Hé lộ kế hoạch sử dụng F-16 có thể giúp Ukraine đạt ưu thế trên không trước Nga

Kiều Anh |

Ukraine sẽ sớm nhận được các tiêm kích F-16 hiện đại từ phương Tây nhưng câu hỏi quan trọng đặt ra là Kiev sẽ tối ưu hóa việc sử dụng số lượng tương đối nhỏ các chiến đấu cơ này cũng như số lượng hạn chế các phi công được đào tạo như thế nào?

Cuộc cạnh tranh giành ưu thế trên không

Các nhà quan sát cho rằng Ukraine có thể sử dụng các chiến đấu cơ mới như một phần của chiến lược tích hợp trên không và trên mặt đất nhằm đảm bảo ưu thế trên không trong phạm vi nhỏ và thời gian ngắn cũng như là một phần của một chiến dịch lớn hơn nhằm đảm bảo những đột phá trong một số khu vực cụ thể.

Trung tướng đã nghỉ hưu David Deptula thuộc Lực lượng Không quân Mỹ, hiện đang làm việc tại Viện Mitchell và học giả Christopher Bowie thuộc Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược nhận định, "bằng cách tiến hành chiến dịch tích hợp trên không và trên mặt đất để đảm bảo ưu thế trên không trong những thời điểm và địa điểm lựa chọn, Ukraine có thể thúc đẩy đà tiến công của quân đội trên chiến trường và bắt đầu đảo ngược những thành quả về lãnh thổ mà Nga đạt được trong thời điểm này".

Hé lộ kế hoạch sử dụng F-16 có thể giúp Ukraine đạt ưu thế trên không trước Nga- Ảnh 1.

Tiêm kích F-16. Ảnh: Reuters

Ưu thế trên không là điều kiện mà một bên có thể tiến hành các chiến dịch để theo đuổi mục tiêu của mình mà không bị đối phương can thiệp hay ngăn cản.

Cả Nga và Ukraine đều chưa đạt được ưu thế trên không đáng kể hoặc rộng khắp trong suốt cuộc xung đột mặc dù Nga dường như đã thiết lập được quyền kiểm soát không phận tạm thời quanh Avdiivka vào tháng 2/2024. Lợi thế đó đã giúp quân đội Nga áp đảo lực lượng phòng thủ của Ukraine và chiếm được thị trấn này.

Đánh giá của ông Deptula và Bowie cũng nhấn mạnh "mức độ cần thiết của ưu thế trên không nhằm đạt được lợi thế quyết định" trong xung đột và cho biết, nếu không có lợi thế trên thì cuộc xung đột sẽ diễn biến "tương đối bế tắc" như hiện nay.

Khi Ukraine bắt đầu nhận được các tiêm kích F-16 từ phương Tây, nước này sẽ cần suy nghĩ lại về việc sử dụng lực lượng không quân cũng như cách thức hỗ trợ các chiến dịch mặt đất.

Hiệu quả của các tiêm kích F-16 tại Ukraine sẽ phụ thuộc lớn vào số lượng tiêm kích mà nước này nhận được, loại vũ khí, số lượng cũng như trình độ của các phi công cùng với các hoạt động bảo trì máy bay. Khả năng sống sót và ứng dụng cũng là những nhân tố có ảnh hưởng.

Kế hoạch sử dụng F-16 để chiếm ưu thế trên không

Các chuyên gia Deptula và Bowie nhận định trong đánh giá của mình rằng, "bước đầu tiên là làm việc với quân đội Ukraine để quyết định trên toàn bộ tiền tuyến vị trí cũng như thời gian tối ưu để đạt được lợi thế trên không".

Tiếp theo, Lực lượng Không quân Ukraine cần làm việc với lực lượng mặt đất để lên kế hoạch đánh lừa quy mô rộng, đưa quân đội vào các trục khác nhau trên chiến trường để khiến Nga bối rối về vị trí thực sự của một cuộc tấn công lớn.

Những động thái như vậy ít nhất có thể mang đến cho Ukraine một vài yếu tố bất ngờ, điều mà nước này không có trong cuộc phản công thất bại năm 2023.

Sau đó, Ukraine có thể nhắm đến việc cản trở phản ứng của Nga, triển khai "hàng trăm hoặc có thể là hàng nghìn" UAV nhằm vào các mục tiêu khác nhau, chẳng hạn như các cơ sở sản xuất và lưu trữ năng lượng để khiến quân đội Nga bối rối và buộc phải tiêu hao tên lửa đánh chặn", các chuyên gia Deptula và Bowie nói.

Cùng với các hệ thống không người lái, lực lượng mặt đất của Ukraine có thể sử dụng hỏa lực tầm xa như tên lửa HIMARS và ATACMS mà Mỹ cung cấp để đối phó với các radar, hệ thống tên lửa đất đối không và các hệ thống pháo của Nga. Lực lượng trên không có thể hỗ trợ những hoạt động này bằng cách sử dụng tên lửa HARM.

Điều quan trọng với chiến dịch này là thông tin tình báo do các bên đối tác cung cấp nhằm giúp Ukraine cải thiện chất lượng, thời điểm và hiệu quả của cuộc tấn công. Tác chiến điện tử mở rộng nhằm gây nhiễu các phương tiện trinh sát và giám sát của Nga cũng quan trọng không kém để làm gián đoạn phản ứng của đối phương.

Khi lực lượng mặt đất của Ukraine bắt đầu tiến công, nước này sẽ cần di chuyển các tên lửa đất đối không tầm xa ngăn chặn các tiêm kích của Nga. Điều này sẽ giúp lực lượng không quân Ukraine giành được ưu thế trên những khu vực cụ thể, cho phép các phi công tấn công các đơn vị của Nga cùng mạng lưới hậu cần và vận chuyển cũng như ngăn chặn các hoạt động tăng cường lực lượng.

Tất cả những điều này đòi hỏi một hướng tiếp cận tích hợp, ông Deptula và Bowie cho hay. Trong khi vẫn tồn tại những thách thức tiềm tàng chẳng hạn như không đủ nguồn lực và thời gian huấn luyện thì kết quả của kế hoạch trên có thể rất hứa hẹn, mang đến cho Ukraine ưu thế trên không tại một số nơi để nước này khai thác nhằm đạt được đột phá theo cách có thể "dẫn đến sự sụp đổ các vị trí của Nga".

Những câu hỏi cũng được đặt ta về cách Ukraine có thể sử dụng tốt nhất các tiêm kích F-16 khi một số người lo ngại rằng tiêm kích này trở nên ít hữu ích hơn trong thời điểm hiện nay so với giai đoạn đầu của cuộc xung đột.

Việc Ukraine tiếp nhận tiêm kích F-16 từ các nước thành viên NATO cũng đối mặt với một số vấn đề khi một số nhà lãnh đạo phương Tây do dự cung cấp chiến đấu cơ vì lo ngại Nga leo thang căng thẳng nhưng liên minh này bắt đầu dịch chuyển quyết định vào năm ngoái.

Các tiêm kích F-16 thế hệ thứ tư được sử dụng trong nhiều nhiệm vụ khác nhau trong hàng thập kỷ từ tác chiến trên không tới chế áp và phá hủy phòng không sẽ là một phương tiện nâng cấp khả năng của Ukraine, mang đến cho Kiev các hệ thống và vũ khí mà họ chưa từng có trước đó cũng như tăng cường năng lực trong các hoạt động tấn công và phòng thủ quan trọng.

Tuy nhiên, tiêm kích này không phải là "viên đạn bạc". Chúng cũng gặp phải hàng loạt thách thức ở Ukraine, đặc biệt là trước các hệ thống phòng không tiên tiến của Nga. Ngoài ra cũng có những vấn đề khác khi Ukraine phải thích nghi với cách chiến đấu của phương Tây, đặc biệt trong tác chiến hiệp đồng phức tạp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại