Mổ xẻ chiến lược hai mũi nhọn Triều Tiên đang thực hiện

Hồng Anh |

Triều Tiên đã gửi đi những thông điệp khó đoán khi một mặt bày tỏ hy vọng tiếp tục đối thoại với Hàn Quốc, mặt khác lại liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa.

Chưa vượt qua giới hạn đỏ

Tuần trước, Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng tham gia hội nghị thượng đỉnh liên Triều và khôi phục đường dây liên lạc với Hàn Quốc bắt đầu từ tháng 10/2021. Nhưng đến ngày 29/9, nước này đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh mới phát triển, trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy năng lực phòng thủ. Tiếp đến là vụ thử nghiệm tên lửa chống máy bay hôm 30/9. Trước đó, hồi đầu tháng 9, Bình Nhưỡng đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ một đoàn tàu nhằm về phía biển Nhật Bản, đồng thời lên tiếng chỉ trích Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in.

Mổ xẻ chiến lược hai mũi nhọn Triều Tiên đang thực hiện - Ảnh 1.

Đợt thử nghiệm tên lửa hôm 15/9 của Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Trong trường hợp đàm phán Mỹ-Triều không diễn ra, các vụ thử tên lửa được cho là lời nhắc nhở thế giới rằng Bình Nhưỡng đang phát triển những vũ khí ngày càng tinh vi, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tuy vậy, những tên lửa tầm ngắn hoặc tên lửa đang trong quá trình phát triển này không phải là mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ.

Hơn nữa, Triều Tiên đã thận trọng để tình hình không quá leo thang căng thẳng khi hạn chế thử thiết bị hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa – vốn có thể khiến Washington buộc phải áp đặt các biện pháp trừng phạt mới hoặc thực thi hành động mạnh mẽ.

Những động thái trên cho thấy, Triều Tiên đang áp dụng chiến thuật hai mũi nhọn được tính toán kỹ lưỡng, cho phép quốc gia này có thể phô trương sức mạnh quân sự mà không làm dấy lên phản ứng đáp trả hoặc đánh mất cơ hội đối thoại.

Ông Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul nhận định: “Triều Tiên rất thận trọng để không vượt qua giới hạn đỏ. Sau những vụ thử tên lửa này, Bình Nhưỡng báo hiệu rằng họ quan tâm đến đối thoại”.

Đây là chiến lược từng giúp Bình Nhưỡng gặt hái được một số thành công trong thời gian qua, khi vừa khơi lên hy vọng hòa bình lại vừa tiếp tục phát triển và thử nghiệm những loại vũ khí mới.

Hiện giờ, Triều Tiên đang áp dụng chiến lược này vào thời điểm ngoại giao vô cùng phức tạp. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mong muốn nối lại các cuộc đối thoại trên Bản đảo Triều Tiên và coi đây nỗ lực cuối cùng để củng cố di sản của ông trước khi ông rời nhiệm sở vào tháng 5/2022. Trái lại, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như chưa quan tâm đến các cuộc tiếp xúc vì còn rất nhiều ưu tiên cấp thiết trước mắt.

Theo giới phân tích, nhà lãnh đạo Kim Jong Un hiện đang ở một vị trí có thể tận dụng sự khác biệt quan điểm giữa hai đồng minh Mỹ-Hàn trong vấn đề Triều Tiên.

Ông Kim Jong Un đã có 3 lần gặp gỡ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từ năm 2018 đến 2019, trở thành lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên tổ chức hội nghị thượng đỉnh với một tổng thống Mỹ đương nhiệm. Nhưng những nỗ lực của ông nhằm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Liên Hợp Quốc áp đặt với Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này đến nay vẫn không thành công.

Các lệnh trừng phạt, lũ lụt và đại dịch Covid-19 đã đang đẩy nền kinh tế Triều Tiên vào tình trạng suy giảm tồi tệ nhất vòng trong 2 thập niên. Nhiều quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho rằng, những rắc rối về kinh tế sẽ buộc Triều Tiên phải tiến đến bàn đàm phán. Song nhà lãnh đạo Kim Jong đã chứng minh rằng suy nghĩ của họ là sai lầm.

Thế khó của Washington

Kể từ khi đàm phán Mỹ - Triều bị sụp đổ vào đầu năm 2019, ông Kim Jong Un cam kết sẽ vượt qua những khó khăn về kinh tế song song với việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân vốn được coi là “vấn đề sống còn” của Triều Tiên. Bằng cách chứng minh năng lực quân sự ngày càng vượt trội, nhà lãnh đạo Triều Tiên không chỉ củng cố vai trò của ông ở trong nước mà còn gia tăng vị thế trên bàn đàm phán.

Kim Dong-yub, chuyên gia về vũ khí tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên lưu ý, vụ thử tên lửa phòng không ngày 30/9 cho thấy Triều Tiên đang chế tạo một loại vũ khí tương tự như hệ thống S-400 của Nga – vốn được coi là một trong những hệ thống phòng không mạnh nhất thế giới.

Chính quyền Biden nhiều lần hối thúc Triều Tiên quay trở lại đàm phán mà không có điều kiện tiên quyết. Nhưng Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ không khởi động lại các cuộc đàm phán cho đến khi Washington sẵn sàng nới lỏng các biện pháp trừng phạt và chấm dứt “chính sách thù địch” cũng như các cuộc tập trận chung thường niên với Hàn Quốc.

Trong các cuộc gặp thượng đỉnh với cựu Tổng thống Donald Trump năm 2018 và 2109, nhà lãnh đạo Kim Jong Un nói rõ rằng ông quan tâm đến các cuộc đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân hơn là phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Ông đã đề xuất dỡ bỏ một phần cơ sở hạt nhân của Triều Tiên nếu Mỹ đồng ý thu hồi các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, ông Trump đã từ chối đề xuất này.

Mỹ đang chào mời “trao đổi ngoại giao” và “đối thoại không cần điều kiện tiên quyết”, nhưng đó chỉ là thủ đoạn để đánh lừa cộng đồng quốc tế và che giấu những hành động thù địch và mở rộng chính sách thù địch của các chính quyền liên tiếp của Mỹ”, ông Kim Jong Un nói.

Lập trường cứng rắn này của Triều Tiên khiến chính quyền Biden rơi vào tình thế khó thương lượng. Mỹ chắc chắn sẽ ngần ngại tiếp xúc với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng muốn tận dụng các cuộc đối thoại để giảm bớt bệnh pháp trừng phạt trong khi không từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nhưng ngược lại, nếu Washington từ bỏ cơ hội đàm phán thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc bỏ lỡ cơ hội kìm hãm đà phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Câu trả lời nằm ở phía Hàn Quốc

Hiện giờ, câu hỏi đặt ra là ông Kim Jong Un sẽ làm thế nào để buộc chính quyền Biden phải tham gia đàm phán về các điều khoản của Triều Tiên mà không gây mất lòng các đồng minh truyền thống như Nga hoặc Trung Quốc.

Theo giới phân tích, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có thể đưa ra câu trả lời hứa hẹn nhất cho ông Kim Jong Un. Nhà lãnh đạo này đang nỗ lực đưa tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên – ưu tiên trong chính sách đối ngoại của ông, trở lại đúng hướng, trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 20211.

“Đó là trách nhiệm của chính phủ chúng ta”, ông Moon Jae-in phát biểu với các phóng viên khi đề cập nỗ lực khôi phục hòa bình thông qua 3 cuộc gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên vào năm 2018, cũng như nỗ lực sắp xếp các cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim. Về phần mình, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đưa ra những phát ngôn mang tính hòa giải đối với Hàn Quốc. “Chúng tôi không có mục đích cũng như lý do để khiêu khích Hàn Quốc và không có ý định làm tổn hại quốc gia này”.

Cheong Seong-chang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Sejong, Hàn Quốc, cho rằng, Triều Tiên đang cố gắng kéo Hàn Quốc về phía nước này trong khi né tránh các cuộc đàm phán với Washington. Một số nhà phân tích khác lại nhận định, Bình Nhưỡng muốn dựa vào Hàn Quốc để đưa Washington đến bàn đàm phán.

Ngày 30/9 vừa qua, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim đã có cuộc gặp những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời cho biết Washington sẽ viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên như một động lực cho đối thoại. Nhưng theo các nhà phân tích, chỉ riêng hành động này vẫn chưa đủ.

Giáo sư Yang tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên nhấn mạnh: “Tôi không rõ, phương thức cũ là cung cấp hàng viện trợ có thể tạo động lực đối thoại hay không vì Triều Tiên muốn Mỹ giải quyết những vấn đề cơ bản liên quan đến sự thịnh vượng của nước này. Họ muốn nhận được cam kết rõ ràng hơn của Mỹ về nới lỏng lệnh trừng phạt và đảm bảo an ninh”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại