Hé lộ hai "kiến trúc sư trưởng" quyền lực đằng sau cuộc khủng hoảng Qatar

Linh Nguyễn |

Bloomberg cho rằng các nước cắt quan hệ ngoại giao với Qatar đang trừng phạt một đất nước không chịu "đá chung sân" với họ.

Bối cảnh chung

Theo Bloomberg, tuyên bố chấm dứt mọi quan hệ ngoại giao với Qatar của Saudi Arabia và ba nước đồng minh vào ngày 5/6 mang đậm dấu ấn của hai trong số lãnh đạo quyền lực nhất thế giới Ả-rập: Phó hoàng vương Saudi Arabia Mohammed bin Salman, và quyền lãnh đạo kiêm Thái tử UAE Mohamed bin Zayed.

Gọi đây là động thái "phối hợp có chủ đích", Bloomberg cho rằng việc cách ly Qatar là dấu hiệu của quyền lực ngày càng lớn của hai nhà lãnh đạo, trong bối cảnh cả Saudi Arabia và UAE sở hữu trữ lượng dầu mỏ khổng lồ và mua vũ khí từ Mỹ.

Hai quốc gia sử dụng những thế mạnh này để gây ảnh hưởng lên Trung Đông bằng cách ủng hộ những phe phái họ thích và phản đối những người còn lại. Cả Saudi Arabia và UAE tuyên bố mục đích trừng phạt Qatar là để phá vỡ "tình trạng khủng bố do Iran tài trợ" mà Qatar bị cáo buộc đã chu cấp.

Hành động đối đầu với Qatar - quốc gia giàu có nhất theo đầu người nhờ vào trữ lượng khí đốt dồi dào - khiến Saudi Arabia và UAE đối đầu trực tiếp với một đồng minh quan trọng của Mỹ, và là địa điểm đặt căn cứ quân sự lớn của Mỹ trong khu vực.

Động thái này còn khiến Mohammed bin Salman và Mohamed bin Zayed gửi thông điệp quyền lực rõ ràng đến nhà lãnh đạo 37 tuổi người Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani rằng: Trên mảnh đất này, thực quyền thuộc về chúng tôi.

"Trò chơi quyền lực này đánh dấu sự trỗi dậy của bộ đôi nhà lãnh đạo với vai trò kiến trúc sư của chính sách khu vực," ông Ayham Kamel, giám đốc Trung Đông và Bắc Phi tại Eurasia Group cho hay.

"Diễn biến này hoàn toàn bất ngờ. Trước đây các quốc gia vùng Vịnh vốn mỏng phần chiến lược chi tiết. Động thái lần này có vẻ đã được tính toán kỹ lưỡng hơn rất nhiều."

Khủng hoảng Qatar: Cuộc đấu đá của nhiều nhóm lợi ích - Ảnh 1.

Đường bay chật hẹp của Qatar sau khi bị các nước láng giềng đóng không phận. Ảnh: Al Arabiya

Lợi ích mập mờ

Bloomberg đặt câu hỏi, vậy tương lai của khu vực sẽ đi về đâu, trong bối cảnh chống chọi với giá dầu giảm và hậu quả của chiến tranh giữa người Saudi và đồng minh Sunni với lực lượng Shiite của Iran.

Nguyên nhân xoay quanh nỗ lực gây suy yếu nhóm "Anh em Hồi giáo"- vốn Saudi Arabia và UAE đã phản đối suốt nhiều năm, một phần bởi tổ chức này tuyên bố sẽ thâu tóm quyền lực thông qua bầu cử. Liên minh chống lại Qatar cũng có sự tham gia của Ai Cập - lãnh đạo nước này đã lật đổ nhóm Anh em trong cuộc đảo chính năm 2013.

Tuy nhiên chính sách cứng rắn mới lại từng thu kết quả không mấy khả quan. Chiến tranh chống lại phiến quân Iran ở Yemen do Saudi Arabia dẫn đầu đang kẹt trong tình thế bế tắc đẫm máu, còn đồng minh của Saudi Arabia và UAE tại Syria đang phải rút lui trước lực lượng liên quân giữa Nga và Iran.

