Tờ Washington Post ngày 12/10 trích dẫn hình ảnh được truyền thông Triều Tiên đăng tải về cuộc triển lãm được tổ chức trước đó một ngày tại Bình Nhưỡng cho hay, các mẫu vũ khí được nước này công bố bao gồm một loạt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và tên lửa hành trình tầm xa mới.
Trong số vũ khí được trưng bày có mặt Hwasong-8, loại vũ khí siêu vượt âm Triều Tiên khẳng định họ đã thử nghiệm thành công hồi tháng 9/2021– mẫu khí tài mà hiện chỉ có các cường quốc quân sự hàng đầu như Nga, Trung Quốc và Mỹ sở hữu hoặc đang phát triển.
Theo chuyên gia Thomas Newdick của tờ Drive, Hwasong-8 là một quả tên lửa đạn đạo mang theo một thiết bị lướt ở đầu tên lửa. Phần thân tên lửa không có nhiều khác biệt so với các mẫu ICBM mà Triều Tiên từng hé lộ, còn phần thiết bị lướt có hình thù giống các mẫu vũ khí tương tự của Mỹ, Nga, Trung Quốc.
Tại triển lãm, phần đầu thiết bị lướt siêu vượt âm Hwasong-8 được sơn màu cam. Đầu đạn có mặt dưới phẳng và vát lên trên, trong khi mặt trên được bo cong. Newdick cho rằng, đây là một mô hình chứ chưa phải thiết bị hoàn chỉnh.
Do Triều Tiên chưa công bố chi tiết về vụ thử nghiệm hồi tháng 9/2021 nên chưa rõ khả năng của loại vũ khí nói trên. Trong khi đó, giới chuyên gia đánh giá kết cấu phần động cơ của Hwasong-8 giống với mẫu Hwasong-14 được Triều Tiên phóng thử năm 2017.
Một vũ khí được xếp vào loại siêu vượt âm khi nó đạt vận tốc lớn hơn Mach 5, tức gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Các mẫu đầu lướt siêu vượt âm thường được phóng bằng tên lửa đẩy ICBM để đạt tốc độ và độ cao tối ưu, sau đó đầu đạn sẽ tách rời và lướt về phía mục tiêu.
Khác đầu đạn ICBM thông thường, phần lớn hành trình của thiết bị lướt siêu vượt âm ở trong khí quyển, quỹ đạo thấp. Cộng với khả năng cơ động cao và linh hoạt, loại vũ khí này gần như không thể đánh chặn bằng các hệ thống phòng không hiện có trên thế giới.
Tên lửa siêu vượt âm có thể được sử dụng để mang đầu nổ thông thường, nhưng cũng có thể được trang bị đầu đạt hạt nhân, khiến nó trở thành quân bài răn đe chiến lược của bất cứ quốc gia nào sở hữu.