Hết ép Úc lại cảnh báo Anh, Trung Quốc muốn gì?

Cao Lực |

Bộ Giáo dục Trung Quốc hôm 9-6 cảnh báo về sự nguy hiểm khi du học tại Úc, viện dẫn rủi ro Covid-19 và tình trạng kỳ thị chủng tộc gia tăng.

"Bộ Giáo dục nhắc nhở du học sinh đánh giá rủi ro kỹ lưỡng và vào thời điểm này, hãy cẩn trọng khi quyết định đến Úc hoặc quay lại Úc để theo đuổi việc học" – Bộ Giáo dục Trung Quốc cảnh báo.

Tuần trước, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cũng ra một cảnh báo tương tự, kêu gọi người dân nước này không đến Úc vì tình trạng phân biệt chủng tộc gia tăng.

Theo giới quan sát ở Trung Quốc và Úc, những tuyên bố trên là "những phát súng cảnh báo rõ ràng" rằng Bắc Kinh đã nhận thấy yếu tố chống Trung Quốc ở Úc. Họ khẳng định quan hệ hai nước nhiều khả năng sẽ không được cải thiện sớm.

Quan hệ Canberra - Bắc Kinh bắt đầu xấu đi kể từ năm 2017, khi các cuộc thảo luận về ảnh hưởng của Trung Quốc ở Úc bắt đầu được chú ý và một thượng nghị sĩ Úc từ chức liên quan đến quan hệ của ông với một nhà quyên góp chính trị Trung Quốc.

Căng thẳng tiếp tục leo thang vào giữa tháng 4, khi chính phủ Úc kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đại dịch Covid-19.

Đại sứ Úc tại Trung Quốc Cheng Jingye đáp trả bằng cách cảnh báo người tiêu dùng Trung Quốc có thể tẩy chay thịt bò và rượu vang Úc. Tháng sau, Trung Quốc áp lệnh ngưng nhập khẩu thịt bò và lúa mạch Úc.

Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne cáo buộc ông Cheng về điều mà bà khẳng định là "dọa nạt kinh tế", đồng thời nhấn mạnh động thái trả đũa của Bắc Kinh là "không phù hợp" với lời kêu gọi điều tra.

Hết ép Úc lại cảnh báo Anh, Trung Quốc muốn gì? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne. Ảnh: EPA

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã cảnh báo Anh giữa lúc quan hệ 2 nước gia tăng căng thẳng vì nhiều vấn đề và Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày càng cứng rắn với Bắc Kinh.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 9-6 thông báo Bắc Kinh đã yêu cầu London "cực kỳ cẩn trọng" về vấn đề Hồng Kông và đừng can thiệp vào chuyện nội bộ của đặc khu.

Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại London Liu Xiaoming khẳng định với các lãnh đạo doanh nghiệp rằng Bắc Kinh xem vấn đề liên quan đến Tập đoàn Viễn thông Huawei (Trung Quốc) là một bài kiểm tra về việc liệu London có phải là một đối tác đáng tin cậy hay không, theo báo The Sunday Times.

Cũng theo tờ báo này, ông Liu đã cảnh báo rằng các công ty Trung Quốc có thể rút khỏi những dự án cơ sở hạ tầng lớn, kể cả nhà máy hạt nhân và tuyến đường sắt cao tốc, nếu London không cẩn trọng.

Hết ép Úc lại cảnh báo Anh, Trung Quốc muốn gì? - Ảnh 3.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày càng cứng rắn với Trung Quốc. Ảnh: Reuters

"Chúng ta không nên cúi đầu trước những lời dọa nạt như vậy. Khi một quốc gia bắt đầu đe dọa, chúng ta không nên hợp tác với họ" – ông Iain Duncan Smith, cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ, khẳng định.

Chính quyền Thủ tướng Johnson được cho là đang cân nhắc các quy định nghiêm ngặt mới nhằm thắt chặt kiểm soát đầu tư Trung Quốc để bảo vệ an ninh quốc gia.

Trước đó, Thủ tướng Johnson cũng đã tuyên bố rằng Anh có thể sửa đổi các quy định nhập cư để mở lộ trình nhập cư cho những cư dân Hồng Kông nắm giữ hộ chiếu quốc gia Anh (ở nước ngoài – BNO). London cũng đang xem xét lại kế hoạch của họ về việc cho phép Huawei tham gia dự án xây dựng cơ sở hạ tầng 5G cho Anh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại