Hệ thống tên lửa bắn hạ nhiều máy bay Mỹ nhất trong lịch sử

Quang Hưng |

Chính tại cuộc kháng chiến ở Việt Nam, hệ thống phòng không S-75 Dvina của Liên Xô mới thực sự nổi tiếng và trở thành vũ khí phòng không huyền thoại.

S-75 Dvina (Tên định danh của NATO là SA-2), đây là hệ thống tên lửa đất đối không tầm cao được điều khiển bằng hệ thống radar ba tác dụng do Liên Xô thiết kế. Hệ thống này đã bắn hạ nhiều máy bay Mỹ nhất so với bất kỳ loại tên lửa nào khác trong lịch sử quân sự thế giới, với phần lớn thành tích là trong chiến trường Đông Dương.

Kể từ khi được triển khai vào năm 1957, S-75 đã trở thành loại tên lửa phòng không được sử dụng nhiều nhất trên thế giới và ngay trong cả thế kỷ 21, hệ thống phòng không này vẫn đang được nhiều quốc gia sử dụng.

Một hệ thống S-75 thông thường dựa vào một đơn vị radar thu thập dữ liệu Spoon Rest gắn trên xe tải, cung cấp dữ liệu vị trí mục tiêu cho một máy tính thô sơ, và radar dẫn đường Fan Song, hỗ trợ dẫn đường tên lửa và thu thập dữ liệu mục tiêu. Để vận hành mỗi hệ thống S-75, cần có tối thiểu 5 thành viên chính, gồm ba người vận hành radar, một người kiểm soát và một chỉ huy khẩu đội.

 - Ảnh 1.

 

Tên lửa S-75 dài 10,6 m, trọng lượng 2.500 kg, mang đầu đạn 200 kg, tầm bắn hiệu quả 30 km, với tốc độ gấp hơn bốn lần tốc độ âm thanh, nó có thể xé toạc bất cứ thứ gì trong bán kính nổ gần 270 m.

Những chiến công đầu của S-75

Chiến công đầu tiên của S-75 là bắn hạ một chiếc Martin RB-57 D Canberra trên bầu trời Trung Quốc vào tháng 10/1959. Chiếc máy bay bị trúng một loạt ba tên lửa V-750 (1D) ở độ cao 20 km, nhưng để giữ bí mật cho tên lửa phòng không mới nhất thời điểm đó ở Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Liên Xô thống nhất không đăng tải sự kiện bắn hạ máy bay trên.

S-75 Dvina trở nên nổi tiếng sau khi bắn hạ một chiếc máy bay do thám U-2 của Mỹ khi bay do thám trên không phận của Liên Xô vào ngày 1/5/1960 và phi công Francis Gary Powers đã bị bắt giữ.

Gary Powers, một cựu binh từng tham gia Chiến tranh Triều Tiên và là một phi công CIA 30 tuổi, đã thực hiện một nhiệm vụ do thám trên bầu trời Liên Xô. Anh ta cất cánh từ một căn cứ không quân của Mỹ ở Pakistan và sẽ di chuyển qua khu vực Trung Á và phía Tây Liên Xô với độ cao trên 21.000m, sau đó sẽ hạ cánh tại một căn cứ khác ở Na Uy.

Ở độ cao đó, chiếc U-2 được coi là bất khả chiến bại trước tầm bắn của máy bay chiến đấu và tên lửa của kẻ thù. Nhưng khi bay qua thành phố Sverdlovsk của Liên Xô, điều không thể tưởng tượng được đã xảy ra – máy bay của Power đã bị trúng một loạt tên lửa S-75. Power đã bị bắt và bị xét xử vì tội gián điệp.

 - Ảnh 2.

 

Bảy năm sau, hệ thống S-75 đã bắn hạ chiếc A-4 Skyhawk do phi công John McCain lái trên bầu trời Hà Nội, người mà sau này đã trở thành chính trị gia và đã tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2008. McCain đã phải nhảy dù xuống Hồ Trúc Bạch và bị bắt làm tù binh.

Trong cuộc ném bom ồ ạt vào miền Bắc Việt Nam tháng 12/1972, Mỹ đã mất tới 34 chiếc B-52, trong đó có 6 chiếc bị bắn hạ chỉ trong một ngày và nhiều phi công đã thiệt mạng. Bảo tàng Chiến thắng B-52 ở Hà Nội đang còn lưu giữ những hình ảnh về sức mạnh của S-75.

