Mang gạo cho nhà nghèo
Có hai gia đình nọ là hàng xóm của nhau, một nhà điều kiện kinh tế rất khá giả, nhà còn lại tương đối bần hàn. Hai nhà vốn dĩ không có ân oán gì, bình thường quan hệ láng giềng rất tốt.
Thế nhưng có một năm, trời không thuận ý người nên thiên tai triền miên, mùa vụ mất trắng. Không có thu hoạch, lại không có của tích lũy nên gia đình nhà nghèo kia lâm vào cảnh khốn đốn cùng cực.
Khi đó, nhà hàng xóm giàu có đã nghĩ cách giúp đỡ những người gặp hoạn nạn trong khu vực. Họ mua khá nhiều lương thực để giúp láng giềng vượt qua cơn bĩ cực. Nhà người nghèo bên cạnh cũng được họ cho 1 bát gạo để ứng cứu.
Khỏi phải nói họ đã biết ơn gia đình nhà giàu kia thế nào. Trong mắt họ khi đó, gia đình ấy đúng là ân nhân cứu mạng. Và họ nghĩ rằng đợi qua đợt khổ nạn này, nhất định sẽ tìm cách cảm ơn người đã giúp mình.
Hai gia đình về sau trong lúc nói chuyện với nhau đã đề cập đến chuyện hạt giống để trồng vào năm sau. Gia đình nhà giàu liền hào phóng tặng cho hàng xóm một đấu thóc, nói là để làm giống cho năm tới. Gia đình nhà nghèo lại một lần nữa cảm tạ rồi mang đấu thóc về.
Anh em của gia đình nhà nghèo kia sau khi biết chuyện liền nói:
"Có một đấu thóc thì làm được cái gì? Chừng này chỉ đủ ăn, chứ làm sao đủ để chúng ta làm giống cho vụ tới. Gia đình nhà đó thật quá đáng, lắm tiền như vậy nên cho chúng ta thêm một chút lương thực với tiền, cho có chút xíu thế này, thật keo kiệt."
Câu nói này rồi cũng truyền đến tai nhà giàu và tất nhiên, họ đã rất giận, nghĩ bụng, mình đã cho không họ biết bao lương thực, không những không cảm ơn mà còn ghét mình như kẻ thù, thật không phải con người.
Kể từ đó, quan hệ vốn dĩ tốt đẹp giữa hai nhà trở nên nguội lạnh, hai nhà coi nhau chẳng khác nào kẻ thù.
Một bát gạo tạo nên ân nhân, một đấu gạo tạo nên kẻ thù.
Lại có một câu chuyện tương tự như thế này.
Có một gã ăn mày rách rưới đến gõ cửa nhà anh Vương xin được bố thí, giúp đỡ. Vương thấy cảnh ngộ đáng thương liền đưa cho gã 10 đồng.
Đến ngày thứ 2, gã lại tiếp tục mò đến nhà anh Vương và nhận được thêm 10 đồng nữa. Việc này diễn ra trong suốt 2 năm. Một hôm, "nhà hảo tâm" chỉ đưa cho gã ăn xin 5 đồng.
"Sao lần này anh chỉ cho tôi có 5 đồng?"- gã ăn xin hỏi. Anh Vương liền thủng thỉnh đáp: "Vì tôi đã lấy vợ rồi."
Không ngờ, gã ăn xin liền xông đến trước mặt người đã cho mình tiền suốt 2 năm qua với 1 cái bạt tai: "Chết tiệt, anh dám lấy tiền của tôi mang để nuôi vợ anh à?"
Lòng tham có thể che mờ đi tất cả những đức tính tốt đẹp khác trong mỗi con người.
Bài học rút ra
Thế nên, tục ngữ Trung Quốc mới có câu "Một bát gạo tạo nên ân nhân, một đấu thóc tạo nên kẻ thủ".
Câu nói này ý chỉ rằng: Khi con người lâm vào hoàn cảnh khó khăn thực sự và nhận được sự giúp đỡ dù rất nhỏ, nó cũng khiến người hoạn nạn vô cùng cảm kích.
Thế nhưng khi họ đã có thể tự lo cho mình, bạn vẫn cứ tiếp tục tiếp tế, giúp đỡ và đến một lần nào đó, vì một nguyên nhân nào đó mà bạn không giúp nữa, đối phương sẽ hận bạn.
Đó là thói đời. Khi việc cho đi trở thành một thói quen, nó vô tình trở thành một trách nhiệm không thể thoái thác và nếu cố tình thoái thác, bạn bị xem là kẻ xấu xa, bị đối phương thù ghét.
Dục vọng giống như nước biển, càng uống sẽ càng khát. Dục vọng, thực ra chính là một cơn ngứa trong linh hồn của con người. Đau có thể nhịn nhưng ngứa thì càng gãi lại càng muốn gãi thêm.
Thế nên qua hai mẩu chuyện này, cá nhân tôi rút ra được hai điều.
Thứ nhất, chúng ta không nên quá dễ dãi cho không ai bất cứ thứ gì, nhất là khi người khác đã có đủ khả năng để lo cho bản thân. Chớ biến lòng tốt của mình thành nơi để người khác dựa dẫm và ỷ lại, để rồi cuối cùng, họ có thể quay ngoắt lại quy trách nhiệm sống không tử tế lên chúng ta.
Thứ hai, làm người cần học và nhớ thật kỹ hai chữ biết ơn. Chớ lấy oán báo ân, cần kiểm soát cái gọi là dục vọng, chớ để nó làm lu mờ cách giá trị đạo đức căn bản mà hành xử không thấu tình đạt lý.