Hé lộ cách Nga cố tình nhượng đất để ngăn Ukraine tiến công xa hơn

Kiều Anh |

Chiến thuật của Nga khi sẵn sàng nhượng bộ lãnh thổ rồi nhanh chóng phản công đang chứng minh tính hiệu quả khi đối phó với cuộc phản công của Ukraine, New York Times đưa tin.

Cuộc phản công của Ukraine bị cản trở bởi các bãi mìn dày đặc và hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga. Tuy nhiên, một trở ngại khác mà quân đội Ukraine đối mặt hiện nay là chiến thuật mà Nga đang áp dụng: đó là nhượng đất và sau đó phản công. Thay vì cố giữ các chiến hào bằng mọi giá khi đối mặt với cuộc tấn công của Ukraine, các chuyên gia an ninh nhận định, các chỉ huy của Nga đã triển khai một chiến thuật quân sự có từ lâu, được biết tới là "phòng ngự chiều sâu".

Để tiến hành chiến thuật này, các lực lượng của Nga rút về phòng tuyến thứ hai, khuyến khích quân đội Ukraine tiến công rồi sau đó tấn công ngược lại khi đối phương trong tình trạng dễ tổn thương, chẳng hạn như khi di chuyển lực lượng trên các bãi đất trống hoặc mới đến các vị trí Nga vừa bỏ lại.

Hé lộ cách Nga cố tình nhượng đất để ngăn Ukraine tiến công xa hơn - Ảnh 1.

Quân đội Ukraine di chuyển trong một chiến hào ở Lugansk. Ảnh: Getty

Mục tiêu của chiến thuật trên là ngăn cản quân đội Ukraine củng cố một vị trí và sử dụng nó để tiến công xa hơn. Đây là chiến thuật Kiev từng thực hiện thành công khi giành quyền kiểm soát làng Robotyne ở phía Nam, được đánh giá là đột phá lớn nhất của lực lượng này trong những tuần gần đây.

"Bên phòng thủ nhượng bộ lãnh thổ trong khi gây thương vong lớn cho bên tấn công với tính toán rằng có thể đặt đối phương vào một cuộc phản công quyết định", nhà phân tích Ben Barry thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho hay.

Chiến thuật của Nga chỉ là một trong số những nhân tố cản trở bước tiến nhanh chóng của Ukraine. Các quan chức và chuyên gia quân sự Ukraine cũng dẫn ra các bãi mìn dày đặc, mạng lưới chiến hào và chướng ngại vật chống tăng của Nga cũng như thái độ do dự của các nước NATO trong việc cung cấp tiêm kích tiên tiến và vũ khí tầm xa cho Kiev.

Phòng ngự chiều sâu không phải một chiến thuật mới, ông Barry cho hay. Liên Xô từng triển khai chiến thuật này để đánh bại Đức năm 1943 trong Trận chiến Kursk - một trong những trận chiến lớn nhất ở mặt trận phía Đông trong Thế chiến II. Nga cũng từng áp dụng chiến thuật trên một vài lần ở Ukraine, đặc biệt khi đối phó với cuộc phản công mùa hè của Kiev.

"Trong lịch sử, nó được sử dụng rất thành công nhưng để thực hiện được thì đòi hỏi phải có lãnh đạo giỏi và các binh lính được đào tạo tốt để có thể tiến hành các cuộc phản công quyết định", ông Barry nói.

Trong những tuần gần đây, giao tranh dữ dội diễn ra tại khu vực Zaporizhzhia ở phía Nam khi Ukraine tìm cách tận dụng thành công của mình sau khi giành quyền kiểm soát làng Robotyne và xuyên thủng phòng tuyến đầu tiên của Nga.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở ở Washington đánh giá, các hệ thống chiến hào thường xuyên thay đổi bên kiểm soát giữa bối cảnh giao tranh ác liệt gần làng Robotyne. Tổ chức này cũng đánh giá, Nga đang tiến hành các cuộc phản công thành công và triển khai các đơn vị tinh nhuệ trong các chiến dịch đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại