Hệ quả bảo hộ thương mại: Hàng Nhật sang Mỹ bắt đầu sụt giảm

Thăng Điệp |

Xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ đã lần đầu tiên giảm trong 17 tháng và niềm tin của các doanh nghiệp nước này suy giảm trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy các chính sách bảo hộ thương mại - Reuters đưa tin.

Giá trị xuất khẩu của Nhật sang Mỹ trong tháng 6 giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giảm mạnh nhất là nhóm xe hơi và thiết bị sản xuất con chip - hai mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của đất nước mặt trời mọc.

Thống kê trên được công bố sau khi cuộc khảo sát Reuters Tankan cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp Nhật giảm sút trong tháng 7, phản ánh nỗi lo của các công ty về căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang lo ngại Mỹ có thể sử dụng thuế quan hoặc các biện pháp bảo hộ khác để xử lý mất cân đối cán cân thương mại với nước này.

Nhập khẩu từ Mỹ vào Nhật trong tháng 6 giảm 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến thặng dư thương mại Nhật-Mỹ tăng 0,5%, lên mức 5,24 tỷ USD. Mức thặng dư như vậy có thể khiến Nhật Bản trở thành một mục tiêu cho các chính sách bảo hộ của chính quyền Trump.

Tổng giá trị xuất khẩu của Nhật trong tháng 6 tăng 6,7%, nhập khẩu tăng 2,5%.

"Xuất khẩu nói chung vẫn tăng trưởng tốt, nhưng chúng tôi không thể dám chắc mọi chuyện sẽ ra sao về vấn đề chính sách thương mại", ông Shuji Tonouchi, chuyên gia kinhh tế cấp cao thuộc Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, phát biểu. "Không thể loại trừ khả năng nguy cơ thuế quan và xung đột thương mại khiến các doanh nghiệp giảm bớt đầu tư".

Cuộc khảo sát Reuters Tankan cho thấy chỉ số niềm tin của các nhà sản xuất Nhật Bản trong tháng 7 giảm 1 điểm so với tháng 6, còn 25 điểm. Trong cuộc khảo sát này, các nhà sản xuất xe hơi, máy chính xác và sản phẩm kim loại bày tỏ sự lo ngại nhiều hơn cả.

"Khách hàng của chúng tôi ngày càng chần chừ trong các kế hoạch đầu tư cơ bản do bấp bênh xung quanh xung đột thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và châu Âu", nhà quản lý của một doanh nghiệp được khảo sát cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại