Theo các nhà quan sát, cuộc tấn công xảy ra tại căn cứ quân sự Meron, được thực hiện bằng tên lửa dẫn đường chống tăng Almas -3 do Iran sản xuất.
Đây không phải lần đầu Hezbollah sử dụng loại vũ khí này. Trước đó, vào tháng 1 năm nay, lực lượng này đã sử dụng tên lửa Almas trong cuộc tấn công một tiền đồn quân sự của Israel gần biên giới.
EL/M-2084 là radar AESA (Mảng quét điện tử chủ động) đa nhiệm tiên tiến được phát triển bởi Israel Aerospace Industries (IAI). Radar đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới phòng thủ nhiều lớp của Israel, thực hiện nhiệm vụ phát hiện và theo dõi trong hệ thống Iron Dome (Vòm Sắt). Radar cung cấp khả năng phát hiện và theo dõi với độ phân giải cao đối với cả mục tiêu trên không và trên mặt nước. Hoạt động trên tần số băng tần S, đảm bảo radar hoạt động với hiệu suất mạnh mẽ ngay cả trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Một khẩu đội Iron Dome tiêu chuẩn bao gồm radar EL/M-2084, bộ điều khiển tên lửa và một số bệ phóng, mỗi bệ được trang bị 20 tên lửa đánh chặn, cung cấp phạm vi bao phủ 360 độ và khả năng phản ứng nhanh.
Mặc dù được sử dụng chủ yếu trong hệ thống Iron Dome, tính linh hoạt của EL/M-2084 cũng cho phép tích hợp vào các hệ thống phòng thủ tên lửa khác của Israel như David's Sling và Arrow, củng cố chiến lược phòng thủ nhiều lớp.
Trong khi đó, Almas là một loại tên lửa chống tăng (ATGM) được Iran phát triển dựa trên hệ thống Spike của Israel. Vũ khí bao gồm các phiên bản vác vai, phóng từ trên không cũng như khai hỏa từ các phương tiện mặt đất.
Almas tồn tại với hai biến thể đất đối đất và không đối đất. Tên lửa dựa vào dẫn đường bằng dây và hồng ngoại (IR). Được trang bị đầu đạn song song để phá giáp phản ứng nổ, phạm vi của loại đạn diệt tăng này đạt tới 8 km, hoạt động theo nguyên lý "bắn và quên". Cần lưu ý rằng, phiên bản Almas-3 có thể được phóng từ phương tiện phóng hoặc máy bay không người lái.
Theo Topwar