với khủng hoảng nước vì hạn hán và các tầng chứa nước bị thu hẹp. Với việc băng tuyết ít đi, hạn hán kéo dài và nước ngầm bị hút cạn do nông nghiệp, nhiều cộng đồng dân cư đã không được tiếp cận với nguồn nước uống.

Các tác giả đã đề xuất những biện pháp tiềm năng trong nghiên cứu, như sử dụng các dự báo thời tiết và thủy văn để giải phóng hoặc trữ nước có chọn lọc để phục vụ chuyện kiểm soát lũ lụt hoặc nạp lại nước ngầm và các tầng chứa nước để trữ nước. "Vấn đề chính là phải cố gắng chủ động trong tất cả hành động này"" - trích lời ông Alan Rhoades, nhà khoa học nghiên cứu thủy khí hậu tại Berkeley Lab, đồng thời là một trong những tác giả chính của nghiên cứu.

Ông Paul Brooks, một nhà thủy văn học tại Trường ĐH Utah (Mỹ), cho biết những thay đổi liên quan đến tuyết là 1 trong những mối đe dọa lớn nhất từ biến đổi khí hậu mà con người phải đối mặt. "Vài thập kỷ tới, các nhà nghiên cứu, quản lý và hoạch định chính sách cần bắt tay nhau để giải quyết những thách thức này" - ông Brooks thúc giục.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại