Sự phát triển mạnh mẽ của các loại vũ khí chống tăng cá nhân như súng phóng lựu, tên lửa có điều khiển... khiến những "ông vua bọc thép" trên chiến trường ngày càng yếu thế. Việc tăng độ dày của giáp để đối phó đã gần như trở nên vô nghĩa.
Các loại giáp thế hệ mới, ngay cả giáp phản ứng nổ cũng không thể cứu xe tăng, thiết giáp khỏi nguy cơ bị đánh bại. Do vậy, một số quốc gia như Nga, Israel đã phát triển các hệ thống phòng vệ chủ động (APS). Đây được xem là giải pháp mang tính cách mạng trong việc tăng khả năng sống sót cho phương tiện bọc thép trên chiến trường.
Xe thiết giáp chở quân Namer của Israel với 2 khối đánh chặn của hệ thống Iron Fist ở hai bên hông
Tuy vậy, các nước phương Tây lại tỏ ra không mấy mặn mà với việc phát triển các hệ thống APS cho xe tăng. Nhưng một số đã bắt đầu thay đổi quan niệm sau khi chứng kiến sự thành công của các hệ thống APS lắp trên xe tăng, thiết giáp của Israel.
Military Informant đưa tin, tập đoàn BAE Systems đã nhận được hợp đồng từ Quân đội Hà Lan để tích hợp hệ thống APS Iron Fist lên xe chiến đấu bộ binh CV9035 của nước này.
Theo điều khoản trong hợp đồng, BAE Systems sẽ lắp Iron Fist do Tập đoàn Công nghiệp quốc phòng Israel (IMI) sản xuất và thử nghiệm tính hiệu quả trong việc chống lại các vũ khí chống tăng. Nếu quá trình trên thành công, Iron Fist sẽ chính thức được trang bị cho xe chiến đấu bộ binh CV9035 từ năm 2018.
Tính năng "vô đối"
Hệ thống APS Iron Fist được sản xuất bởi IMI vào năm 2006, nó được thiết kế để đánh chặn đạn súng phóng lựu, tên lửa chống tăng có điều khiển, đạn xuyên lõm (HEAT), thậm chí cả đạn xuyên giáp động năng (APFSDS) bắn ra từ xe tăng.
Xe chiến đấu bộ binh CV9035 của Hà Lan sẽ có sức mạnh tác chiến vượt trội sau khi được trang bị APS Iron Fist
Iron Fist sử dụng radar cực nhạy cùng cảm biến hồng ngoại để phát hiện mối đe dọa. Khi xác định xong đối tượng, hệ thống sẽ phóng đạn đánh chặn. Vụ nổ sẽ phá hủy hoặc làm lệch đường bay của tên lửa, đầu đạn... hướng về xe tăng, thiết giáp.
Các hệ thống APS như Trophy cũng do Israel sản xuất sử dụng khối đánh chặn chứa hàng nghìn viên bi nhỏ để phá hủy mục tiêu, còn Iron Fist dựa vào áp lực từ vụ nổ để làm chệch hướng đầu đạn. Khối đánh chặn của Iron Fist cơ bản là một tên lửa với vỏ làm từ vật liệu dễ cháy nên không phân mảnh khi nổ.
Cơ chế đánh chặn của Iron Fist giúp giảm thiểu thiệt hại lên các đối tượng xung quanh, trong khi đó khối đánh chặn bằng rất nhiều viên bi của Trophy dễ gây sát thương cho bộ binh hộ tống.
Cảm biến của Iron Fist còn phát hiện được lính bắn tỉa thông qua việc nghe âm thanh phát ra sau khi bắn. Một ưu điểm khác của Iron Fist là việc lắp đặt không ảnh hưởng đến kết cấu hay các hệ thống điện tử bên trong xe.
Iron Fist đã được trang bị cho xe bọc thép chở quân hạng nặng Namer từ năm 2009. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Israel thông báo ngừng tài trợ cho chương trình APS Iron Fist từ năm 2010.
CV9035 là một phiên bản dành cho Quân đội Hà Lan từ dòng xe chiến đấu bộ binh CV90 do Hägglunds (nay thuộc BAE Systems), Thụy Điển chế tạo. CV9035 là biến thể lắp pháo tự động 35 mm.
Chiếc chiến xa này được đánh giá khá cao về mức độ bảo vệ, thân xe có thể chống đạn xuyên giáp cỡ 14,5 mm, lên tới 30 mm ở vòng cung phía trước. CV90 có hệ thống cảm biến và điều khiển hỏa lực hiện đại, đây là một trong những xe chiến đấu bộ binh hàng đầu thế giới hiện nay.
Việc Hà Lan quyết định thử nghiệm hệ thống APS Iron Fist sẽ giúp nâng cao khả năng sống sót của xe bọc thép trên chiến trường, qua đó làm tăng sức mạnh chiến đấu. Mục đích chính khi lắp APS Iron Fist được cho là để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ vũ khí chống tăng, cũng như các phương tiện chiến đấu bọc thép hiện đại của Nga.