Đây là thông tin được đăng tải trên tờ New York Times. Trước đó, New York Times dẫn nguồn tin từ một quan chức Tây Ban Nha cấp cao giấu tên và nhà văn người Tây Ban Nha Fernando Rueda về chuyện ông Skripal làm việc cho các cơ quan tình báo Tây Ban Nha trong những năm gần đây.
“Ông Skripal đã nhiều lần tới Tây Ban Nha”, New York Times dẫn lời ông Rueda.Theo hai nguồn tin này, ông Skripal đã tham dự hàng loạt cuộc họp với các quan chức thuộc Cơ quan Tình báo Tây Ban Nha (CNI). Tuy nhiên, nội dung thảo luận và thời gian họp bàn lại không được hé lộ.
Trong thời gian đảm nhận cương vị Đại tá trong Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU), ông Skripal cũng đã tới thủ đô Madrid của Tây Ban Nha vào giữa thập niên 90.
Cũng theo New York Times, những chuyến thăm của ông Skripal tới Tây Ban Nha được chính một quan chức cấp cao trong chính phủ đương nhiệm Tây Ban Nha xác nhận. Một số cựu quan chức Tây Ban Nha còn khẳng định, ông Skripal là “nguồn tin vô cùng hữu ích trong hoạt động tiêu diệt băng đảng tội phạm có tổ chức của Nga”.
Ngoài ra, New York Times cho biết thêm ông Skripal đã tới thủ đô Prague của Cộng hòa Séc vào năm 2012 cũng như tới thủ đô Tallinn của Estonia vào năm 2016 để “chỉ giáo” cho những quan chức tình báo địa phương. Những chuyến thăm này của ông Skripal được MI6 sắp xếp.
Trong những bài giảng về tình báo quốc tế, ông Skripal có thể đã tiết lộ những thông tin mà sau này được dùng để phát hiện và lật đổ lực lượng gián điệp ngầm.
“Bài giảng của ông Skripal đã giúp rất nhiều cho công việc của chúng tôi”, New York Times dẫn lời một quan chức châu Âu từng tham gia các cuộc họp có ông Skriapl tham dự.
Trước đó, vào ngày 4/3, ông Skripal Sergei (66 tuổi) và con gái Yulia Skripal (33 tuổi) được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh nằm trên băng ghế bên ngoài trung tâm mua sắm Maltings tại thành phố Salisbury. Cảnh sát Anh cho biết hai nạn nhân bị phơi nhiễm với chất độc thần kinh.
Sau đó, London ra tuyên bố chính chất độc thần kinh Novichok đã gây ra tình trạng hôn mê cho cha con ông Skripal và cáo buộc Nga làm thủ phạm tấn công.
Tuy nhiên, chính các chuyên gia từ phòng nghiên cứu quân đội Anh lại khẳng định, họ không thể xác định được nguồn gốc chất độc dùng để hạ độc cha con ông Skripal.