40 năm trôi qua kể từ ngày Quân tình nguyện Việt Nam cùng quân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot (7/1/1979), vào những ngày đầu năm nay, chúng tôi may mắn có dịp được gặp, được nghe, được ngắm nhìn những nhân chứng sống, những người con của cả hai dân tộc Việt Nam - Khmer, họ chính là những người đã góp phần điểm tô cho trang sử bi tráng, oai hùng và đầy gian lao, thử thách của hai nước Việt Nam - Campuchia cách đây tròn 40 mùa khô.
Ông Chan Long (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia.
Trò chuyện bên tách trà tại một nhà hàng trong khu vực có đông người Việt sinh sống ở giữa thủ đô Phnom Penh, ông Chan Long, người Campuchia, kể với chúng tôi về những kỷ niệm đan xen cả chua xót lẫn ngọt ngào trong những năm tháng chạy nạn Khmer Đỏ rồi quay trở lại cùng các chuyên gia Việt Nam tái thiết đất nước Campuchia.
Khi lính Pol Pot bắt đầu thực hiện các chính sách hà khắc và thủ tiêu chính đồng bào mình vào năm 1975, gia đình ông Chan Long cùng nhiều người Campuchia khác đã phải di tản sang Việt Nam.
Bất chấp việc Pol Pot cho lính khiêu khích, sát hại dân Việt Nam sống ở ven biên giới, phía Việt Nam vẫn dang tay đón nhận và tạo điều kiện sinh sống cho những người Campuchia sang lánh nạn như gia đình ông Chan Long.
Hơn 4 năm uống nước, ăn gạo tại Việt Nam, thời kỳ ấy đối với ông Chan Long là hơn 4 năm đầy ắp những kỷ niệm yêu thương, đùm bọc, nghĩa tình.
Sau 40 năm, ông vẫn nhớ như in từng gương mặt thân quen của bà con chòm xóm ở vùng đất nghèo thuộc tỉnh Đồng Tháp, nơi gia đình ông được bố trí cư trú. Ông vẫn cảm nhận rõ vị ngọt mát của những trái dừa từ tay các má, các chị đưa cho sau những buổi cuốc đất vã mồ hôi.
Ông cho biết, khi đó đất nước Việt Nam vừa thoát khỏi chiến tranh, điều kiện kinh tế rất khó khăn, ai ai cũng nghèo khổ, tuy nhiên, mọi người đều hăng say làm việc, những buổi ra đồng luôn đầy ắp tiếng cười, mọi người cùng giúp đỡ nhau ổn định cuộc sống, không phân biệt dân tộc, thành phần.
Nhờ vậy, những người tay trắng đến từ Campuchia như gia đình ông còn được bà con ưu ái, giúp đỡ nhiều hơn.
Cũng trong những ngày tháng gian lao, vất vả này, ở một vùng đất khác tại tỉnh Cà Mau, anh Lê Thành Tạc, khi đó vừa học hết cấp 3, đã tình nguyện nhập ngũ theo tiếng gọi của Đảng để sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, giữ vững biên giới Tây Nam trước sự xâm lăng của bè lũ Pol Pot.
Là Trung đội trưởng, đại đội 2, tiểu đoàn 3, trung đoàn 152, tỉnh đội Kiên Giang, anh cùng đồng đội đẩy lui quân Pol Pot khi chúng đánh chiếm lấn sâu vào tận Nhà máy xi măng Hà Tiên. Sau đó, anh đã tham gia cuộc tổng phản công cùng quân tình nguyện Việt Nam đập tan chế độ Khmer Đỏ vốn gây bao lầm than cho đất nước Campuchia.
Bồi hồi nhớ lại những ngày tháng hào hùng này, anh Tạc kể, khi bộ đội Việt Nam mới tiến vào, một số người dân Campuchia vẫn rất sợ hãi nên trốn vào rừng, các anh phải đi kêu gọi bà con trở về nhà, bảo họ lấy lúa gạo bị quân Pol Pot tịch thu mà ăn, lúc đó bà con mới hiểu là bộ đội Việt Nam đến cứu họ, mọi người mừng lắm.
Khi ấy, không một ai trong hàng vạn người lính tình nguyện Việt Nam lấy một hạt gạo, quả cà, trái ớt của dân bởi trước khi phản công tiến vào Campuchia, tất cả các đơn vị đều phổ biến 9 điều quy định không lấy của dân, ai vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng. Vì vậy, nhân dân Campuchia càng thêm tôn trọng, nể phục, tin cậy, thương yêu bộ đội Việt Nam.
Công cuộc tái thiết đất nước Campuchia ngay sau đó là một thời kỳ đầy thách thức với những người lính đã quá quen với pháo đạn như anh Tạc.
Tuy nhiên, chứng kiến những khổ đau cùng cực và sự thiếu thốn nghiêm trọng về mọi mặt mà nhân dân Campuchia đang phải gánh chịu, những người lính vừa cầm súng chiến đấu ấy đã lao vào vận chuyển thóc giống, lúa gạo, thực phẩm, thuốc men… từ Việt Nam sang cứu trợ bà con Campuchia.
Anh Tạc cho biết, Việt Nam khi đó rất khó khăn nhưng ở Việt Nam có gì cũng chở sang Campuchia cái đó, chúng ta còn kêu gọi bạn bè quốc tế viện trợ cho Campuchia.
Thấu hiểu được sự giúp đỡ, san sẻ chí tình của Việt Nam, người dân Campuchia cũng rất thương bộ đội Việt Nam, coi như con em của mình, họ múc từng bát cháo, giúi vào tay từng quả trứng bắt bộ đội phải ăn vì biết bộ đội cũng rất thiếu thốn lương thực.
Thời kỳ này, ông Chan Long cùng gia đình cũng đã quay trở về Campuchia. Ông tham gia giúp Chính quyền non trẻ Campuchia phối hợp công tác với Tổng đoàn chuyên gia Việt Nam tại Campuchia (B68).
Với tinh thần của một người con trở về xây dựng đất nước, ông Chan Long đã ngày đêm lăn lộn cùng các chuyên gia Việt Nam xuống từng thôn, xóm hướng dẫn bà con cách gieo giống, bón phân, trồng rau, nuôi cá…
Công sức miệt mài đóng góp của những người con Campuchia như ông Chan Long cùng sự giúp đỡ, hướng dẫn tận tình của hàng vạn chuyên gia Việt Nam đã dần giúp nền kinh tế Campuchia hồi phục, hàng triệu người dân Campuchia một lần nữa lại được giải thoát, lần này là thoát khỏi giặc đói.
Chan Long và Lê Thành Tạc, hai con người đi theo hai chiều ngược lại trong thời kỳ bè lũ Khmer Đỏ thực hiện chính sách diệt chủng ở Campuchia và xâm lược Việt Nam, để rồi những người con của cả hai nước Việt Nam và Campuchia ấy đã cùng kề vai nhau xây dựng lại xứ sở Chùa Tháp.
Bốn mươi năm trôi qua, anh Lê Thành Tạc hiện là Tham tán, Trưởng phòng Chính trị, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, còn ông Chan Long sau nhiều năm công tác tại Bộ Thương mại Campuchia đã nghỉ hưu và về làm Cố vấn Phòng Thương mại Campuchia, cả hai vẫn nỗ lực cống hiến góp phần xây dựng, phát triển Vương quốc Campuchia, thắt chặt tình đoàn kết anh em chí cốt Việt Nam - Campuchia.
Lắng nghe câu chuyện của hai con người trong cái nắng mềm mại, vàng óng, len lỏi giữa những đỉnh tháp nhô cao, chúng tôi cảm nhận như đang được hít thở bầu không khí của mùa khô năm nào.
Những hy sinh xương máu và sự dấn thân quên mình của các thế hệ đi trước là nguồn động lực để lớp lớp thanh niên Việt Nam - Campuchia tiếp bước, cùng chăm lo vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước./.