Tỷ lệ hoán đổi sẽ là 1 cổ phiếu BHS cho 1,02 cổ phiếu SBT, hay cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu BHS sẽ được nhận 102 cổ phiếu SBT. Tổng số cổ phiếu BHS đang lưu hành hiện là 197.874.449 cổ phiếu. Theo đó, SBT sẽ phát hành 303.831.937 cổ phiếu mới.
Sau đó, SBT sẽ sở hữu 100% cổ phần của BHS, sau đó BHS sẽ chuyển từ CTCP sang Công ty TNHH Một thành viên trực thuộc SBT. Thị trường đã chờ đợi khá lâu đối với thông tin này và cũng đã có những tín hiệu báo trước vể tỷ lệ hoán đổi này.
Sau sáp nhập, tổng số cổ phiếu SBT đang lưu hành sẽ tăng từ 253.188.268 cổ phiếu lên 557.020.205 cổ phiếu và sẽ là doanh nghiệp dẫn đầu ngành mía đường Việt Nam. Tổng diện tích trồng mía của BHS và SBT là 44.500 ha (lần lượt là 21.500ha và 23.000 ha). Trong vụ 2015/2016, tổng sản lượng đường chế biến là 481.500 tấn.
Trong đó, sản lượng của BHS là 250.000 tấn và của SBT là 231.500 tấn. Tổng sản lượng đường tiêu thụ là 486.671 tấn, lần lượt là 241.432 tấn và 245.239 tấn cho BHS và SBT. Công ty sau sáp nhập sẽ đóng góp khoảng 30% thị phần đường trong nước.
Hiện tại SBT sở hữu 100% cổ phần của Đường Thành Thành Công Gia Lai; 30,54% cổ phần của Đường Nước Trong và 39,23% cổ phần của Đường Tây Ninh.
Trong khi đó BHS sở hữu 100% cổ phần Đường Biên Hòa – Ninh Hòa; 94,51% cổ phần Đường Phan Rang; 43,2% cổ phần Đường Tây Ninh và 13,08% cổ phần Đường Sơn Dương.
Đáng chú ý, Thành Thành Công đã mua lại mảng đường của Hoàng Anh Gia Lai, bao gồm một nhà máy đường với công xuất ép 1.050.000 tấn mía mỗi năm và diện tích trồng mía là 6.000 ha ngay cạnh nhà máy.
Cả BHS và SBT đều là 2 doanh nghiệp mía đường có quy mô lớn nhất trên sàn chứng khoán đồng thời là 2 công ty mía đường chủ chốt của Tập đoàn Thành Thành Công do ông Đặng Văn Thành làm chủ tịch.
Tập đoàn Thành Thành Công đã rất tích cực dẫn dắt quá trình tái cơ cấu ngành mía đường những năm gần đây, việc sáp nhập SBT với BHS sẽ là bước đi hợp lý tiếp theo trong chiến lược hiện tại của tập đoàn.