Hé lộ tình tiết quan trọng vụ đại sứ quán Triều Tiên ở Tây Ban Nha bị đột kích

SONG HY |

Một dàn máy tính chứa những dữ liệu tối quan trọng được cho là đã bị những kẻ đột kích vào đại sứ quán Triều Tiên lấy đi.

Ông Thae Yong-ho, cựu phó đại sứ Triều Tiên đào tẩu khỏi Anh năm 2016 mới đây tiết lộ, dàn máy tính bị lấy đi thậm chí còn quan trọng hơn cả mạng người. Việc nó bị đánh cắp có thể sẽ làm lộ bộ mã tối mật mà Triều Tiên sử dụng để chuyển lệnh ra nước ngoài, từ đó gây nguy hại cho chế độ.

Hôm 22/2, khoảng 10 đối tượng xông vào đại sứ quán Triều Tiên tại Madrid , Tây Ban Nha. Nhóm này được cho là đã khống chế và bịt miệng các nhân viên ngoại giao và lục lọi cơ sở này trong 4 giờ đồng hồ, sau đó lấy đi các máy tính và thiết bị điện tử khác.

Hé lộ tình tiết quan trọng vụ đại sứ quán Triều Tiên ở Tây Ban Nha bị đột kích - Ảnh 1.

Đại sứ quán Triều Tiên ở Tây Ban Nha. (Ảnh: AP)

Các đối tượng leo lên 2 chiếc xe gắn biển ngoại giao của đại sứ quán Triều Tiên tẩu thoát. Hai chiếc xe sau đó bị bỏ lại.

Truyền thông Tây Ban Nha dẫn tuyên bố từ tòa án Tây Ban Nha hôm 26/3 cho biết, người đứng đầu cuộc tấn công là Adrian Hong Chang đã giao các tài liệu lấy được từ đại sứ quán Triều Tiên và chuyển cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI. Trước đó, Chang đóng giả làm một nhà đầu tư trong lần gặp mặt với tham tán thương mại của đại sứ quán Triều Tiên So Yun-sok.

Vào chiều 22/3, Chang đưa nhóm người của mình vào bên trong trước sự đồng ý của các nhân viên an ninh đại sứ quán, do họ cho rằng Chang có quen biết với ông So và bản thân Chang cũng đã gọi điện hẹn trước. Tuy nhiên, khi vào bên trong, nhóm người của Chang vốn được trang bị dao, thanh sắt và súng giả đã khống chế các nhân viên trong đại sứ quán, lấy cắp một số tài liệu quan trọng, trong đó có máy tính rồi rời đi.

Theo cựu quan chức ngoại giao Triều Tiên, cả thế giới đang chú ý tới vụ tấn công này, nhưng Triều Tiên không muốn đề cập tới nó, có thể là bởi số máy tính mà những kẻ tấn công lấy cắp đặc biệt quan trọng.

"Ở đại sứ quán Triều Tiên, máy tính chuyến mã có nhiệm vụ giải mã các bức điện tín trao đổi giữa Bình Nhưỡng và các đại sứ quán ở nước ngoài. Triều Tiên sử dụng một loại mã dựa trên các trang và từ trong các tiếu thuyết mà chỉ người gửi và người nhận mới biết và các cơ quan tình báo phương Tây không thể giải mã nổi", ông Thae nói.

Tuy nhiên, nếu các chuyên gia mật mã nắm được chương trình chứa chìa khóa giải mã, họ toàn toàn có thể đọc được thông điệp mà Bình Nhưỡng gửi đi hoặc nhận về. Như vậy, nếu mã này bị phá bỏ, Triều Tiên sẽ phải thay thế toàn bộ phương thức liên lạc, công việc sẽ mất rất nhiều thời gian và làm gián đoạn quá trình liên lạc với các nhà ngoại giao của Bình Nhưỡng ở nước ngoài.

Ông Thae cũng cho rằng đây là lý do khiến Triều Tiên phải triệu tập các đại sứ ở Trung Quốc, Nga và Liên Hợp Quốc về nước để thảo luận tìm ra cách thức đối phó trước tình hình mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại