Trên thế giới có tổng cộng 10 quốc gia sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) trong chiến đấu.
"Cởi trói"
Mỹ là nước đầu tiên dùng các drone vũ trang sau vụ khủng bố 11-9. Theo sau đó, các nước Azerbaijan, Iran, Iraq, Israel, Nigeria, Anh... cũng đưa cỗ máy lợi hại này vào các hoạt động tác chiến.
Dưới thời chính quyền của Tổng thống Barack Obama, hoạt động sử dụng drone vũ trang chống lại các nghi phạm khủng bố ở các quốc gia mà Mỹ không đối đầu chiến tranh như Libya, Pakistan, Somalia và Yemen, gia tăng đột biến.
Một số quốc gia dùng drone để tiêu diệt chính công dân của mình. Cả Mỹ và Anh đều tiến hành các cuộc không kích chống lại công dân của mình ở nước ngoài, trong khi Israel cũng không kích bằng drone ở lãnh thổ Palestine.
Các nước như Nigeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Iraq tiến hành không kích bằng drone bên trong biên giới. 19 nước khác cũng trang bị drone vũ trang nhưng không sử dụng trong chiến đấu.
Trong khi đó, một số nhóm nổi dậy và khủng bố dùng drone cho cả mục đích theo dõi và tấn công, trong đó có Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Hezbollah, Hamas và phiến quân Houthi ở Yemen.
Phong trào Hồi giáo Vũ trang Hezbollah ở Lebanon là tổ chức phi nhà nước đầu tiên sử dụng drone cấp độ quân sự cho hoạt động giám sát. Nhóm này còn sử dụng các drone vũ trang ở Syria.
Hamas - tổ chức dân quân Hồi giáo kiểm soát dải Gaza, cũng mua các máy bay không người lái cấp độ quân sự trong khi IS tự chế những vũ khí hiểm độc bằng cách gắn thuốc nổ vào những drone xuất xứ mờ ám.
Phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen còn điều khiển các tàu không người lái để tấn công tàu của Ả Rập Saudi.
Do các lo ngại về nhân quyền, cho tới năm nay, Mỹ mới bắt đầu "cởi trói" chính sách để bán các drone vũ trang cho các đồng minh thân cận như Anh, Pháp, Ý. Điều này phần nào tạo cơ hội cho Trung Quốc lấn lướt trên thị trường. Ngoài ra, nếu nói về các nhà cung cấp nổi trội về drone quân sự cũng không thể thiếu Israel.
Theo đài CNN, Trung Quốc không có tên trong Hiệp ước Kiểm soát Công nghệ Tên lửa (MTCR) – vốn được tạo ra để hạn chế phát triển các tên lửa, công nghệ tên lửa và các vũ khí hủy diệt khác.
Bởi Bắc Kinh chưa thông qua hiệp ước, các nhà sản xuất drone quân sự nước này thoải mái xuất khẩu mà không phải chịu nhiều giới hạn liên quan. Do đó, các thương vụ mua bán drone Trung Quốc bùng nổ mạnh.
Tham vọng
Để chen chân vào những nơi được coi là thị trường vũ khí truyền thống của Mỹ và tìm cách khiến sản phẩm do Israel sản xuất lép vế, Trung Quốc sẵn sàng phục vụ "thượng đế" các drone giá rẻ, vũ khí tấn công đi kèm mà không đặt bất cứ điều kiện gì.
Theo Reuters, các phiên bản giá rẻ của drone vũ trang Trung Quốc được cho là "bản sao" của những drone khét tiếng của Mỹ như MQ-9 Reaper, đã bắt đầu xuất hiện ở nhiều nước châu Phi, Trung Đông và Trung Á.
Điều này báo hiệu khả năng chiếm lĩnh thị phần của Trung Quốc từ những "ông lớn" như Công ty Hệ thống Hàng không Nguyên tử Thông dụng (GA-ASI) của Mỹ và Công ty Hàng không Công nghiệp Israel (IAI).
Tại triển lãm hàng không ở Singapore hồi tháng 2, nhà thầu quốc doanh Trung Quốc - Tập đoàn Xuất Nhập khẩu Công nghệ Hàng không Quốc gia (CATIC) đã trình diễn 2 phiên bản của máy bay trinh sát - tấn công.
Drone này giá khoảng 5 triệu USD trong khi một hệ thống do Mỹ chế tạo lên tới 100 triệu USD. Do đó, phiên bản của Trung Quốc rõ ràng có thể câu kéo những nền quân sự túi tiền eo hẹp, theo chuyên gia phân tích cấp cao về phòng thủ và hàng không Ben Moores của tạp chí quốc phòng Jane’s by IHS Markit.
Hồi tháng 2-2017, Tân Hoa Xã loan tin Trung Quốc vừa giành được đơn hàng drone quân sự sản xuất nội địa lớn chưa từng thấy ở nước ngoài từ một bên mua giấu tên. Tuy vậy, giới chuyên gia phân tích tỏ ra thận trọng với thông tin này.
"Chúng ta chưa thấy bất cứ quân đội hàng đầu nào xung quanh mua các UAV Trung Quốc" - ông Moores vạch rõ, trong đó đề cập tới thuật ngữ UAV - nghĩa là phương tiện bay không người lái, một cách gọi khác của drone.
Dù không phủ nhận sức hấp dẫn của drone Trung Quốc với khách hàng ở khía cạnh giá rẻ và điều kiện dễ thở, song giới phân tích cũng khẳng định Trung Quốc vẫn chưa thể nẫng tay trên bất cứ thương vụ nào từ các nhà sản xuất Mỹ cũng như Israel và cho tới nay, họ cũng mới chỉ bán cho những khách hàng không thể với tới "hàng xịn" của Mỹ và Israel.
Các nhà sản xuất phương Tây tại triển lãm hàng không lớn nhất châu Á nói trên ở Singapore thừa nhận sự hiện diện ngày càng gia tăng của đối thủ Trung Quốc. Tuy vậy, họ khẳng định khách hàng sẽ không coi nhẹ kinh nghiệm nhiều năm của họ và để mắt tới một phiên bản thay thế rẻ tiền hơn và kém tin cậy hơn.
Tiền nào của nấy
Jane’s by IHS Markit dự đoán những nước như Sri Lanka, Kazakhstan và Philippines có thể tham gia vào thị trường drone Trung Quốc, trong khi Malaysia có khả năng đang tìm kiếm 24 chiếc và Indonesia muốn mua 20 chiếc.
Ông Joseph Song - Phó Chủ tịch phát triển chiến lược quốc tế của GA-ASI, nhà sản xuất MQ-9 Reaper - chia sẻ: "Nếu nhìn vào chiếc Wing Loong, trông nó giống phiên bản của chúng tôi. Tôi không biết tại sao họ lại làm theo cách đó nhưng họ có lao động rẻ, họ có thể đã làm nhái theo".
Vị lãnh đạo doanh nghiệp này cũng nhấn mạnh câu chuyện không dừng lại ở việc sản xuất một chiếc máy bay, điều quan trọng là làm nó như thế nào. "Chúng tôi đã bay 5 triệu giờ với chiếc MQ-9 Reaper. Tất cả UAV trên thế giới cộng lại cũng chưa đạt tới điều đó" - ông Song cho biết thêm.
Trong khi đó, phía IAI nói rằng họ có 40 năm kinh nghiệm với 70 khách hàng trên khắp 55 quốc gia. Điều đó có nghĩa là những drone nước này - không giống như Trung Quốc, đã được thử lửa qua nhiều chu kỳ phát triển và chứng tỏ sức mạnh trong thực chiến.
"Không thể đi tắt 40 năm xuống 5 năm... Tôi tin rằng khách hàng đánh giá cao sản phẩm tốt và sẵn sàng trả thêm tiền. Khi bạn mua (drone) Trung Quốc bây giờ, tiền nào của nấy thôi" - Phó Giám đốc điều hành tiếp thị và bán hàng của IAI Dany Eshchar nói.