Hệ thống phòng không này cũng được triển khai ở Cuba trong cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 và đã bắn hạ một chiếc U-2 của Mỹ, đẩy thế giới đến bờ vực của một cuộc Chiến tranh hạt nhân.

 - Ảnh 3.

 

Trung Quốc đã sử dụng S-75 để săn U-2

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã cho lực lượng đảo Đài Loan mượn máy bay U-2 để do thám thu thập thông tin tình báo về Trung Quốc, gồm vị trí các cơ sở quân sự, căn cứ tàu ngầm và loại máy bay mà nước này đang phát triển.

Máy bay U-2 được thiết kế vào những năm 1950, có thể bay ở độ cao lên đến hơn 20.000 m và chụp ảnh có độ phân giải cao, được coi là bất khả chiến bại bởi tầm bắn của các loại tên lửa phòng không trên thế giới thời đó không vươn tới được.

Tuy nhiên, S-75 Dvina đã đập tan sự bất khả chiến bại này và bắn hạ ít nhất 4 máy bay U-2. Ngày 9/9/1962, tên lửa S-75 của Quân đội Trung Quốc đã bắn hạ máy bay U-2 đầu tiên khi đang thực hiện nhiệm vụ trên bầu trời Nam Xương, Trung Quốc. Ngày 1/11/1963, S-75 tiếp tục bắn hạ một máy bay U-2 khác đang thực hiện nhiệm vụ trinh sát ở Vũ Hán và phi công bị bắt.

Vào ngày 7/7/1964, một chiếc U-2 khác đã trúng tên lửa S-75 trên bầu trời tỉnh Phúc Kiến, khi cất cánh từ Căn cứ Không quân Hải quân Mỹ Cubi Point ở Philippines để kiểm tra tuyến đường tiếp tế của Trung Quốc từ Đảo Hải Nam đến biên giới giữa Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam. Phi công đã tử nạn.

 - Ảnh 4.

 

Vào ngày 10/1/1965, một máy bay U-2C khác cất cánh từ căn cứ không quân Đào Viên để thực hiện nhiệm vụ trinh sát hình ảnh, nhằm xác định tình trạng sản xuất bom nguyên tử của Trung Quốc. Chiếc máy bay này cũng bị tên lửa S-75 bắn hạ. Phi công đã bị bắt.

Đánh bại B-52

Trong nỗ lực cuối cùng ở Việt Nam, Mỹ đã lên kế hoạch cho chiến dịch ném bom lớn nhất trong lịch sử. Một chiến dịch gây sốc và kinh hoàng mang tên Linebacker II đã được tiến hành để làm lung lay tinh thần người Việt Nam "đến tận gốc rễ", như cố vấn an ninh quốc gia Mỹ lúc bấy giờ là Henry Kissinger tuyên bố.

 - Ảnh 5.

 

Trong 12 ngày đêm (từ ngày 18/12 đến ngày 30/12/1972), Mỹ đã huy động hơn 200 máy bay ném bom B-52, thực hiện 730 phi vụ và thả hơn 20.000 tấn bom xuống miền Bắc Việt Nam.

Nhưng người Việt Nam đã chứng tỏ sự kiên cường, những người lính điều khiển tên lửa Việt Nam đã bắn hạ nhiều máy bay ném bom B-52 trên bầu trời. Trong số vũ khí phòng không mà Việt Nam sở hữu, S-75 Dvina được đánh giá là vũ khí nguy hiểm nhất.

Cho đến nay, Việt Nam vẫn là nước duy nhất trên thế giới sử dụng tên lửa S-75 để đối phó một cách có hiệu quả với máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ. Trong chiến dịch Linebacker II, các tiểu đoàn tên lửa S-75 của Việt Nam đã bắn rơi 34 máy bay B-52.

Tuy nhiên, Mỹ chỉ thừa nhận mất 15, bởi có nhiều máy bay Mỹ bị trúng tên lửa hư hại nặng nhưng vẫn quay về được sân bay thì Mỹ không tính là chiếc máy bay đó bị bắn rơi, dù chiếc máy bay đó bị hỏng nặng tới mức không thể sử dụng được nữa.

Quang Hưng

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại