Hé lộ Ukraine trước thềm thượng đỉnh với Nga: niềm tin vào Tổng thống Trump đổi lấy tín hiệu 'tệ hại'?

Minh Đức |

Kiev cho rằng, nếu nhận được sự ủng hộ công khai từ Washington, họ sẽ có thêm lợi thế trong cuộc gặp mặt giữa hai Tổng thống Zelensky và Putin.

Trang Daily Beast đưa tin, trong những tuần gần đây, những người thân cận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã liên lạc với giới chức chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhằm thảo luận về mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo. Dựa trên các cuộc đối thoại này, các quan chức Ukraine từng kỳ vọng rằng, Tổng thống Trump sẽ đưa ra một tuyên bố ủng hộ người đồng cấp Zelensky trước thềm cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa ông Zelensky với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Pháp. Họ thậm chí còn nhận thông tin rằng, tuyên bố trên có thể được đăng tải trên Twitter.

"Với tất cả những tín hiệu mà chúng tôi thấy, chúng tôi đã tin chắc là sẽ có một tuyên bố", một quan chức cấp cao trong chính quyền Zelensky nói với The Daily Beast.

Tuy nhiên, hai ngày thứ 7 và chủ nhật tuần trước trôi qua mà chỉ kèm theo sự im lặng từ Nhà Trắng. Hôm thứ hai (9/12), hai nhà lãnh đạo Zelensky và Putin đã gặp gỡ tại Normandy (Pháp) để thảo luận về cuộc chiến tại miền đông Ukraine. Sau khi sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014, Nga đã ủng hộ cho lực lượng li khai tại miền đông Ukraine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel tỏ ra rất nỗ lực để dàn xếp cuộc họp thượng đỉnh giữa ông Putin và Zelensky. Hai Tổng thống đồng ý trao đổi "tất cả các tù nhân được biết tới"; đồng thời sẽ tiến hành vòng đàm phán mới trong một vài tháng tới.

Theo quan chức Ukraine, nếu Mỹ công khai thể hiện sự ủng hộ cho Kiev trước thềm thượng đỉnh tại Normandy, Tổng thống Zelensky sẽ có thêm lợi thế khi đàm phán với ông Putin. Thế nhưng thay vào đó, ông Trump lại chỉ dành cả cuối tuần để cập nhật trên Twitter của mình về Chủ tịch Hạ viện Nany Pelosi, Fox News và CNN. Trang Politico thống kê, chỉ riêng trong hai ngày cuối tuần ông Trump đã có tới hơn 100 tweet và retweet (trích dẫn lại). Nhưng tuyệt nhiên không một từ nào nhắc tới Normandy.

Và tuần tiếp theo, mọi việc cũng không hề khá hơn. Hôm thứ ba (10/12), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov có cuộc họp báo chung với đồng cấp Mỹ Mike Pompeo tại Washington trước khi gặp mặt Tổng thống Trump tại Nhà trắng.

Một trong những người thân cận với ông Zelensky nhận xét, sự im lặng từ Nhà Trắng – kết hợp với chuyến thăm có vẻ rất thân thiện của Ngoại trưởng Lavrov tới Washington – đã gửi đi một thông điệp "kinh khủng" và là điều "kém may mắn nhất". Thông cáo báo chí Nhà Trắng cho hay, người đứng đầu nước Mỹ "đã yêu cầu Nga giải quyết cuộc xung đột với Ukraine". Giới chức Ukraine miêu tả những động thái này là "gây bức dọc" và không hề tốt đẹp.

Quan chức Ukraine tiết lộ, Kiev giờ đây đang tái xem xét chiến lược truyền thông với và về chính quyền Trump. Cho tới nay, giới chức Ukraine vẫn thể hiện sự đồng tình với cách giải thích của chính quyền Trump về các hoạt động của luật sư Rudy Giuliani tại Ukraine cũng như các trọng tâm của cuộc điều tra luận tội. Tuy nhiên, họ nói, hầu như không có gì để chứng minh và có thể lựa chọn một chiến lược quan hệ công chúng khác trong tương lai.

Một cuộc phỏng vấn xuất bản đầu tuần trên tạp chí Time cho thấy Kiev sẵn lòng công khai thúc đẩy các sự kiện theo "phiên bản" của Tổng thống Trump. Ông Andriy Yermak, một cố vấn hàng đầu của Tổng thống Zelensky đã phản bác lại một lời khai chủ chốt mà Đại sứ Mỹ tại EU Gordon Sondland từng đưa ra khi điều trần trước Quốc hội hồi tháng trước. Theo Sondland, tại một sự kiện ở Warsaw (Ba Lan), ông đã gặp và đề nghị Yermak thúc giục Kiev công bố mở các cuộc điều tra như Tổng thống Trump mong muốn. Trong khi đó, ông Yermak lại nói với Time, cuộc đối thoại này không hề diễn ra. Tuyên bố của Yermak thực sự là cú "phản đòn" lớn đối với một nội dung quan trọng trong quá trình cung cấp thông tin từ nhân chứng.

Trong một cuộc phỏng vấn khác, Tổng thống Zelensky thừa nhận, ông không nói chuyện với đồng cấp Trump theo kiểu "tôi đưa anh cái này, anh phải đưa tôi cái kia. Tổng thống Trump đã chia sẻ bài phỏng vấn và gửi lời cám ơn tới ông Zelensky.

Mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Ukraine là một trọng tâm chính trong cuộc điều tra luận tội nhằm vào Tổng thống Trump do phe Dân chủ khởi xướng. Cuộc điều tra bắt đầu sau khi một quan chức giấu tên của Ủy ban Tình báo Hạ viện nhận được đơn tố giác hồi tháng 8, trong đó cáo buộc ông Trump đã gây sức ép để Ukraine tiến hành điều tra một công ty có quan hệ với cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và con trai Hunter Biden, cũng như giả thuyết rằng chính Ukraine chứ không phải Nga từng can thiệp bầu cử Mỹ 2016.

Người tố giác cho rằng, ông Trump đã cố tình "đóng băng" một khoản viện trợ quân sự lên tới gần 400 triệu USD cho Ukraine cho tới khi Kiev chấp nhận công bố các cuộc điều tra. Đáp trả, ông Trump kiên quyết phủ nhận việc tạm giữ khoản viện trợ là một phần trong kế hoạch gây sức ép lên Ukraine. Trong khi đó, Đại sứ Sondland nói với Quốc hội rằng, chính quyền Trump đặc biệt từ chối sắp xếp một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trump và Zelensky do Kiev chưa tiến hành điều tra.

Sau nhiều tuần điều trần kín và công khai, Chủ tịch Hạ viện Pelosi đã công bố hai điều khoản luận tội Tổng thống Trump. Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát dự kiến sẽ bỏ phiếu đối với các điều khoản luận tội vào tuần sau. Nếu được thông qua, chúng sẽ được chuyển tới Thượng viện, nơi sẽ mở phiên tòa để xem xét có cách chức đương kim Tổng thống Mỹ hay không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại