"Anh gây ra, anh phải gánh chịu", cựu Ngoại trưởng Mỹ từng cảnh báo trước việc Mỹ can thiệp quân sự ở nước ngoài và những hệ quả mà nước này có thể phải đối mặt.
Theo một số nhà phân tích, quy luật trên cũng có thể áp dụng cho Nga, khi Moscow đang không ngừng gia tăng hiện diện tại Syria.
(Từ trái sang) Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shougu trong một cuộc gặp gỡ ở Sochi, Nga (ảnh: Getty)
Sau khi ra tay hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad củng cố thành công quyền lực của mình, Điện Kremlin đang ngày càng khẳng định vị thế tại Syria, và tất nhiên không tránh khỏi các vấn đề phát sinh.
Nếu Moscow không thể đảm bảo một nền hòa bình lâu dài hoặc thất bại trong việc ổn định tình hình quốc gia Trung Đông, thì những nguy cơ xung đột nhỏ sẽ trở thành một mớ bòng bong lớn và nhiều khả năng phá hủy ảnh hưởng mới của Nga trong khu vực.
Trong trường hợp Mỹ rút quân khỏi vùng đông bắc Syria như những gì mà Tổng thống Donald Trump đã cam kết, một trong những thách thức lớn nhất mà Moscow phải đối mặt, đó là làm sao có thể ngăn cản một cuộc đụng độ quân sự giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Các lợi ích đối lập
Theo chuyên gia chính sách đối ngoại Aron Lund, Nga đang cố gắng cân bằng các lợi ích đối lập tại Syria. Điện Kremlin muốn khôi phục chính phủ trung ương và mở rộng thế lực của ông Assad ra khắp đất nước, bao gồm cả khu vực đông bắc đang đang nằm trong tay người Kurd, và một phần lãnh thổ từ Afrin tới al-Bab ở tây bắc hiện thuộc quyền kiểm soát của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh đối lập người Hồi giáo Sunni.
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO cũng có những ý định riêng của mình về Syria, mặc dù họ vẫn chưa tỏ rõ thái độ. Ankara đe dọa vượt qua phía đông sông Euphrates để tấn công lực lượng người Kurd tại Syria – vốn bị cho là có liên hệ với phong trào li khai tại Thổ. Cùng lúc, Ankara cũng tỏ ra không muốn từ bỏ phần lãnh thổ phía nam biên giới nước mình, hay thay đổi thái độ thù hằn với người Kurd Syria.
Ý định của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm lôi kéo Tổng thống Thổ Recep Tayyip Erdogan có thể dẫn tới việc mong muốn của ông Assad nằm lấy lại các khu vực rìa biên giới hiện đang do người Thổ kiểm soát – gặp khó khăn.
Aron Lund
Các nhà ngoại giao phương Tây tại thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, giới chức nước này đã vận động Điện Kremlin "bật đèn xanh" cho máy bay Thổ sử dụng không phận Syria, sau khi Mỹ hoàn tất rút khỏi đông bắc Syria.
"Thổ chưa bao giờ nói rõ kế hoạch của mình tại khu vực, và họ không cho thấy dấu hiệu muốn từ bỏ vùng Afrin và al-Bab; đồng thời củng cố quyền lực tại Idlib", ông Lund nhận định. "Đưa Thổ ra khỏi vòng tay của Mỹ là một mục tiêu địa chính trị chính của Nga. Ý định của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm lôi kéo Tổng thống Thổ Recep Tayyip Erdogan có thể dẫn tới việc mong muốn của ông Assad nằm lấy lại các khu vực rìa biên giới hiện đang do người Thổ kiểm soát – gặp khó khăn".
Tổng thống Erdogan không đưa ra một tuyên bố cụ thể nào về tây bắc Syria, nhưng ông đã nói, quân đội Thổ và các đồng minh người Sunni tại Syria (từng là lực lượng đối lập chống Assad), sẽ ở lại Syria cho tới khi nước này tiến hành bầu cử.
Khi mà các cuộc đàm phán hòa bình đang bị ngưng trệ và hầu như không có dấu hiệu tiến triển nào của quá trình trình tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc chiến Syria, điều trên sẽ trì hoãn đáng kể quyết định rút quân khỏi Syria của Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai. Trong khi đó, người Thổ cũng bắt đầu mở rộng ảnh hưởng tại vùng tây bắc, như xây lại trường học, thiết lập các tổ chức phi chính phủ và giúp thành lập chính quyền địa phương…
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Câu hỏi đặt ra là liệu ông Assad có còn giữ được bình tĩnh? Và nếu Assad tìm cách bảo vệ người Kurd khỏi sự tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan sẽ phản ứng ra sao?
Đầu tuần này, ông Erdogan tuyên bố sẽ đánh bại mọi kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ, là người Kurd tại Syria và khủng bố IS. Nhà lãnh đạo Thổ cũng nhấn mạnh tham vọng giữ lại các vùng đất Syria hiện đang do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát. Điều này không chỉ gây lo ngại cho Damascus mà còn một đồng minh khác của ông Assad là Iran.
Nhiều tuần gần đây, người Thổ đã liên tục vận chuyển thiết bị quân sự dọc theo biên giới, bao gồm xe tăng, súng trường và xe thiết giáp… Bên trong lãnh thổ Syria, các lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ đã tiến gần hơn thị trấn chiến lược Manbij – hiện do người Kurd chiếm đóng. Cũng trong tuần vừa rồi, trước khả năng Mỹ rời đi, người Kurd đã quay sang Damascus khi kêu gọi các lực lượng của Tổng thống Assad tiến vào Manbij, nhằm chuẩn bị đối phó với một cuộc tấn công từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Cân nhắc các lợi ích và yêu cầu của cả Damascus và Ankara trong khi tìm cách "thỏa mãn" Tehran – sẽ là một thách thức lớn cho Tổng thống Putin. Nhà lãnh đạo Nga cũng đang nỗ lực ngăn chặn một cuộc xung đột giữa Israel – một đồng minh khác của phương Tây nhưng có quan hệ tốt với Nga, với Iran ở miền nam và tây đất nước.
Kiểm soát của Moscow
"Việc Moscow để Ankara sử dụng không phận của Syria, giúp Nga kiểm soát tốc độ và thời hạn các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ bên trong Syria", Metin Gurcan, một nhà phân tích quân sự người Thổ nhận định. Theo ông, hồi tháng Ba, Moscow đã kiểm soát được tình hình tấn công của Thổ tại Afrin, dừng các hoạt động quân sự trên không của Thổ trong một tuần, cho phép người Kurd rút khỏi thị trấn biên giới mà không bị tấn công.
"Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có dám sử dụng không phận ở đông bắc Syria bất chấp sự phản đối của Moscow? Câu trả lời là không", Gurcan đánh giá. Nếu không như vậy, Ankara đã không gửi một phái đoàn quan chức cấp cao tới Moscow vào tháng trước để tiến hành vận động hành lang.
Trogn khi đó, các chuyên gia khác cho rằng, là một cường quốc trung gian trong khu vực, Nga đang đứng trước các kiểm nghiệm về khả năng xoay xở trong một điểm nóng bạo lực của thế giới. Nếu không cẩn thận, Moscow có thể sẽ bị mắc kẹt trong "vũng lầy".
"Mặc dù giai đoạn mới này có đẩy đủ các dấu hiệu của một kết thúc cho cuộc chiến, nhưng nhiều người dự đoán nó sẽ kéo dài trong tương lai", Lund nói. "Với các thế lực bên ngoài đang nắm giữ những ảnh hưởng mà ông Assad không thể vượt qua dễ dàng, tình trạng bất ổn của Syria có thể sẽ chuyển thành một cuộc chiến bị đóng băng. Những xung đột và thương lượng gián đoạn trở nên bình thường, và các thỏa thuận ngừng bắn trở nên lâu dài ngay cả khi không được công nhận chính thức".