Hiện nay cả nước có 412 trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ); như vậy bình quân mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 6,6 trường ĐH, CĐ. Tính đến thời điểm này, Việt Nam có khoảng 2,2 triệu sinh viên trong tổng dân số 95 triệu dân, cao hơn cả các quốc gia phát triển.
Tuy nhiên, một sự thất đáng buồn là tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam rất lớn. Tính đến quý 2/2016, cả nước có hơn 1,12 triệu lao động thất nghiệp, trong đó, 47% tổng số người thất nghiệp ở độ tuổi thanh niên (15-24 tuổi).
Điều khá "sốc" là tỷ lệ thất nghiệp của lao động có trình độ đại học trở lên cao nhất, trong khi lao động có bằng nghề, trung cấp lại rất thấp.
Từ thực tế này có thể một phần nào hiểu rõ được trình độ đào tạo của các trường ĐH, CĐ và chất lượng sinh viên của Việt Nam đến đâu.
Hồi cuối tháng 4/2016, nhiều người choáng váng khi biết một thông tin khá "sốc": Chỉ với 1,5 ngày, Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam lại cho ra lò một tiến sĩ!
Trong khi đó, thực tế đau lòng là hàng trăm sinh viên, thạc sĩ... sau khi tốt nghiệp phải quay trở lại học bằng nghề, trung cấp để dễ dàng tìm cơ hội việc làm.
Nhiều nhà tuyển dụng cho rằng, bằng cấp đã trở nên quá "cổ hủ" khi thứ họ cần chính là kinh nghiệm, tay nghề và kỹ năng sống. Trong khi đó, đây là những "điểm chết" của hầu hết các cử nhân đại học.
Hiện tượng khá phổ biến hiện nay là học lên cao vì không xin được việc. Hay nói cách khác, có thể nói, học cao là “cứu cánh” để tránh... thất nghiệp!
Chưa hết, kỷ nguyên công nghệ đang dần hình thành, máy móc sẽ thay thế con người trong lao động. Vậy thử hỏi, khi đó, bao nhiêu lao động Việt sẽ thất nghiệp?