"Cả Mohamed bin Salman và Mohamed bin Zayed cương quyết không chấp nhận bất cứ quan điểm chính trị cực đoan nào, dù là Sunni hay Shiite," nhà nghiên cứu Mokhtar Awad thuộc ĐH George Washington cho hay.

"Điều nguy hiểm là hai nhà lãnh đạo dễ bị vướng vào tình thế vĩnh viễn theo đuổi một chính sách mà khả năng cao sẽ chẳng đi đến đâu," Awad cho biết thêm.

Khủng hoảng Qatar: Cuộc đấu đá của nhiều nhóm lợi ích - Ảnh 2.

Người dân Qatar vội vã tích trữ đồ ăn trước bối cảnh khủng hoảng ngoại giao. Ảnh: Twitter

Mục đích chung

Vốn nổi tiếng vì ngân hàng và đời sống Dubai xa hoa hơn là chính sách ngoại giao, UAE bắt đầu tham gia nhiều hơn vào tình hình khu vực từ vài năm trước, trong lúc Mỹ và các nước Ả-rập quyền lực khác đang xao nhãng. Và rồi vương triều Saudi Arabia trải qua một số thay đổi, sau đó Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức thay thế người tiền nhiệm Obama và phản đối cả thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Nhà lãnh đạo UAE Mohamed bin Zayed 56 tuổi là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên gặp gỡ hoàng tử Saudi Arabia là Mohammed bin Salman, 31 tuổi khi ông được Vua Salman thăng cấp lên Phó hoàng vương năm 2015.

Vị hoàng vương tham vọng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Saudi nổi lên với vai trò thúc đẩy một kế hoạch cải cách hồi năm ngoái nhằm đưa Saudi Arabia hội nhập với nền kinh tế thế kỷ 21. Mặc dù hình mẫu lý tưởng trong ý đồ của bin Salman có lẽ là Dubai thay vì Abu Dhabi của bin Zayed, hai nhà lãnh đạo vẫn duy trì quan hệ đối tác.

Vị Quốc vương trẻ tuổi

Bloomberg cho rằng, với việc cắt đứt quan hệ với Qatar, các quốc gia này đang trừng phạt một đất nước không chịu "đá chung sân" với họ.

Nguồn của cải dồi dào đến từ mỏ gas chung với Iran giúp Qatar phát triển chính sách ngoại giao khác với những nước kế cận. Qatar chu cấp cho nhóm Anh em Hồi giáo ở Ai Cập, Hamas ở dải Gaza và các phe phái vũ trang ở Libya và Syria vốn bị Saudi Arabia và UAE phản đối.

Tamim bin Hamad Al Thani trở thành Quốc vương Qatar từ năm 2013, sau khi cha ông thoái vị. Điều này được cho là nỗ lực chứng tỏ Qatar đang thoát ra khỏi đường lối "dị thường" trước kia, theo nhà nghiên cứu Peter Salisbury thuộc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi của Chatham House. Ông cố gắng cải thiện tên tuổi Qatar trên trường quốc tế bằng cách quảng bá đất nước như nhân tố tạo dựng hòa bình trong khu vực.

Thế nhưng một năm sau, khi Saudi Arabia và UAE cảm thấy "Qatar vẫn chưa chịu thần phục", họ quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao, theo nhà nghiên cứu Peter Salisbury.

Tình huống căng thẳng này đặc biệt lên cao trong tuần qua. Chính phủ Qatar bác bỏ cáo buộc tài trợ phần tử khủng bố, và tuyên bố người Saudi đang nỗ lực làm bá chủ khu vực.

"Sau chuyến viếng thăm của Trump, dường như Saudi Arabia cảm thấy họ đang được Mỹ hậu thuẫn," Yezid Sayigh, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Carnegie Trung Đông cho biết. "Có vẻ họ tin rằng họ có thể làm bất cứ điều gì."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại